Nhẹ dạ nuôi giun cao sản, người dân ngập trong nợ nần

Thứ tư - 07/06/2017 16:30
Năm 2011 và 2012 một số nơi trên địa bàn tỉnh xuất hiện các mô hình nuôi giun cao sản cho Công ty TNHH Hùng Vương. Được vài lứa đầu, Công ty thu mua nhưng sau đó tìm đường thoát để lại cảnh "dở khóc dở người cho nhiều hộ dân...

Ông Trần Xuân Trường ở xóm Đông Quế, xã Vượng Lộc vay 150 triệu đồng từ ngân hàng và những người thân quen đầu tư nuôi giun, sau 7 tháng nuôi xuất được 2 lứa 30 triệu đồng, lỗ 120 triệu đồng... Ảnh: vietbao.vn

Được biết, Công ty TNHH Hùng Vương đến tận nhà giới thiệu lợi ích của việc nuôi cao sản, như: đơn giản, dễ nuôi, thức ăn là phân trâu, bò; công ty sẽ cung cấp giống lần đầu, sau đó tự nó sinh sản, cho cán bộ kỹ thuật về tận nhà hướng dẫn, thu mua toàn bộ sản phẩm tại nơi nuôi. Họ còn nói, loại giun này do một tiến sỹ người Việt Nam, hiện đang làm việc bên nước Đức nghiên cứu ra, dùng để chiết xuất làm thuốc tây chữa bệnh, số lượng mua không hạn chế. Chỉ cần một năm đầu là đủ vốn, từ năm thứ hai bắt đầu có lãi, mỗi tháng hơn 20 triệu đồng.

Đi cùng với lời nói, họ bảo nếu gia đình nào nuôi thì họ hi lại địa chỉ, hôm sau cho kế toán của công ty vào làm hợp đồng hẳn hoi. Tin vào lời nói ngon ngọt ấy, một số hộ dân đã vay tiền ngân hàng xây dựng chuồng trại và mua con giống về nuôi. Có người phá bỏ chuồng lợn đã nuôi lâu nay, vì cho rằng nuôi lợn dịp này không có lãi, nếu có lãi cũng rất thấp so với nuôi giun cao sản, trong đó có người là cán bộ cấp xã.

Ông Dương Hoà ở xã Vĩnh Lộc cho biết, tháng 4/2011 gia đình ông đầu tư 150 triệu đồng vào nuôi giun cao sản, đến tháng 6/2012 đã xuất được 3 lứa bán cho công ty, sau khi trừ chi phí tiền chế phẩm, tiền thuốc phòng bệnh cho giun, gia đình ông thu được 50 triệu đồng. Đến tháng 6/2012 kiểm tra thấy giun chết dần nên gia đình không nuôi nữa. Sau một năm nuôi, gia đình ông thua lỗ 100 triệu đồng, chưa kể tiền công. Bây giờ ông đã tu sửa lại chuồng trại để nuôi gà, ông cho biết vừa rồi đã bán được một lứa 200 con.

Khi tôi đặt vấn đề, nguyên nhân thất bại, do gia đình không đảm bảo các khâu kỹ thuật, do thời tiết hay do đâu. Ông Hòa cho rằng nguyên nhân từ thuốc do công ty cung cấp. Tôi hỏi sao ông không gọi cán bộ kỹ thuật của công ty đến? Ông nói, lúc đầu mới nuôi cán bộ đến thường xuyên, nhưng sau này gọi mấy lần không thấy ai đến. Theo ông Hòa cho biết chi phí để nuôi lần đầu khá cao. Trại nuôi của ông lứa đầu thả 250 kg giống với giá 340 ngàn đồng/kg (hết 85 triệu đồng), kèm theo phải mua hết 10 triệu đồng tiền thuốc và chế phẩm nữa. Sau đó giống không phải mua nhưng phải lấy thêm 3 lần thuốc với số tiền 30 triệu đồng. Giá giun giống và thuốc để nuôi khá cao, trong khi đó giun sản phẩm công ty chỉ mua với giá 134 ngàn đồng/kg. Theo chẩn đoán của ông, rất có thể số giun sau khi mua được chuyển đến hộ khác bán với giá giun giống.

Tại xã Vượng Lộc có 4 hộ nuôi đến nay đều thất bại. Chị Trần Thị Đơn xóm 10 xã Vượng Lộc đã bán toàn bộ đàn lợn đang nuôi, kết hợp với vay ngân hàng đầu tư 250 triệu để nuôi giun. Sau một năm nuôi bán được cho công ty 2 lứa, thu được 40 triệu đồng, lỗ 210 triệu đồng.

Ông Trần Xuân Trường ở xóm Đông Quế, xã Vượng Lộc vay 150 triệu đồng từ ngân hàng và những người thân quen đầu tư nuôi giun, sau 7 tháng nuôi xuất được 2 lứa 30 triệu đồng, lỗ 120 triệu đồng... Theo ước tính, trên địa bàn huyện Can Lộc có khoảng 15 hộ nuôi, hiện nay đều rơi vào cảnh tương tự, nợ nần chồng chất., thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Theo chúng tôi, dẫn đến tình cảnh này trước hết thuộc về các hộ dân nhẹ dạ, cả tin. Do tin vào những lời nói ngon ngọt, nên mặc dù không biết cụ thể trụ sở của công ty ký hợp đồng với mình ở đâu, những người đến trực tiếp gia đình để "tư vấn", ký kết hợp đồng là ai, thực sự họ mua giun làm gì mà "số lượng mua không hạn chế" với giá khá cao như vậy, nhưng vẫn vay hàng trăm triệu để nuôi.

Một nguyên nhân khác thuộc về trách nhiệm của ban cán sự thôn, xóm và chính quyền địa phương. Tại sao người ở đâu đến, làm việc tại một số gia đình trên địa bàn xã một năm mà chính quyền không ai hay biết gì?

Nhanh nhạy nắm bắt, học tập xây dựng các mô hình sản xuất mới là điều cần thiết. Tuy nhiên khi hợp đồng với ai, làm việc gì cần tìm hiểu kỹ các thông tin cần thiết. Hiện nay có không ít công ty lừa đảo. Khi tôi đang viết bài này thì chương trình VTV1 tối 24/12/2012 đưa tin, một công ty có trụ sở ở Hà Nội ký hợp đồng với một số hộ dân ở các tỉnh phía Bắc nuôi chồn nhung, đang rơi vào tỉnh cảnh tương tự như nuôi giun cao sản ở Hà Tĩnh. Người nuôi phải mua chồn giống với giá cao, nhưng đến kỳ thu mua không thấy người công ty đến mua như đã ký kết, phóng viên tìm đến trụ sở công ty thì cửa đóng kín, nghe nói công ty đã chuyển đi từ lâu nhưng không biết chuyển đi đâu.

                                                                                                                        Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây