Cánh đồng lúa TH3-3 thuộc xóm Vịnh Xá 1, xã Thượng Lộc (Can Lộc) mới bước vào đầu tiết thanh minh đã trổ khá đều, dày khít và bắt đầu cúi bông. Được biết, số diện tích này bắt đầu trổ từ đầu tháng 4 và theo dự kiến của cán bộ khuyến nông xã thì chỉ khoảng 1 tháng nữa có thể cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Xuân Lục - Trưởng ban Nông nghiệp xã Thượng Lộc khẳng định: “Thời tiết không thuận lợi cho lúa trổ vì mưa lạnh sẽ làm hạt lép, ảnh hưởng đến năng suất là điều không tránh khỏi. Trên thực tế, TH3-3 thuộc loại giống cảm ôn, do vậy, khi gặp thời tiết ấm như vụ xuân năm nay thì sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khỏe. Tính ra, số diện tích này đã trổ trước lịch khoảng nửa tháng”. Toàn xã có khoảng 4 ha đã bước vào giai đoạn trổ bông, trong đó phần lớn là giống TH3-3; TH3-4. Bác Nguyễn Hữu Thành (xóm Vịnh Xá 1) chia sẻ: “Mấy ngày trước, trời nắng nóng, chỉ sau 3 ngày, cả cánh đồng đã trổ rộ, cúi bông. Gia đình tôi còn mấy sào lúa VTNA2 cũng đã bắt đầu trổ, mưa còn kéo dài thì chắc trời không cho ăn rồi”.
Nhiều đồng lúa ở xã Thượng Lộc (Can Lộc) đã trổ rộ dưới thời tiết mưa lạnh đầu tiết thanh minh. |
Đi dọc lên vùng thượng Can Lộc, số diện tích trổ trước lịch thời vụ không hiếm, thậm chí có thể lên đến hàng chục ha. Giải thích cho hiện tượng này, ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Bình thường nhiều năm, do điều kiện đặc thù, lúa xuân thường trổ muộn hơn các nơi khác, do vậy, bà con thường gieo cấy sớm hơn lịch khoảng 5-7 ngày. Trong khi đó, thời tiết năm nay ấm nên đã tạo điều kiện cho cây trồng phát triển mạnh mẽ, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Dự kiến, sẽ có 5% diện tích trổ vào ngày 15/4 và đến ngày 25/4 sẽ đạt 70%. Cứ cho đây là nguyên nhân chủ yếu thì TH3-3, TH3-4 vẫn trổ quá sớm so với dự kiến vì giống lúa này nằm vào trà thứ 2 của xuân muộn. Trong khi cũng trên cánh đồng này, nhiều loại mới chỉ bắt đầu phân hóa, làm đòng hoặc cùng lắm thì mới xuất hiện trổ vè.
Chạy dọc suốt từ vùng “tử địa” Lộc Hà đến Nghi Xuân và một số xã của huyện Can Lộc, Thạch Hà, lúa IR 1820 đã trổ khá đều. Được mất chưa bàn nhưng minh chứng này thêm một lần nữa khẳng định chủ trương loại bỏ IR 1820 ra khỏi cơ cấu là đúng đắn, nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Trí Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Đây là thời điểm làm đòng của các trà lúa. Theo đó, đỉnh trổ của các trà lúa xuân sẽ tập trung từ ngày 25 - 30/4 và kết thúc trước 5/5, nhằm tránh hiện tượng mưa rét có thể xảy ra trong tiết thanh minh và đầu cốc vũ làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của bông lúa. Hiện nay, một số diện tích lúa đã trổ trước thời vụ khoảng 15 - 20 ngày, chủ yếu là nhóm giống X. Dù số này không nhiều và chỉ rải rác ở một vài địa phương tồn tại tập quán gieo cấy sớm hoặc vùng không chủ động nguồn nước tưới”.
Ông Trần Đức Bá - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh: "Bình thường ở những năm trước, tháng 4 thường xảy ra nắng nhiều, mưa ít. Riêng năm nay, nắng nóng diễn ra sớm hơn nhưng lại xuất hiện mưa kéo dài, khả năng trùng với thời kỳ lúa trổ bông. Đây là kiểu thời tiết khá bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nếu lúa trổ vào giai đoạn này chắc chắn sẽ thất thu về năng suất, sản lượng. Đồng thời, người dân cần cảnh giác với hiện tượng giông lốc có thể xảy ra trong những ngày này". |
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà chuyên môn đặt ra lịch thời vụ cho mỗi vụ sản xuất. Bên cạnh tính toán một cách khoa học quá trình sinh trưởng của một giống lúa, đây còn là cơ sở để giúp cây lúa tránh được những thời điểm bất lợi nhất của thời tiết.
Dẫu diễn biến thời tiết luôn khó lường nhưng tuân thủ nông lịch chính là biện pháp hữu hiệu hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do ngoại cảnh đưa đến, nhằm bảo vệ vụ sản xuất an toàn, hiệu quả.
Theo Nguyễn Oanh (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn