Biết nói gì đây...
Câu nói nửa đùa nửa thật của Trưởng Ban quản lý công trình TP Hà Tĩnh Phạm Tấn Sinh về việc triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 5 năm thành lập thành phố dường như đã nói hết những khó khăn trong hoạt động đầu tư XDCB thời gian gần đây. Chán nản với thảm cảnh cắt giảm đầu tư công nên ông Sinh không màng liệt kê đầy đủ các công trình do Ban quản lý công trình thành phố được giao quản lý mà chỉ đi thẳng vào một số dự án bức thiết.
Chỉ còn không đầy 3 tháng nữa là đến thời hạn hoàn thành nhưng Bệnh viên đa khoa TP Hà Tĩnh vẫn còn ngổn ngang |
Khởi công đầu năm 2009, với tổng mức đầu tư 169 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và một số địa phương lân cận. Theo kế hoạch, chỉ còn không đầy 3 tháng nữa là công trình phải đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm này, phần xây lắp mới dừng lại ở việc hoàn thành 3 dãy nhà chính (nhà A cao 4 tầng, nhà B và C cùng cao 3 tầng). Công trình còn ngổn ngang khi khuôn viên chưa định hình, sân sườn chưa san nền, các tuyến đường nội bộ chưa rõ nét và đương nhiên chưa có kế hoạch cho việc đầu tư lượng lớn trang thiết bị hiện đại.
Ông Phan Đình Minh - Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh Công ty CP xây dựng và sản xuất công nghiệp (thuộc Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam) cho biết, đơn vị trúng thầu thi công dãy nhà A và nhà C Bệnh viên đa khoa thành phố có tổng trị giá hơn 45 tỷ đồng và đã hoàn thành từ giữa năm 2011 nhưng chủ đầu tư mới thanh toán 21 tỷ đồng. Do chưa bàn giao được nên từ đó đến nay, đơn vị vẫn phải bố trí bảo vệ trực ở đó 24/24h để bảo quản nhà cửa cũng như các trang thiết bị đã lắp (bóng đèn, máy điều hòa nhiệt độ…). Với đà cắt giảm đầu tư công như hiện nay, chưa biết đến khi nào đơn vị được thanh toán hết trong khi ngân hàng hiện cũng không cho vay vốn để trả nợ nguyên vật liệu và nhân công.
Nói về công trình Bệnh viện đa khoa thành phố, Trưởng ban Sinh cho hay, tính đến cuối năm 2011, giá trị khối lượng hoàn thành của công trình trên 100 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư mới thanh toán 56 tỷ đồng và đang nợ nhà thầu 48 tỷ đồng. Nay, đã giữa tháng 3 nhưng vẫn chưa có kế hoạch phân khai vốn nên Ban cũng chỉ biết chờ và an ủi nhà thầu chứ không còn cách nào khác trong khi khối lượng công việc còn lại không phải là ít.
Ông Sinh còn cho biết thêm, liên quan đến công trình bệnh viện còn có tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài về phía Đông (từ hồ Dâu đoạn giao với đường Nguyễn Trung Thiên thẳng xuống đường Mai Thúc Loan). Công trình này có giá trị đầu tư 25 tỷ đồng (chưa tính phần GPMB và 3 hộ bố trí tái định cư) và đã khởi công nhưng đến nay chưa có kế hoạch vốn. Tuy không yêu cầu hoàn thành trước kỷ niệm 5 năm thành phố nhưng nếu muốn đưa Bệnh viện đa khoa thành phố vào hoạt động thì không thể đường không xong trước được.
Một công trình không kém phần quan trọng trong việc cải thiện bộ mặt thành phố là dự án nâng cấp đường Nguyễn Huy Tự (đoạn từ Hải Thượng Lãn Ông đến đường Nguyễn Du) với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng (GPMB 28 tỷ đồng). Khởi công từ đầu quý 4 năm 2011 nhưng đến nay công trình mới dừng lại ở phần xây dựng hệ thống mương thoát nước hai bên với giá trị sản lượng xây lắp khoảng 3 tỷ đồng nhưng chưa có một đồng thanh toán cho đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng tổng hợp 269. Vốn đã lầy lội từ chục năm qua, nay công trình làm "dở dở ương ương" thì dừng càng khiến người qua đường dư khổ vì bùn đất nhão nhoét.
Được biết, ngoài các công trình chào mừng nêu trên (đa số ngừng thi công từ cuối năm 2011), trong năm 2012 này, TP Hà Tĩnh còn dự kiến đầu tư tuyến đường Ngô Đức Kế, Quy hoạch quần thể di tích lịch sử Núi Nài, nâng cấp đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ ngã tư Đồng Vinh đến đường Phan Đình Phùng), đường Xuân Diệu qua khu đô thị Bắc, đường bao Khu đô thị Bắc; GPMB và xây dựng một số hạng mục của Công viên trung tâm... Như vậy, nếu tính sơ sơ thì lượng vốn cho cả công trình đã triển khai lẫn khởi công mới cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Vốn ư, động viên là chính!
Dường như biết kế hoạch phân khai vốn năm 2012 của tỉnh cho thành phố chỉ như muối bỏ biển nên khi đặt vấn đề giải pháp vốn cho các công trình trọng điểm phấn đấu hoàn thành trước tháng 6 để chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập thành phố, cả Trưởng Ban quản lý công trình, Trưởng phòng Tài chính cho đến Chủ tịch UBND thành phố đều muốn "né".
Trưởng ban Phạm Tấn Sinh cho biết: "Nhiều lúc muốn họp các đơn vị thi công lắm nhưng sợ phát công văn rồi chưa chắc họ đã đến chứ chưa nói phải trả lời với họ thế nào. Hiện nay, thành phố chưa có kế hoạch cụ thể, còn Ban thì chỉ biết chờ đợi mà thôi nên tinh thần chung chủ yếu động viên là chính".
Trong khi đó, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Phạm Hùng Cường bày tỏ: "Đúng là nhu cầu vốn cho việc triển khai các dự án trọng điểm đang thiếu nhiều. Không riêng các công trình trọng điểm chuẩn bị mừng kỷ niệm mà thành phố còn phải tính xa hơn. Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đang xây dựng đề án huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đến năm 2015 (mốc thời gian phấn đấu lên đô thị loại 2)".
Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng chia sẻ: "Đa số các công trình trọng điểm đang triển khai đều sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay Bộ Tài chính nên thành phố phụ thuộc rất lớn từ bên ngoài. Quan điểm của thành phố là luôn tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là mặt bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay thì phải động viên, phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công".
Gần 5 năm lên thành phố, cơ sở hạ tầng Thành Sen đã có nhiều biến chuyển nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu của một đô thị khang trang, hiện đại. Và, trước bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công như hiện nay, thiết nghĩ TP Hà Tĩnh phải sớm có bài toán huy động mang tầm chiến lược từ nhà đầu tư và xã hội chứ không nên chỉ chờ vào việc phân bổ vốn ngân sách Nhà nước!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn