Hà Tĩnh: Không bằng ĐH, chàng trai kiếm 150 triệu mỗi năm từ tay trắng

Thứ tư - 07/06/2017 07:23
Học hết THPT, không lựa chọn con đường thi đại học như nhiều bạn cùng trang lứa, anh quyết định làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau 3 năm miệt mài, giờ đây anh đã là ông chủ của một cơ ngơi với thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu.

Anh là Lê Văn Tâm ở xóm 5, xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), là 1 trong 300 thanh niên trong toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 – Phần thưởng cao quý của  BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.

Khởi nghiệp từ 30 triệu tiền đi vay

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em có truyền thống học giỏi. Nhưng sau khi học xong lớp 12, anh không thi đại học mà lại quyết định ở lại quê nhà để lập nghiệp.
 
Để có vốn, anh quyết định đi nước ngoài nhưng chỉ được hơn 1 tháng do bố mẹ đã già lại hay ốm đau nên anh lại trở về. Tiếp đó anh xin vào làm công nhân tại công ty cao su, công ty quặng nhưng được hơn năm, anh quyết định bỏ việc về nhà.

Ngày ngày, anh Tâm đi kiểm tra, chăm sóc cho từng cây trồng, từng vật nuôi như những đứa con của mình

Trở về với miền đất “chảo lửa” quê nhà, trong suy nghĩ anh luôn trăn trở phải làm sao thoát được cái nghèo và hơn nữa là phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhìn thấy tiềm năng đất vườn rộng rãi, lại có nguồn nước thuận lợi, trong đầu anh xuất hiện ý tưởng sẽ làm kinh tế theo hình thức VAC.

Nghĩ là làm, năm 2009, anh bàn với gia đình về kế hoạch làm mô hình kết hợp giữa vườn, ao và chuồng. Kế hoạch đã được thống nhất nhưng khổ nổi trong tay Tâm bây giờ không lấy nổi một đồng vốn. Nhưng vì một phần thương con, phần thấy Tâm có quyết tâm cao, bố mẹ anh đã  quyết định đi chạy vạy vay mượn anh em làng xóm, ngân hàng được 30 triệu đồng để Tâm lập nghiệp.

Từ 30 triệu đồng ban đầu, với phương thức “lấy ngắn nuôi dài” anh bắt đầu tiến hành nuôi lợn, nuôi gà rồi dần dần kết hợp trồng cam, đào ao thả cá. Nhưng chỉ với lòng quyết tâm không đủ, do không có kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong năm đầu tiên anh liên tiếp gặp thất bại.

“Trong năm đầu vấn đề khó khăn lớn nhất đó là vốn. Vay mãi mới được 30 triệu. Trong khi, đất đai chủ yếu là đất đồi cằn cỗi phải mất nhiều thời gian và công sức để cải tạo.
 
Khó khăn thứ 2 là về kỷ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Năm đầu tiên khởi nghiệp mình nuôi 400 con gà thịt. Nhưng do không được trang bị đủ kiến thức, kỷ thuật về chăm sóc gà nên trong đợt đó gà bị bệnh chết hơn 300 con. Lần đó gà chết coi như mình hết vốn luôn” anh Tâm chia sẻ.

Nhưng với tính cần cù, ham học hỏi, anh Tâm tích cực đi tham khảo, học hỏi cách làm của một số mô hình hay trong tỉnh và các tỉnh lân cận, rồi dần tích góp kinh nghiệm kiến thức.

Sau 3 năm miệt mài, giờ đây anh đã là “ông chủ” của cả một cơ ngơi với hơn 500 gốc cam, 100 gốc mít Thái, 100 gốc bưởi Phúc Trạch, 4 héc ta cao su, 3 héc ta cây keo (tràm), gần 1.000 con gà, 40 con lợn, 5 con trâu bò và hơn 1 héc ta diện tích ao hồ nuôi cá mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu.

“Có nhiều con đường để dẫn tới thành công”

Có lẽ quyết định bất ngờ, “lạ đời” và khiến gia đình “sốc” nhất của Tâm là không đi theo truyền thống của gia đình là đi thi đại học để tìm 1 công việc nhà nước mà lại ở nhà làm “một anh nông dân”. Bởi Tâm sinh ra trong gia đình có truyền thống học giỏi.  2 anh trai và 1 chị gái giờ đây đều là cán bộ, công nhân viên nhà nước.

Nhưng với cách nghĩ mới và lòng quyết tâm, Tâm đã chứng tỏ cho mọi người thấy được, quyết định của anh là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. “Giờ người học nhiều lắm. Học xong tìm được một việc làm đã khó, tìm được nghề mình thích, đúng chuyên ngành lại càng khó gấp bội.
 
Mình muốn làm những gì mình thích, muốn xây dựng một trang trại như mình từng ao ước và hơn nữa mình muốn thử sức với chính mảnh đất này. Muốn cho mọi người biết có nhiều con đường để dẫn tới thành công”, Tâm tâm sự.

Đàn gà hơn 1000 con của anh Tâm sắp sửa được xuất chuồng

Và hơn 40 con lợn thương phẩm

Xây dựng trang trại không chỉ đem thu nhập cho bản thân và gia đình, Tâm còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân trong địa phương, có thời điểm cao nhất lên tới 13 người với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Tâm cho biết: “Trước hết, muốn làm cái gì cũng phải có sự đam mê và có kế hoạch rõ ràng. Về vấn đề làm kinh tế bằng mô hình VAC thì cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng từ kỹ thuật cho đến công chăm sóc. Bởi các loại loại gia súc thường dễ mắc bệnh, mà đã mắc bệnh là coi như bỏ cả đàn. Khi “lập đàn” phải lựa chọn con giống thật tốt, bảo đảm chất lượng. Không ngừng học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với những mô hình khác”.

Tâm là 1 trong 300 đoàn viên thanh niên trong toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của - Phần thưởng cao quý của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho "Nhà nông trẻ xuất sắc"

Anh Tâm cũng đang ấp ủ muốn mở rộng thêm về quy mô. “Trong thời gian tới mình định mở lò ấp trứng, vườn ươm cá giống, cây giống để có thể chủ động về mặt con giống, cây trồng cho mình và vừa là để có thể cung cấp giống cho bà con địa phương”, anh Tâm cho biết.

Ngoài công việc trang trại, Tâm còn tích cực tham gia các phong trào của đoàn. Hiện Tâm đang là Phó Bí thư đoàn xã Hà Linh. Năm 2012, Lê Văn Tâm đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của – Phần thưởng cao quý của  BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.

Rời trang trại anh Tâm, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một người thanh niên dáng dấp nhỏ bé nhưng đầy quyết tâm và câu nói với đầy lạc quan, tin tưởng. “Dù nhiều lần thất bại nhưng mình không bào giờ lùi bước, từ bỏ. Mình muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Để chứng minh với mình và mọi người là quyết định của mình 3 năm về trước là hoàn toàn chính xác. Có nhiều con đường để dẫn tới thành công”.

Theo Dân Trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây