Thật ra, thông tin về việc điều chỉnh giá điện đã "nóng trở lại" từ cuối tuần trước, khi đây là thời điểm mà Bộ Công thương phải báo cáo lại Thủ tướng phương án tăng giá điện sau khi đề xuất này bị “trả về” hồi tháng 1.
Từ trước đó, vào đầu năm 2015, chuyện tăng giá điện cũng đã râm ran khi trong ngày cuối cùng của năm 2014, EVN đã công khai giá thành điện của một năm trước đó.
Lúc ấy, Bộ Công thương dẫn số liệu được cho là đã qua Kiểm toán độc lập chỉ ra rằng, tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến 31/12/2013 là hơn 8.800 tỷ đồng.
Trước đó nữa, bên hành lang Quốc hội hồi tháng 10/2014, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết “đáng ra giá điện đã phải tăng” nhưng thực tế lại phải nằm yên hơn 14 tháng, trong khi việc kinh doanh của EVN đang có thua lỗ nhất định.
Và mới đây nhất, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/3, cấp dưới của ông Hoàng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tái khẳng định: "Các yếu tố tăng giá điện đã hội đủ từ trước tết nhưng có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, doanh nghiệp nên Thủ tướng yêu cầu không tăng trước tết".
Giá điện điều chỉnh tăng 7,5% từ 16/3 (Ảnh minh họa)
Trong thông tin phát đi cuối ngày 2/3, Văn phòng Chính phủ cũng cho biết các phương điều chỉnh giá điện lần này giao động từ 7% đến dưới 10% và “thẩm quyền quyết định trong tay Bộ Công thương”.
Thế nên, dù phải báo cáo lại Chính phủ, song với quyết tâm như trên của Bộ chủ quản, thì e Chính phủ cũng khó lòng bác bỏ khi người phát ngôn cơ quan điều hành đã nó rõ “thẩm quyền thuộc Bộ Công thương”.
Để thuyết phục cho lý do tăng giá, tại buổi họp báo kể trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải liệt kê một loạt yếu tố cấu thành giá đầu vào đều tăng: Than tăng 22% từ tháng 7/2014; giá khí đã điều chỉnh 4 lần trong 16 tháng qua. Vị này cũng cho biết thêm việc thuế tài nguyên nước tăng thêm 2%, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ cũng tăng…
Trong khi đó, ở nhiều lần tăng giá điện 3-4 năm trước, nguyên nhân phát điện chạy dầu giá cao luôn được EVN dẫn ra thì nay, đại diện Bộ Công thương lại "lấy làm tiếc" bởi trong bối cảnh giá dầu tụt thê thảm thì cơ cấu nguồn phát điện dầu được huy động chỉ chiếm 0,55% sản lượng điện sản xuất.
Nếu như trước đây lạm phát là một trong những yếu tố khiến cơ quan điều hành phải dè chừng mỗi lần tăng giá điện thì nay, chỉ số này bỗng "đảo chiều" và trở thành “thời cơ” cho ngành điện!
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh khi chia sẻ với báo chí lý do chưa tăng giá điện hơn một tháng trước cũng thừa nhận, một trong những mối lo của cơ quan điều hành bấy giờ là e ngại chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng do rơi vào tháng tết.
Khi xây dựng kịch bản về CPI trong quý I/2015 cách đây hơn 2 tháng Chính phủ dự báo sẽ tăng khoảng 0,3-05% so với tháng 12/2014.
Tuy nhiên, với việc CPI tháng 2/2015 (chu kỳ tính đến 15/2) tiếp tục giảm 0,05% so với tháng 1/2015 và thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây đã khiến tâm lý này gần như được cởi bỏ.
Cũng có lẽ vì "thời cơ vàng" này mà người phát ngôn của Bộ Công thương đã không đoái hoài gì đến câu hỏi đánh giá tác động của mức giá điện dự kiến tăng lên CPI hay sức khỏe doanh nghiệp mà báo chí đặt ra cho ông hôm 2/3 vừa qua. Thay vào đó, vị Thứ trưởng say sưa nói về các yếu tố giá than giá khí để biện minh cho việc phải tăng giá điện.
Lần này, dù không còn cố biện minh cho ngành điện theo kiểu “không tăng giá EVN sẽ phá sản” hay “tăng giá điện người dân cũng được lợi”, ông Hải chỉ liệt kê giá điện các nước có mức giá cao gấp 2-3 lần Việt Nam “để người dân tự đưa ra kết luận”!
Thế nên, việc Chính phủ thông báo tăng giá điện sau cuộc họp chiều nay không còn là chuyện quá bất ngờ.
Tuy nhiên, người dân và giới chuyên gia vẫn băn khoăn, rằng tại trong khi giá hầu hết các mặt hàng đều giảm thì điện không thể giảm mà ngược lại?!
Đành rằng giá điện phải theo nguyên tắc thị trường, song như TS Nguyễn Đình Cung từng lên tiếng rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành - ở đây là Bộ Công thương - thay vì bảo vệ người dân bằng cách buộc EVN công khai, giám sát chi phí thì cứ khẳng khăng "nói hộ" doanh nghiệp là điều khó chấp nhận.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì lý giải cho sự thiếu khách quan bằng câu chuyện thực tế. Ông nói rằng lãnh đạo của cơ quan duyệt tăng giá điện lại chính là người vừa làm sếp ở doanh nghiệp đề xuất tăng thì thật khó để có sự khách quan, công tâm.
Điều chuyên gia này lo ngại hơn là việc tăng giá điện dù không ảnh hưởng đến chỉ tiêu lạm phát song lại khiến doanh nghiệp trong nước giảm sức cạnh tranh. "Một thị trường chung ASEAN đã rất gần, vì thế nếu doanh nghiệp trong nước sản xuất ra sản phẩm có giá cao lên trong khi hàng hóa nước ngoài tràn vào lại được giảm thuế hết thì người tiêu dùng sẽ mua hàng của nước khác, doanh nghiệp Việt Nam càng thêm khó khăn, ông Doanh nói.
Dẫu sao, dù tăng giá nhưng việc Chính phủ lựa chọn mức thấp nhất trong các đề xuất, âu cũng là điều an ủi với người dân và doanh nghiệp!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn