Toàn cảnh nhà máy nước đang dang dở tại xã Hưng Thông
Xã Hưng Thông thuộc vùng giữa của huyện Hưng Nguyên, cách thị trấn Hưng Nguyên khoảng 6km về phía Nam, phía Bắc giáp xã Hưng Tân, Hưng Đạo, phía Nam giáp xã Hưng Xá, phía Đông là Hưng Tiến, phía Tây giáp xã Nam Cát của huyện Nam Đàn.
Toàn xã có tổng diện tích 554,2 ha đât tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 320 ha, được chia thành 11 xóm, có 352 đảng viên, 14 chi bộ. Là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, với truyền thống cách mạng năm 1930 rất nhiều người con địa phương này đã tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống đó trong thời bình, hòa chung không khí cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm thực hiện đến năm 2015, Đảng bộ và nhân dân xã nhà vinh dự đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới do huyện Hưng Nguyên trao.
Bà Đào đang chỉ cho chúng tôi cái hồ mà 40 hộ dân đang cùng nhau dùng lấy nước sinh hoạt
Cũng trong năm 2015 này, nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới của Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Thông, cũng là nhân dịp kỹ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, xã được đầu tư, khởi công xây dựng dự án nhà máy nước sạch với tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, trong đó chi phí xây lắp gần 19 tỷ đồng.
Nhà máy được thiết kế với công suất 1.000m3/ngày, dự án bao gồm các hạng mục: Công trình đầu mối, khu xử lý, mạng lưới đường ống cấp nước và hệ thống điện... Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ giải quyết được vấn đề nước sạch cho 1.270 hộ dân trong xã.
Móng nhà điều hành đã bị hở hàm ếch (do đất bị sụt)
“Những ngày đầu khởi công nhà máy nhận được rất nhiều sự kỳ vọng, hồ hởi đón chào của người dân lẫn chính quyền xã này, nhưng rồi theo năm tháng, cùng với đó là tiến độ xây dựng “ rùa bò” của đơn vị thi công, chất lượng của công trình thì ngày một xuống cấp nghiêm trọng, niềm tin, sự kỳ vọng của người dân cũng theo đó ra đi.
Hy vọng nhiều thì thất vọng lớn, lúc đầu mới bước vào thi công người làm rất đông, rồi sau đó không biết vì sao cứ ít dần, rồi khoảng gần 1 năm trở lại đây họ dừng hẳn, vật liệu thì bừa bải, nhiều vị trí công trình đã bị nứt nẻ, các ống đấu nối nơi nhà máy (bằng kim loại) đã bị hoen rỉ, một số vật dụng nhà thầu mua sắm về chưa lắp cũng đã bị mất mát, nói chung giờ đây người dân chúng tôi hết trông chờ rồi vì chẳng biết khi nào nhà máy được hoàn thành, mà có hoàn thành được thì rồi chất lượng sẽ như thế nào, sử dụng được bao lâu”? Bà Đào Thị Hoa người dân địa phương này thất vọng cho biết.
Nhiều vị trí lát mái bờ hồ tích nước đã bị sụt lún, nứt nẻ
Khi được hỏi về nguồn nước đang dùng bà Đào Thị Hoa cho biết thêm: “ thực sự dân làng chúng tôi ngày đêm trông chờ cho nhà máy sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, để người dân thoát khỏi cảnh dùng nước hồ ao sinh hoạt, vì ở đây nước giếng khoan không dùng được do phèn và khi bơm lên lại có mùi hôi, tanh”.
Vừa nói bà Đào vừa chỉ cho chúng tôi cái ao mà người dân nơi đây gọi là giếng cách nhà máy nước sạch khoảng 30m, bốn phía ao cỏ mọc um tùm, chai lọ nổi lềnh bềnh, bà Đào cho biết thêm: “ hiện tại ao này có tới 40 hộ dân đang dùng chung để làm nước sinh hoạt, nguồn nước chủ yếu lấy từ đồng ruộng vào”. Theo chứng kiến của chúng tôi thì đó chẳng khác nào cái ao nuôi vịt ”.
Tại bậc cấp lên xuống, vào nhà cũng đã bị nứt nẻ xuống cấp
Qua đó mới thấy được sự cần thiết, đúng đắn của việc đầu tư xây dựng nhà máy nước và sự bức bách của người dân tại xã này trước việc nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhưng đến nay đã 2 năm trôi qua mà nhà máy vẫn chưa thể vận hành được, người dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh dùng nguồn nước bẩn để sinh hoạt.
Trở lại với việc nhà máy nước chậm tiến độ và chất lượng bị xuống cấp dù chưa hoàn thành. Theo hướng dẫn của người dân địa phương chúng tôi đã có mục sở thị tại hiện trường và ghi nhân, những phản ánh của người dân là có cơ sở, nhiều vị trí tại mái kè bờ hồ tích nước đã bị nứt nẻ, sụp lún, nhà điều hành nhiều vị trí bị nứt toác.
Phía nhà dự kiến đặt trạm bơm, hàng rào, sân bê tông nhiều chổ cũng đã bị nứt nẻ, phần kim loại thì bị hoen rỉ…
Nhiều vị trí sân bê tông cũng đã bị nứt nẻ chằng chịt
Trước những bức bách của người dân về tiến độ “rùa bò” và sự xuống cấp của công trình, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phạm Viết Nam – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông được biết: “ Xã chỉ là đơn vị hưởng lợi, nên từ tiến độ, chất lượng, nguồn vốn…chúng tôi không được rõ lắm. Cán bộ và nhân dân chúng tôi chỉ mong chủ đầu tư và đơn vị thi công tạo điều kiện sớm hoàn thành để nhà máy đi vào hoạt động, nhằm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, để lâu dân sẽ mất niềm tin.
Vì xã Hưng Thông có 11 xóm, 1.270 hộ, 4950 nhân khẩu, nhưng chỉ ½ xã là dùng được mạch nước ngầm (giếng khoan). ½ xã còn lại mạch nước ngầm không thể sử dụng được vì phèn, bơm lên có mùi hôi, tanh, kể cả khoan sâu xuống 40 m, nều dùng một thời gian ngắn là các thiết bị nhựa thì bị tắc, úa màu, các thiết bị kim loại thì bị rỉ rét…
Hàng rào bờ bao quanh khuôn viên cũng không khá hơn là mấy
Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với nhà thầu thi công, ông Việt – Giám đốc công ty CP Đại Việt đóng trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) ông cho biết: “ hiện tại công trình đã hoàn thành được 80% khối lượng, nhưng nguồn thì mới được 50%, nên mới chậm tiến độ, và khoảng vài tháng nữa là đơn vị sẽ tiếp tục thi công. Còn sự xuống cấp của một số hạng mục của công trình thì theo ông Việt đây không phải là nứt nẻ hay sụp lún mà phía bờ hồ là do khe co giãn, và các vị trí, hạng mục khác cũng vậy…
Trao đổi với Báo chí về vấn đề trên, ông Hoàng Anh Tiến - Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên cho biết: “Công trình chưa bàn giao nên hạng mục nào xuống cấp, làm chưa đúng thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công làm lại”.
Những ngày nắng nóng, trẻ con thường xuyên rủ nhau ra tắm tại hồ tích nước, nguy cơ bị đuối nước có thể xẩy ra
Khi hỏi tại sao công trình chưa bàn giao, chưa đưa vào sử dụng đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, ông Phạm Thành Long - Phó ban phụ trách kỹ thuật của Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên lại lý giải: “Công trình theo hồ sơ thiết kế là đào đất sét đắp tại chỗ. Toàn bộ công trình được xây dựng trên nền đất rất yếu, đào xuống 3 mét vẫn sình lầy nên không thể tránh khỏi sự cố. Vì thi công trong nền đất đắp, đất sét tại chỗ nên trong quá trình đắp lại vào mùa mưa lũ nó bị ngâm nước sau khô thì bị tụt dẫn đến nứt và sụt lún”.
Qua đây dư luận đặt câu hỏi với tiến độ “rùa bò”, chất lượng xuống cấp, liệu khi nào thì công trình đi vào sử dụng được và tuổi thọ được bao lâu, bên cạnh đó thì vai trò trách nhiệm của đơn vị quản lý nguồn vốn, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn giám sát đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình chưa, đã thật sự vì dân?
Quang Toản
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn