Mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả của ông Phạm Văn Đức ở Hương Khê (Hà Tĩnh) Các mô hình ngày càng "nở rộ” Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 525 mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả cao, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chế biến, thương mại dịch vụ. Trong trồng trọt đã xuất hiện các mô hình "cánh đồng mẫu lớn” đạt năng suất cao, tiêu biểu như mô hình lúa VTNA2 tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) quy mô sản xuất 426ha cho thu nhập 14 triệu đồng/ha, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao P6 tại huyện Đức Thọ với quy mô 540ha cho thu nhập 30 triệu đồng/ha... Hiện có 21 mô hình sản xuất rau như bí xanh, dưa chuột, dưa hấu, dưa gang, hành lá... cho năng suất cao, có khả năng nhân rộng, điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà) quy mô 20ha, thu nhập 200 – 250 triệu đồng/ha/năm... Chăn nuôi cũng đạt hiệu quả cao, đặc biệt có hướng đi mới là liên kết với các doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 105 mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả cao, trong đó có 84 mô hình liên kết với doanh nghiệp quy mô từ 300 – 1.400 con/lứa lợn thương phẩm và quy mô 350 lợn nái ngoại cấp bố mẹ. Tiêu biểu như hợp tác xã (HTX) Hoàng Châu, quy mô 500 nái, lợi nhuận 1.000 triệu đồng/năm hay của hộ ông Nguyễn Văn Hựu, xã Xuân Viên (Nghi Xuân) quy mô 3.000 con/lứa, lợi nhuận 1.000 triệu đồng/năm...Trên các lĩnh vực như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, lâm nghiệp...cũng đạt được những hiệu quả cao. Nhìn chung các mô hình đã áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là về giống mới, quy trình sản xuất tiến bộ, trang thiết bị hiện đại, chính vì vậy đã đem lại năng suất, chất lượng, sản lượng vượt trội. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, góp phần giải quyết tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất cho các địa phương. Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết, hiện có 272 HTX và 165 tổ hợp tác đạt hiệu quả kinh tế. Điều đáng ghi nhận từ thành công của các mô hình là đời sống của bà con nông dân được cải thiện đáng kể. Đây là phương thức để thoát nghèo hiệu quả, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh có nhiều đổi thay. Chị Mai Thị Nguyệt - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi lợn Thống Nhất xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: "Việc thành lập HTX Thống Nhất đã tạo được công ăn việc làm cho 36 chị em phụ nữ, trong đó có 5 hộ nghèo, 9 chị em làm chủ gia đình thường xuyên có việc làm ổn định, tăng thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng/người”. Còn đó những khó khăn Những khó khăn, trở ngại mà người dân trăn trở nhất chính là vốn, đầu ra, vệ sinh môi trường và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nguồn lực của người dân thì có hạn, trong khi các tổ chức tài chính, tín dụng chưa thực sự mạnh dạn trong việc cho vay vốn sản xuất nên nông dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư. Vì vậy, khâu vay vốn để tái đầu tư trở thành gánh nặng đối với các chủ mô hình. Mặt khác, nhiều mô hình chưa được thuê đất, giao đất ổn định lâu dài, không được cấp sổ đỏ để yên tâm sản xuất và làm cơ sở để vay vốn đầu tư sản xuất. Chị Lê Thị Loan, chủ mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Châu (Lộc Hà) cho biết: "Mô hình của chúng tôi đang thiếu vốn, hàng năm chủ yếu vay từ nguồn vốn của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn với lãi suất cao, rất mong nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp giúp chúng tôi được vay vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho mô hình phát triển”. Ngoài các mô hình được các doanh nghiệp "chống lưng” khâu bao tiêu sản phẩm, còn lại rất nhiều mô hình khiến người dân lo lắng nhất là đầu ra, tình trạng "được mùa thì mất giá” trở thành nỗi ám ảnh. Chị Trần Thị Phi - Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi tổng hợp Hà Phi (Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Giá bán hết sức bấp bênh, mặc dù nuôi lợn với số lượng lớn nhưng gia đình cũng chỉ biết bán lẻ cho các "tỷ lô”- (người bán thịt lợn), có khi đến nơi họ lại chê to quá, bé quá...có những lúc, lợn đến kỳ xuất bán nhưng số lượng lớn nên không xuất được, lúc đó lại bị các tỷ lô ép giá mà không bán cũng không được”. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học chưa thực sự đi sâu vào các mô hình, một phần do hạn chế về nhận thức của nhân dân, một phần do chưa có sự phối hợp, tận tình chỉ bảo của các cơ quan hữu quan trong việc phổ biến kiến thức khoa học đến người dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đáng báo động đối với các mô hình không được quan tâm đúng mức đến khâu xử lý chất thải, nhất là mô hình chăn nuôi, giết mổ, nuôi tôm trên cát... Từ những khó khăn trên mới thấy được giá trị của sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Nếu điều này được kết hợp chặt chẽ thì sự "chênh vênh” của các mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sẽ giảm hẳn và người dân không còn thấy bấp bênh nữa. Theo daidoanket.vn |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn