Vụ Đông 2017 đã khép lại nhưng các địa phương cấp huyện ở Hà Tĩnh đang “sống dở chết dở” vì chưa thể hoàn tất thủ tục nghiệm thu, quyết toán nguồn hỗ trợ của tỉnh |
Quyết định 2805/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 100% kinh phí (một lần) mua giống cho các hộ nông dân sản xuất ngô, rau các loại theo xác định diện tích thực tế. Kinh phí hỗ trợ được UBND tỉnh cấp ứng đảm bảo tiến độ cho cấp huyện chủ động thực hiện. Theo đó, hơn 23,1 tỷ đồng là số tiền mà chính sách lần này sẽ hỗ trợ đến các vùng sản xuất.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở đã duyệt cấp ứng 11,557 tỷ đồng (tương ứng 50% kinh phí dự kiến - PV) theo kế hoạch đăng ký cho các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, ban hành hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chính sách nhằm hỗ trợ địa phương hoàn tất thủ tục nghiệm thu, thanh toán số tiền còn thiếu. Theo đó, cấp huyện dựa trên giá giống đã được Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính công thẩm định, chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị cung ứng giống đảm bảo về chất, lượng và hiệu quả sản xuất để hoàn thiện hồ sơ đúng quy định. “Việc thực hiện theo quy trình này giúp cấp huyện chủ động hơn trong việc mua giống cũng như tổ chức sản xuất đảm bảo tiến độ, thời vụ”, ông Đồng nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Tài chính, hồ sơ thanh toán đầy đủ bao gồm: Văn bản đề nghị tiếp tục hỗ trợ kinh phí còn thiếu để mua giống; quyết định lựa chọn đơn vị cung ứng; quyết định phân bổ giống hỗ trợ của UBND cấp huyện cho UBND cấp xã và xã xuống hộ dân; hợp đồng cung ứng giống, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng; bảng tổng hợp diện tích sản xuất, khối lượng cung ứng và kinh phí đề nghị hỗ trợ.
Như ông Đồng nói thì từ chính sách đến hướng dẫn thực hiện không hề vướng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, nhiều địa phương dù đã hoàn thành công tác xuống giống nhưng chưa có huyện nào làm xong thủ tục thanh toán theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Nguyên nhân mà nhiều địa phương đưa ra là do thời tiết bất lợi, vào thời điểm tập trung cao nhất cho công tác xuống giống thì mưa liên tục, kéo dài khiến bà con nông dân không thể tiến hành sản xuất, ảnh hưởng đến nghiệm thu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV đó chỉ là lý do phụ, nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trong nghiệm thu là do vướng các quy định của Luật và năng lực xử lý thủ tục của một số địa phương hạn chế.
Ông Hồ Xuân Dũng, Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Vũ Quang cho hay, việc mời thầu cạnh tranh hạt giống lần đầu tiên thực hiện tại cấp huyện. Trong quá trình triển khai, cơ sở gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo các hồ sơ, thủ tục liên quan đến quy trình đấu thầu. Có 2 trong 3 gói thầu hoàn thành hồ sơ, thủ tục đúng quy định, chỉ duy nhất gói ngô sinh khối huyện phải chờ đủ thời gian mở thầu theo đúng Luật Đấu thầu (hơn 1 tháng kể từ khi đăng tải thông tin mời thầu) nên bị chậm lại.
Được biết, vụ đông năm nay, huyện Vũ Quang đặt kế hoạch sản xuất 634ha ngô. Trong đó, 315ha lấy hạt và 319ha ngô sinh khối. Đến thời điểm cuối tháng 11 (sau gần 1 tháng cấp giống về cho nông dân) tiến độ sản xuất đạt khoảng 80% kế hoạch.
Năng lực tiếp cận, hoàn thiện hồ sơ của một số địa phương thiếu đồng bộ khiến cho cả quy trình “rối như tơ vò”. Nhiều huyện phải làm lại quy trình; có nơi “vay” tạm giống của doanh nghiệp rồi mới hoàn tất hợp đồng sau. Thậm chí có huyện chưa hoàn thành được giai đoạn nghiệm thu bàn giao giống xuống xã vì thiếu chữ ký của hộ dân thì mùa vụ đã khép lại...
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn