Hà Tĩnh: Chủ đầu tư từ chối nghiệm thu vì công trình kém chất lượng

Thứ tư - 02/05/2018 16:04
“Nhiều lần nhà thầu đề nghị nghiệm thu nhưng vì chất lượng chưa đảm bảo nên chúng tôi không nhận bàn giao công trình”, đó là quan điểm của ông Trần Mạnh Sơn, Trưởng ban Xây dựng cơ bản huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường đã bộc lộ dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nên nhà thầu phải cắt lên để đổ lại (ảnh do người dân cung cấp).

Dự án cầu Đông Huề, xã Vượng Lộc thuộc công trình giao thông cấp IV, do UBND huyện Can Lộc làm chủ đầu tư; Cty TNHH Quốc Toản (thôn 7, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thi công; Trung tâm tư vấn kỹ thuật giao thông (Sở Giao thông) là đơn vị giám sát.

Công trình được khởi công tháng 8/2015 và hoàn thành vào tháng 11/2016. Quy mô của công trình gồm xây dựng cầu và đường hai đầu cầu với tổng chiều dài 800,53m. Tổng vốn đầu tư gần 12,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác.


Mặt đường đã bị bong tróc nham nhở kéo dài, trơ đá lởm chởm. Mặc dù trước đó đơn vị thi công đã sửa chữa, nhưng sửa rồi lại hỏng.

Theo Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình thì cầu Đông Huề là loại cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép (BTCT) thường và bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCT DƯL), tải trọng thiết kế HL93, tần suất thiết kế P=4%, khổ cầu 6,50m. Chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố Lc=55,2m, gồm 3 nhịp giản đơn L=15,0m.

Đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 745,33m, trong đó phía UBND xã Vượng Lộc dài 639,92m, phía QL1A dài 105,41m. Mặt đường rộng 5,5m, lề đường 2x0,5m. Kết cấu áo đường gồm các lớp tính từ trên xuống: Bê tông xi măng M250, dày 22cm, lót một lớp bạt xác rắn; lớp móng cấp phối loại 2 dày 15cm, nền đường rộng 6,5m, đắp đất đồi đầm chặt K=0,95.

Công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa cho người dân trong khu vực; kết nối hệ thống giao thông trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng sớm hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, sau khi nhà thầu vừa mới “thu quân” thì công trình đã bộc lộ dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Mặt đường bị bong tróc nham nhở từng đoạn, đá nhô lên lởm chởm, hiện tượng nứt nẻ cũng theo đó mà xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước dư luận của nhân dân và yêu cầu của Chủ đầu tư dự án, đầu năm 2017, Cty TNHH Quốc Toản (đơn vị thi công - PV) đã tiến hành khắc phục, sửa chữa bằng cách dùng xi măng trát lên những điểm bong tróc, nứt gãy ngang đường. Còn những điểm bị nứt nẻ, gãy nát trên diện rộng thì phải cắt lên để đổ lại. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc làm của nhà thầu chỉ mang tính hình thức, sửa chữa theo kiểu chắp vá, tạm thời, chứ không giải quyết dứt điểm, triệt để.

Có mặt tại hiện trường vào những ngày giữa tháng 8/2017, theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường phía Nam cầu Đông Huề dài 639,92m, đã bị bong tróc rất nhiều. Một số đoạn, mặt đường bị trơ đá lởm chởm, nham nhở kéo dài, mặc dù trước đó đơn vị thi công đã sửa chữa, nhưng sửa rồi lại hỏng.


Hiện tượng nứt nẻ diễn ra suốt dọc tuyến đường, ngoài những đường nứt cũ, đã được nhà thầu dùng xi măng trám lên, có rất nhiều vết nứt mới xuất hiện.

Hiện tượng nứt nẻ cũng diễn ra suốt dọc tuyến đường. Ngoài những đường nứt cũ, đã được nhà thầu dùng xi măng trám lên, có rất nhiều vết nứt mới xuất hiện. Có những điểm bị nứt cục bộ, vết nứt ngang dọc gây nên hiện tượng “bục ruột”.

Ông Phạm Xuân Th, cán bộ nghỉ hưu tại địa phương phản ánh: “Đường này xuống cấp là đúng rồi, ngày mới khởi công, nền đường được đắp bằng đất, lẫn lộn nhiều hòn đá hộc rất to. Khi đổ bê tông thì phần bạt chỉ được trải hai bên, ở giữa không có”. Nói xong ông mở máy và cung cấp một số hình ảnh làm bằng chứng.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Trần Mạnh Sơn - Trưởng Ban xây dựng cơ bản huyện Can Lộc (Đơn vị chủ đầu tư - PV) xác nhận hiện tượng nứt nẻ và bong tróc bề mặt trong thời gian qua là có thật. Ban đã cho kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công xử lý.

Cũng theo ông Sơn, hiện tượng bong tróc bề mặt có nhiều nguyên nhân, do quá trình bảo dưỡng không tốt, công trình chưa đủ cường độ chịu lực nhưng một số phương tiện đã đi vào. Bên cạnh đó, trong quá trình đổ bê tông, thường dùng đầm bàn nên làm cho đá chìm xuống, phần cát bị nổi lên. Khi xe cộ đi lại nhiều nó bào mòn, trở thành trơ đá.


Điểm bị nứt cục bộ, vết nứt ngang dọc gây nên hiện tượng “bục ruột”.

Về hướng giải quyết, người đứng đầu Ban xây dựng cơ bản huyện Can Lộc khẳng định: “Hiện nay công trình chưa bàn giao, trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu phải khắc phục hư hỏng bằng cách dùng carboncor hoặc vật liệu mới Sicolat. Sở Giao thông có thí điểm ở một số tuyến thì thấy tương đối bền và ổn định. Còn chi phí sửa chữa thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm”.

“Lúc nào nhà thầu sửa chữa lại những đoạn đường bị hư hỏng, đảm bảo chất lượng đúng như thiết kế, khi ấy chúng tôi mới nghiệm thu công trình. Hôm trước họ cũng yêu cầu bàn giao nhưng chưa khắc phục thì làm sao mà bàn giao được”, ông Sơn bày tỏ quan điểm.

Một số hình ảnh ghi nhận tại hiện trường:



Xuống cấp và những vết vá chằng chịt


Nhiều đoạn xảy ra hiện tượng bong tróc


Trần Hoàn - Phi Long


Theo Báo Xây dựng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây