Nhân viên ngân hàng khổ vì đổi tiền lẻ

Thứ tư - 07/06/2017 07:35
Hạn mức tiền lẻ, mới tại nhà băng có giới hạn nên bên cạnh trách nhiệm phục vụ khách VIP thì không ít nhân viên cảm thấy áp lực do không thể giải quyết hết việc người thân nhờ đổi tiền mới.
Thu Nhàn, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở TP HCM cho biết, năm nào ngân hàng cô cũng đều dành các suất đổi tiền lẻ mới cho những khách hàng VIP coi như là một dịch vụ cộng thêm để làm vui lòng khách. "Còn vài ngày nữa là đến Tết nên nhu cầu đổi tiền tăng cao. Có ngày, mình tôi đổi gần cả tỷ đồng cho khách hàng nên phải kiểm, đếm hoa cả mắt", cô nói.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên ngân hàng khác tâm sự, việc hì hục kiểm đếm tiền cho khách VIP cũng không "khổ" bằng áp lực khi không thể đổi được tiền lẻ cho người thân, bạn bè. Thu Mai, nhân viên phòng Marketing của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận 1 than thở, những ngày này cô thấy khá căng thẳng.

Trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền lẻ tăng cục bộ.

Bởi người thân nghĩ cô làm ở ngân hàng thì việc đổi tiền sẽ dễ dàng nên mấy ngày nay cứ gọi điện nhờ. "Bản thân mình cũng phải giải thích là tiền mới phân bổ xuống có giới hạn nên mỗi nhân viên chỉ được vài triệu tiền lẻ mới. Do đó, tôi chỉ có thể đổi cho vài người nhưng hết người này giận tới người kia hờn. Sát Tết nhiều việc, cộng thêm áp lực đổi tiền mới khiến mình rất mệt mỏi", cô nói.

Thanh Hương, nhân viên phòng Marketing của một ngân hàng phía nam còn phải chạy đôn chạy đáo khắp các ngân hàng bạn để đổi hộ, thậm chí tìm những tép tiền đã lưu thông nhưng còn mới để đổi cho khách lẻ, hoặc những người thân, quen, tránh làm họ thất vọng. "Tiền mới ít, đặc biệt là mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống gần như không có nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người. Tôi và các chị em phải tranh thủ lựa, đổi tiền mới trong quỹ để dùng", chị Hương chia sẻ.

Một đại diện của Ngân hàng Nam Á cho biết, thời điểm này năm trước, ngân hàng ông nhận phân bổ cả trăm tỷ đồng tiền lẻ mới, nhưng năm nay con số này chỉ còn khoảng một phần ba. "Do đó, hạn mức chia cho từng nhân viên cũng sẽ ít lại", ông nói.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, những năm gần đây cơ quan này đã có sự điều tiết, có kế hoạch chi thường xuyên và liên tục trong suốt năm chứ không để dồn vào cuối năm như những năm trước. Bất kể lúc nào, ngân hàng thương mại có yêu cầu đều được đáp ứng lượng tiền lẻ. "Chúng tôi khẳng định luôn đáp ứng đầy đủ cơ cấu các mệnh giá tiền nên không lo bị thiếu", ông nói.

Riêng các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết hiện vẫn còn khá nhiều nhưng tạm thời chưa phân bổ xuống các ngân hàng nhằm tránh tình trạng "nhu cầu tăng cục bộ" dịp trước Tết Nguyên đán của người dân cho việc đi rải khắp các chùa chiền, gây phản cảm cũng như rối loạn lưu thông tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân nhằm tránh sự lãng phí lớn. Bởi lẽ, như tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng... cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước chi ra rất nhiều nhưng qua Tết thì đồng loạt các ngân hàng nộp trở về và hầu như trong năm nhu cầu cho tiền loại này không cao.

Đa số người đến ngân hàng nhận tiền kể cả vay tiền đều thích tiền mệnh giá lớn. "Trong khi tiền polymer dòng đời gấp 5-10 lần so với tiền cotton, nếu không tận dụng hết mà cứ in mới liên tục sẽ rất lãng phí, thậm chí làm rối loạn cơ cấu lưu thông", vị lãnh đạo nói.

Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm để đi lễ, chùa..., dẫn đến phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì năm nay, đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.

Mặc dù quy định là vậy, nhưng cả tuần nay, các dịch vụ đổi tiền lẻ ngoài thị trường chợ đen vẫn "mọc lên như nấm", nhất là khu vực quanh các chùa ở địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, trên mạng cũng xuất hiện rất nhiều trang web rao đổi tiền trực tuyến và cho biết mệnh giá nào cũng có.

Tiền phí tuỳ theo loại tiền khách cần đổi (mệnh giá càng nhỏ, phí càng cao), nhưng nhìn chung, so với năm ngoái thì phí đắt gần gấp đôi. Theo đó, muốn đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng thì tỷ lệ là 7:3, tức bỏ ra 10.000 đồng chỉ nhận lại được 7.000 đồng. Còn đổi mệnh giá nhỏ hơn như 5.000, hoặc 2.000 đồng, tỷ lệ cao hơn, lên đến 6:4 ( bỏ ra 10.000 đồng, nhận lại 6.000 đồng). Thậm chí đổi mệnh giá 500 đồng phí đổi lên đến 50% (bỏ ra 10.000 đồng chỉ nhận được 5.000 đồng).

Theo Hoài Thu Vnexpress.net

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây