Hà Tĩnh không khởi công thêm công trình để có ngân sách trả nợ XDCB

Thứ tư - 07/06/2017 04:15
Nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã vượt qua con số 1.300 tỷ đồng, để lại nhiều hệ lụy. Trong năm 2013, Hà Tĩnh quyết định không khởi công thêm công trình mới nào để có ngân sách và phấn đấu hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB trước năm 2015 theo đúng tinh thần Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tòa nhà xây dựng dở dang, chủ đầu tư nợ tiền xây dựng cơ bản hàng tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, khối lượng thực hiện XDCB tính đến tháng 11-2012 của huyện là hơn 1.000 tỷ đồng (chưa tính Khu kinh tế Vũng Áng), trong đó giá trị XDCB do huyện quản lý là gần 722 tỷ đồng; do xã, thị trấn quản lý là 279 tỷ đồng. Và tính đến thời điểm nêu trên, các công trình do huyện, xã quản lý còn nợ khối lượng hoàn thành khoảng 168 tỷ đồng, trong đó: ngân sách T.Ư hơn 58 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 9,5 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 21 tỷ đồng; riêng ngân sách xã nợ với con số "khủng" gần 72 tỷ đồng. Số nợ này ước tính đến hết năm 2012 sẽ lên đến hơn 193 tỷ đồng. Hiện huyện Kỳ Anh đang đề nghị tỉnh hỗ trợ trả nợ 10 dự án với giá trị hơn 82 tỷ đồng.

Huyện Can Lộc cũng có số nợ nhiều không kém. Theo Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Can Lộc Nguyễn Duy Cường, ước tính đến cuối năm 2012, nợ XDCB của Can Lộc là khoảng 130 tỷ đồng. Các công trình còn nợ nhiều nhất ở Can Lộc cho đến nay là: Công trình nâng cấp, mở rộng Khu Di tích lịch sử Xô Viết - Nghệ Tĩnh Ngã Ba Nghèn, nợ hơn 10 tỷ đồng; công trình Ðường miền núi liên xã Thiên Lộc - Phú Lộc, nợ gần 18,5 tỷ đồng... Xã Thiên Lộc của huyện là xã điểm xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh có thể được xem là một trong những địa phương cấp xã có số nợ XDCB cao nhất  trong tỉnh với 12,4 tỷ đồng.

Thành phố Hà Tĩnh hiện có số nợ so với khối lượng hoàn thành là 150 tỷ đồng. Các công trình như nâng cấp một số tuyến đê, Bệnh viện đa khoa thành phố, Trường THCS Nam Hà... là những công trình còn có số nợ lớn...

Theo số liệu từ các sở, ngành, các địa phương, ước tính đến hết  năm 2012, tổng số vốn nợ đọng trong XDCB trên địa bàn Hà Tĩnh khoảng 1.388 tỷ đồng (số làm tròn), trong đó: các dự án thuộc nguồn ngân sách T.Ư gần 910 tỷ đồng; các dự án thuộc nguồn ngân sách địa phương (tỉnh) hơn 283 tỷ đồng; các dự án thuộc ngân sách huyện gần 188 tỷ đồng. Số nợ đọng trong XDCB tại mỗi địa phương... cao hay thấp chủ yếu phụ thuộc vào khối lượng công trình và nguồn vốn. Trung bình mỗi địa phương trong tỉnh có số nợ đọng XDCB xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nợ đọng XDCB nêu trên là do tỉnh có nhiều công trình, dự án đầu tư dàn trải lại trúng vào thời điểm Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 nên thiếu nguồn vốn; kế đến, có hiện tượng một số địa phương đua nhau chạy dự án; thậm chí chưa có nguồn vốn đầu tư cũng triển khai thi công... Hệ lụy của việc nợ XDCB làm cho các nhà thầu lâm vào cảnh nợ nần đầm đìa. Một nhà thầu xin được giấu tên cho biết, thi công một công trình có giá trị xây lắp khoảng 10 -20 tỷ đồng, mà chỉ cần chủ đầu tư nợ không thanh toán trong vòng một năm thì xem như  trắng tay. Các nhà thầu "chết" sẽ kéo theo hệ lụy cho cả chuỗi hệ thống kinh tế - xã hội ở Hà Tĩnh mà ngân hàng là một thí dụ. Theo Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Lực: Xây dựng cơ bản và các vấn đề liên quan chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Nếu nhà thầu "chết" thì ngân hàng cũng "băng hà"...

Tại kỳ họp thứ 5 HÐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 16 diễn ra từ ngày 18 đến 20-12, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh tuyên bố: "Năm 2013, Hà Tĩnh sẽ không khởi công mới bất kỳ công trình nào, để có vốn ngân sách cho trả nợ XDCB". Phấn đấu hoàn thành xử lý nợ đọng trước năm 2015, theo đúng tinh thần Chỉ thị 27/CT của Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Tĩnh Phan Cao Thanh cũng cho biết: UBND tỉnh Hà Tĩnh đang ráo riết chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng và các địa phương rà soát, phân loại số nợ và xây dựng kế hoạch thanh toán nợ XDCB và bước đầu đã cho những tín hiệu tốt. Việc bố trí thanh toán các khoản nợ được thực hiện theo các nguyên tắc: Nợ XDCB thuộc cấp ngân sách nào thì do cấp ngân sách đó chịu trách nhiệm bố trí nguồn thanh toán nợ; các công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ được bố trí trả nợ theo đúng chương trình, nguồn vốn; ưu tiên bố trí thanh toán nợ cho các công trình quyết toán theo khả năng cân đối ngân sách và nguồn vốn của các chương trình; đối với các công trình hoàn thành, đã bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng được bố trí thanh toán một phần nợ, số còn lại sẽ thanh toán sau khi có quyết toán được phê duyệt; tiếp tục bố trí vốn cho các công trình trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đối với các công trình chuyển tiếp, chỉ tập trung bố trí vốn cho thanh toán phần khối lượng hoàn thành còn nợ.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản 3730 hướng dẫn việc thực hiện xây dựng kế hoạch thanh toán nợ XDCB theo tinh thần Chỉ thị 27. Theo đó, ngoài nguồn trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ODA thì nguồn hỗ trợ có mục tiêu và cân đối ngân sách địa phương, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn cho thanh toán nợ. Cụ thể: Thanh toán các khoản nợ vay, tạm ứng và chính sách phát triển 134,48 tỷ đồng, chiếm 9,9%; thanh toán nợ các công trình hoàn thành, đã đưa vào sử dụng và khối lượng thực hiện các công trình chuyển tiếp là 817 tỷ đồng, chiếm 60,4%; đối với các công trình trọng điểm (Khu kinh tế Vũng Áng, Ðại học Hà Tĩnh, Cao đẳng nghề Vũng Áng...); sau khi thanh toán các khoản nợ, bố trí cho các công trình chuyển tiếp cấp bách cần tiếp tục triển khai trong những năm tới là 401,35 tỷ đồng, chiếm 29,7%...

Về việc thanh toán nợ các công trình đã quyết toán. Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Tĩnh, tổng nợ các công trình đã quyết toán được phê duyệt trên địa bàn toàn tỉnh đến này là 216 tỷ đồng. Hà Tĩnh sẽ dành nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách T.Ư, Chương trình mục tiêu quốc gia, ODA... để trả nợ trong hai năm 2013 và 2014. Hiện các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để thực hiện việc trả nợ XDCB đúng theo tinh thần Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 3730 của UBND tỉnh.

Theo nhandan.org.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây