Hà Tĩnh được biết đến bởi nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng như: hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, núi Hồng – sông La, đèo Ngang – Hoành Sơn quan… Đặc biệt, với gần 137km bờ biển, nơi đây còn có rất nhiều bãi tắm đẹp như: Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con… Hà Tĩnh còn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Đây là quê hương của nhiều danh nhân lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc…; đồng thời cũng là nơi có trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng như: hát ca trù, ví, giặm, hò, vè…; các đình, đền, chùa đẹp như: chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền Lê Khôi, đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, thành Sơn phòng Hàm Nghi…; và nhiều đặc sản như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, kẹo cu đơ, cam bù, nhung hươu Hương Sơn…
Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng cùng bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, Hà Tĩnh có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Trong hơn 10 năm (2000 – 2011), du lịch Hà Tĩnh có tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình năm đạt 28,5%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch chưa cao, mức chi tiêu của khách còn hạn chế. Tính chung, khách du lịch đến Hà Tĩnh đứng thứ 5/6 toàn vùng Bắc Trung bộ, thứ 39/63 tỉnh, thành trên cả nước. Thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Hà Tĩnh là Lào, Thái Lan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, khách nội địa cũng tăng trưởng liên tục và ổn định. Giai đoạn 2000 – 2010, mức chi tiêu trung bình của một khách du lịch quốc tế tại Hà Tĩnh đạt từ 40-60 USD/ngày; khách du lịch nội địa khoảng 700-800 nghìn/ngày. Tổng thu từ du lịch của tỉnh trong những năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể: từ 71,64 tỷ đồng (năm 2006) tăng lên 265 tỷ đồng (năm 2011).
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 108 cơ sở lưu trú với 2.610 buồng, trong đó có 77 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn xếp hạng; công suất sử dụng buồng đạt 55 – 60% (năm 2011). Hệ thống cơ sở ăn uống cũng khá phát triển. Tính đến cuối năm 2011, du lịch Hà Tĩnh có 2.791 lao động, tốc độ tăng trưởng lao động trung bình giai đoạn 2000 – 2011 đạt 13,39%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, du lịch Hà Tĩnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Lượng khách du lịch còn ít, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu thấp. Hà Tĩnh vẫn chưa tạo được một hình ảnh du lịch ấn tượng đối với thị trường khách trong nước và quốc tế; thiếu sản phẩm du lịch có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao; thiếu các khu vui chơi giải trí tổng hợp, các khu dịch vụ đi kèm mang tầm quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển du lịch còn bất cập; hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu… cũng là những hạn chế khiến du lịch Hà Tĩnh chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh.
Để khắc phục những khó khăn, thách thức còn tồn tại, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển du lịch địa phương, trong đó tập trung vào các chính sách: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch (hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho mô hình homestay; xây dựng các khu trưng bày và bán sản phẩm của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng trọng điểm; ưu tiên đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới một số tuyến đường đi bộ phục vụ khách tham quan du lịch; đầu tư các tuyến xe bus đến các khu du lịch trọng điểm…); Giá và vốn (áp dụng giá dịch vụ thống nhất; áp dụng giá thuê đất và các ưu đãi như nhau cho các nhà đầu tư…); Chính sách về thuế (miễn, giảm, ưu đãi thuế đối với một số đối tượng doanh nghiệp); Phát triển nguồn nhân lực (xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo các chuyên ngành du lịch; hỗ trợ kinh phí đào tạo; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; tổ chức các hội thi hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn, nấu ăn; ưu tiên thu hút nguồn nhân lực có chất lượng…); Quảng bá, xúc tiến du lịch (tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch; tổ chức và tham gia các hội nghị về xúc tiến du lịch, hội thảo chuyên đề phát triển du lịch trong và ngoài nước; mời chuyên gia trong và ngoài nước tham vấn cho các hoạt động du lịch; xuất bản và phát hành ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch…); Nghiên cứu, ứng dụng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch (phát triển sản phẩm du lịch, quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn ISO); Bảo vệ môi trường phát triển du lịch bền vững (xây dựng các khu vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; khuyến khích thành lập hợp tác xã môi trường…); và các nhóm hỗ trợ khác (khảo sát, điều tra, quy hoạch phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm; quy hoạch mô hình du lịch cộng đồng chuẩn cho các xã nông thôn mới; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư về phát triển sản phẩm du lịch có tính khả thi cao…).
Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thu hút 50 nghìn lượt khách quốc tế, phục vụ 1,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 2.450 tỷ đồng; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong khối dịch vụ, với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Tĩnh, thân thiện với môi trường, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước./.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn