Ngày 2/3, một số cơ quan báo chí thông tin về việc Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Hà Tĩnh trong quá trình triển khai các dự án kinh tế. Cụ thể tại dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư đã được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm.
Ngoài ra, TTCP cũng chỉ rõ đây là dự án nằm trong khu vực khá nhạy cảm liên quan đến An ninh quốc phòng. Bởi vậy, việc Hà Tĩnh vượt quyền Chính phủ để cho thuê đất lên đến thời hạn 70 năm là một sai phạm rất nghiêm trọng.
Hà Tĩnh nói gì về kết luận này của TTCP?
Chiều ngày 2/3, PV Infonet đã có cuộc làm việc với ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh để có cái nhìn đa chiều về sự việc này.
Dự án Formosa Hà Tĩnh (ảnh: TH) |
Thủ tướng Chính phủ đồng ý thời hạn thuê đất 70 năm
Trao đổi với PV Infonet xung quanh việc TTCP có kết luận Hà Tĩnh vượt cấp thẩm quyền cho DN nước ngoài thuê đất, thời hạn 70 năm và nhiều vấn đề xung quanh dự án Formosa… ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định, đối với dự án Formosa đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Ban quản lý khu kinh tế đã làm đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, ngày 14/7/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 3010/UBND-NC về việc báo cáo và giải trình một số thanh tra và kết luận thanh tra của TTCP tại tỉnh Hà Tĩnh, gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành một số vấn đề có liên quan đến việc thanh tra và kết luận thanh tra tại văn bản số 1538/KL-TTCP ngày 03/07/2014.
Ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh trả lời Infonet (ảnh: TH) |
Văn bản số 3010 nêu rõ, kết luận của TTCP về việc, Hà Tĩnh cho DN nước ngoài thuê đất vượt cấp thẩm quyền, thời hạn 70 năm là không đúng với thực tế và quy định thời điểm hiện hành. Trong đó, TTCP kết luận “Việc Ban quản lý KKT Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm điều 52 Luật đầu tư năm 2005 (điểm 1.1.4, trang 17 kết luận thanh tra số 1537/KL-TTCP). Kiến nghị “Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, xử lý việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định tại Điều 52 Luật đầu tư năm 2015…”.
UBND tỉnh đã có văn bản gửi TTCP, chứng minh trước khi cấp giấy phép đầu tư cho Dự án Formosa, UBND tỉnh đã xin ý kiến 11 Bộ, ngành. Trong báo cáo dự án đầu tư nêu rõ thời hạn đầu tư được tính 70 năm và thời gian thuê đất là 70 năm. Tất cả các Bộ, ngành cho ý kiến đều đồng thuận với thời hạn đầu tư 70 năm.
Đồng thời, UBND tỉnh đã báo cáo, xin ý kiến và Thủ tướng chính phủ đã nhất trí thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 869/TTg-QHQT ngày 06/06/2008, trong đó nêu rõ đồng ý cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án và chỉ đạo UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành. Tuy nhiên, TTCP đã không đồng ý. Đề nghị, tỉnh Hà Tĩnh phải có ý kiến ghi rõ trong văn bản của Chính phủ là cho phép về thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm.
UBND tỉnh cho rằng đây là một quan điểm áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý trong kết luận của TTCP.
Dự án Formosa có vốn đầu tư rất lớn (trên 10 tỷ USD, giai đoạn 1) và tính cả 2 giai đoạn lên tới 26 tỷ USD và sử dụng hàng vạn lao động, thời gian thu hồi vốn chậm, đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích và ưu đãi đầu tư, nên có cơ sở để đề nghị và chấp nhận thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.
Ủy ban kiểm tra Trung ương đã soát xét và khẳng định việc giao đất cho dự án 70 năm là đúng pháp luật tại văn bản số 73-UBKTTW ngày 19/5/2011. Đặc biệt dự án này đã nằm trong Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên cơ quan có thẩm quyền được phép cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không phải xin ý kiến của Chính phủ (Theo quy định tại khoản 4, điều 37, nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 29/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư).
Trong đó, Điều 52 Luật đầu tư năm 2005 quy định về “Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài” như sau: “Thời gian hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với đối với dự án không quá 70 năm…”.
Sau khi nhận được kết luận của TTCP về kết luận thanh tra, UBND tỉnh đã có 03 báo cáo giải trình, đồng thời cử 03 đoàn công tác liên ngành trực tiếp làm việc với TTCP và đã có văn bản giải trình, nêu rõ các nội dung, tài liệu liên quan.
Đáng lý phải miễn tiền thuê đất cho dự án
Về việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cho Công ty Formosa được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm. Trong hợp đồng ký năm 2009 giữa 2 bên thì Công ty Formosa được thuê hơn 33 triệu m2 đất, mặt nước trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Kỳ Anh, với giá thuê đất là 80 đồng/m2/năm, giá thuê mặt nước là 10 triệu đồng/km2/năm. TTCP, xác định Hà Tĩnh còn thu thiếu tiền thuê đất hơn 46 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh - ông Thái Sinh khẳng định, TTCP kết luận không đúng, vì Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh do đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích và đầu tư vào địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn (theo quy định phụ lục 1, Nghị định 108/2006/NĐ-CP và Điều 13, Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ) nên được miễn tiền thuê đất trong cả thời gian hoạt động của dự án (Theo quy định tại khoản 1, điều 14, Nghị định 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước).
Còn việc, Formosa nộp một khoản tiền cho ngân sách địa phương là thực hiện thỏa thuận cam kết giữa Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng với công ty, được ghi vào giấy chứng nhận đầu tư với Công ty Formosa. Theo quyết định số 72/2006/QĐ-TTg thì được miễn tiền thuê đất, nhưng vì trách nhiệm với địa phương, đất nước nên đã thỏa thuận với doanh nghiệp và khu kinh tế thu được cho ngân sách nhà nước một khoản gần 100 tỷ đồng.
Diện tích đất bồi thường lớn hơn diện tích đất thu hồi?
Theo ông Thái Sinh, về nội dung bồi thường, GPMB, tái định cư Dự án Formosa tại huyện Kỳ Anh, UBND tỉnh ghi nhận có việc diện tích đất bồi thường lớn hơn diện tích đất thu hồi; bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất ghi trên bản đồ là đất công ích UBND xã quản lý, đất “tranh chấp” và tiềm ẩn sai phạm trong việc bồi thường, hỗ trợ GPMB phục vụ dự án.
"Cũng cần nói rõ, sự bất cập về vấn đề nêu trên là thường xuyên xảy ra do việc thu hồi đất tổng thể là theo diện tích trên bản đồ, còn diện tích thu hồi, bồi thường là theo thực tế sử dụng đất tại thời điểm kiểm đếm, bồi thường, đất trên bản đồ ghi là đất công ích, đất do UBND xã quản lý, đất đang “tranh chấp” cũng có thể được xem xét bồi thường, hỗ trợ tùy thuộc vào việc sử dụng đất thực tế tại thời điểm kiểm đếm, bồi thường. Trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi “tiềm ẩn” sai phạm và bồi thường GPMB chứ không thể kết luận “sai phạm” (tức có dấu hiệu vi phạm pháp luật-Như TTCP kết luận) khi chưa xem xét cụ thể", ông Sinh nói thêm.
Trong văn bản số 3010/UBND-NC ngày 14/7/2014 trình Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các kết luận và kiến nghị thanh tra; có văn bản kết luận thanh tra đảm bảo chính xác, khách quan, thay thế kết luận thanh tra số 1538/KLTTCP ngày 3/7/2014 trường hợp cần thiết, chỉ đạo lại thanh tra theo quy định.
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trao đổi với một số phóng viên báo chí bên lề buổi họp báo Chính phủ chiều 2/3.
- PV: Vừa qua báo chí có phản ánh việc Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của tỉnh Hà Tĩnh khi vượt thẩm quyền của Chính phủ cho DN nước ngoài thuê đất . Cụ thể, tại dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) đã được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là một sai phạm rất nghiêm trọng của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tỉnh Hà Tĩnh lại không thống nhất với một số điểm Thanh tra Chính phủ nêu. Đồng thời cho rằng Hà Tĩnh đã làm đúng chủ trương, khi trước đó đã xin ý kiến Chính phủ về việc này. Vậy câu chuyện vượt quyền Chính phủ của tỉnh Hà Tĩnh xoay quanh việc này phải hiểu như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Vấn đề đó đến giờ thì tôi chưa nắm được. Nhưng tôi được biết Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi thanh tra kết thúc, Phó Thủ tướng đã nghe và cho ý kiến, và đã có tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ.
Về dự án Formosa, phía Chính phủ đã có 2 công văn, nội dung là hoan nghênh tinh thần thanh tra một cách khách quan, đồng thời cũng giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện các công việc theo các kết luận của Thanh tra.
Có nghĩa là Chính phủ đã thống nhất cơ bản vấn đề thanh tra. Bên cạnh đó cũng thống nhất với đề nghị của Bộ KH&ĐT về thời gian cấp giấy phép đầu tư 70 năm và thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về các chính sách theo đúng quy định của pháp luật về thuế và các chính sách khác.
Tinh thần chung là như vậy. Tuy nhiên đến giờ này tôi vẫn chưa nhận được thông báo chính thức kết luận về sau chỉ đạo nên chưa rõ thông tin các bạn vừa đặt câu hỏi có chính xác hay không.
Về việc dự án FDI này nằm trong khu vực khá nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó hiện đã có 7.000 người nước ngoài làm việc tại dự án Formosa đã đăng ký tạm trú, trong đó chủ yếu là lao động Trung Quốc với 5.659 người, Chính phủ có đề nghị tỉnh Hà Tĩnh hết sức lưu ý đến việc này không, Bộ trưởng Nên cho biết: "Khi các dự án trình báo cáo, khi xét có đầy đủ các ngành chức năng và có ý kiến của các cơ quan chức năng tham gia đóng góp ý kiến. Quan điểm của Chính phủ là phát triển kinh tế luôn luôn gắn với với bảo vệ quốc phòng, bảo toàn văn hóa. Vấn đề này lúc nào khi xét cũng đều có cả".
Nguyễn Dũng
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn