Hà Tĩnh: Tìm hướng đi cho kinh tế tập thể

Chủ nhật - 04/06/2017 22:06
10 năm qua, mặc dù kinh tế tập thể (KTTT) của Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến, song vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong đổi mới phương thức, mô hình hoạt động, phương án sản xuất dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy KTTT phát triển bền vững, xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiều rào cản, chính sách thiếu đồng bộ

Để mở rộng sản xuất, HTX kinh doanh dịch vụ hải sản đông lạnh Hùng Mạnh phải vay vốn từ ngân hàng và hành trình đó cũng gặp nhiều gian nan

Ông Phùng Văn Hòa - Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ hải sản đông lạnh Hùng Mạnh (Thạch Kim – Lộc Hà) cho biết: là HTX hoạt động có hiệu quả từ nhiều năm nay nên đã được vay 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kho đông lạnh đáp ứng qui mô, nhu cầu phát triển của HTX. Để huy động đủ vốn (7 tỷ đồng), các xã viên trong HTX đã phải “cắm” tiếp 5 sổ đỏ của hộ gia đình. Mặc dù đã được chính quyền, ngân hàng tạo điều kiện nhưng hành trình huy động vốn của HTX cũng hết sức gian nan.

Thực tế, trong 10 năm, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn mới giải quyết cho 57 lượt HTX vay với tổng số vốn 63,4 tỷ đồng. Đây là con số hết sức khiêm tốn, phản ánh thực trạng đầu tư sản xuất của các HTX cũng như phản ánh việc khó khăn trong tiếp cận vốn từ các ngân hàng. Hầu hết các HTX mới thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào không mang tính cạnh tranh cao, còn lại các dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức sản xuất, kinh doanh… vẫn bỏ ngỏ.

Đồng cảnh thiếu vốn, nhiều HTX còn đối mặt với việc không được cấp đất, thuê đất lâu dài để sản xuất hoặc chưa có đất để xây dựng trụ sở. Anh Hùng – Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận ở xã Mai Phụ cho biết, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cần có chu kỳ đầu tư dài trong khi chính quyền cấp xã chỉ cho phép đấu thầu hồ đầm thời hạn 2-3 năm vì vậy rất bất an trong việc bỏ vốn đầu tư. Ngoài ra, đến vụ thu hoạch, khi các thương lái đến mua hàng cũng không có trụ sở để giao dịch, không có bãi đậu xe đã gây cản trở lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của Liên minh HTX, trong 586 HTX, mới có 210 HTX có đất xây trụ sở, 55 HTX có đất sản xuất, 29 HTX có quyết định giao đất, thuê đất của UBND tỉnh, 15 HTX được cấp giấy chứng nhận QSD đất. Ông Nguyễn Trọng Quế - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển KTTT triển khai thực hiện chậm, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời cũng là một trong những rào cản lớn cho sự phát triển KTTT trong thời gian qua. Trên thực tế nhiều chính sách của nhà nước, của tỉnh ban hành đối với HTX chưa được thực hiện đầy đủ, thể hiện ở việc bố trí ngân sách hàng năm cả trung ương và địa phương cho những chính sách này quá nhỏ bé, tuy có danh mục đầu tư nhưng về mặt số lượng thì không đáng kể. Chính sách bảo hiểm quy định người lao động làm việc trong HTX, liên hiệp HTX cũng còn nhiều bất cập.

Lúng túng, bị động trong quản lý

Mặc dù, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho KTTT, nhưng nhìn chung KTTT ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, mô hình HTX kiểu mới thực sự còn ít. Trong tổng số 403 HTX dự phân loại năm 2011, kết quả có 73 HTX xếp loại tốt (14,5%), 97 HTX xếp loại khá 919,3%) còn lại là trung bình và yếu kém.

Nhờ làm tốt công tác quản lý, HTX chế biến rượu Khánh Lộc đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động

Những khó khăn do chủ quan như: đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, vẫn nặng tư tưởng bao cấp trông chờ, ỷ lại, thiếu năng động sáng tạo đã cản trở lớn đến sự phát triển KTTT. Nhiều HTX chưa xác định được phương hướng sản xuất, kinh doanh, chưa biết cách tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, không nắm vững cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước.

Bên cạnh đó, chế độ cho cán bộ HTX quá thấp, nhiều nơi chưa thực hiện được việc đóng bảo hiểm cho cán bộ HTX. Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể còn bị xem nhẹ, buông lõng, đặc biệt là ở các cấp cơ sở. Nhiều địa phương chưa có biện pháp cụ thể, chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi kinh tế tập thể, thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các HTX.

Giải pháp tháo gỡ

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Trọng Quế, điều căn bản nhất phải làm, đó là việc thành lập và điều hành HTX theo đúng luật. Từ đó, việc góp vốn của các xã viên, việc điều hành của ban quản trị mới thực sự đúng bản chất của HTX kiểu mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến Luật hợp tác xã, các chủ trương, chính sách về phát triển KTTT; làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về HTX và Luật HTX. Từng hợp tác xã, tổ chức thành viên trước hết cần tự chấn chỉnh, tái cấu trúc và đổi mới để bảo đảm đúng bản chất, các nguyên tắc và quy định của Luật hợp tác xã. Hàng năm, chính quyền các cấp cần giành một khoản ngân sách địa phương thỏa đáng, để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi, thành lập mới các tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã, xây dựng mô hình, tổ chức tổng kết và nhân rộng điển hình.

                                                                                                                     Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây