Hà Tĩnh: Xuất khẩu lao động - chưa khai thác hết nguồn nhân lực

Thứ tư - 07/06/2017 06:52
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ là giải pháp cho bài toán kinh tế mà còn tác động đáng kể đến an sinh xã hội. Tuy nhiên, cách làm của đại đa số các đơn vị cung ứng nguồn lao động trên địa bàn hiện nay đang thiếu một tầm nhìn, cách tổ chức thực hiện mang tính chiến lược...Nói một cách hình ảnh, các đơn vị XKLĐ đang sử dụng hình thức "xuất thô" ...

Thiếu nguồn lao động chất lượng

Số liệu từ ngành LĐ-TB&XH cho thấy, đến hết tháng 3/2013, Hà Tĩnh có trên 35 ngàn lao động đang làm việc ở nước ngoài. Bình quân hàng năm, lượng lao động ngoài nước chuyển về từ 90-100 triệu USD, tương đương 1.800 - 2.000 tỷ đồng, gần bằng 1/2 tổng số thu ngân sách của cả tỉnh năm 2012. Chỉ với những phép tính đơn giản nhất cũng có thể thấy được tầm quan trọng và hiệu quả về mặt an sinh xã hội mà XKLĐ đã và đang mang lại cho cho nền kinh tế Hà Tĩnh trong những năm vừa qua.

Công nhân công ty CP May Hà Tĩnh

Tuy vậy, một thông tin khiến không ít người phải giật mình là lượng lao động xuất khẩu của Hà Tĩnh đã qua đào tạo nghề những năm gần đây mới chỉ dừng lại ở con số 10%! Đây là nguyên nhân khiến 90% lao động còn lại chỉ tập trung ở những thị trường “rẻ tiền” mà không thể thâm nhập các thị trường thu nhập cao. Nguyên nhân chính được nhìn nhận ở đây là thiếu cơ chế, thiếu sự kết dính giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp (DN) XKLĐ. Do yếu về chất, nên hệ lụy là lao động xuất ngoại của Hà Tĩnh thời gian gần đây cũng yếu cả về lượng! Cụ thể, năm 2012 và những tháng đầu năm nay, số người đi XKLĐ trên địa bàn toàn tỉnh hơn 5.076 người, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2011 và chỉ bằng 1/3 so với những năm 2010 trở về trước.

Ông Đinh Việt Cường - Giám đốc Trung tâm GTVL Công ty CP Phát triển Công nghiệp - Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh: “Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay, để tìm kiếm vài trăm lao động có tay nghề, cung cấp cho một số thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, châu Âu… không hề đơn giản, nhiều lúc phải mất cả năm trời mới gom đủ. Trong khi đó, lao động phổ thông thì cần tuyển bao nhiêu, có bấy nhiêu”.

Khó khăn ở đây chắc chắn không phải do thiếu thị trường hay thiếu hợp đồng tuyển dụng lao động. Bởi lẽ, vào thời điểm hiện tại, hầu hết các trung tâm giới thiệu, cung ứng lao động và DN XKLĐ trên địa bàn đều dư thừa cả đơn đặt hàng lẫn hợp đồng tuyển dụng lao động. Thế nhưng, cơ hội tìm kiếm, giới thiệu XKLĐ lại cứ trôi qua một cách đáng tiếc, bởi DN không thể tìm được nguồn lao động theo đúng yêu cầu. Đơn cử, hiện tại, Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Trường Cao đẳng Nghề Hà Tĩnh đang loay hoay với hàng loạt yêu cầu từ phía đối tác, trong đó cấp thiết nhất là đơn hàng hàng trăm lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Vài trăm lao động qua đào tạo nghề không thể xem là một đơn hàng lớn của DN XKLĐ nhưng lại là một thách thức đối với các đơn vị cung ứng lao động ở Hà Tĩnh hiện nay. Ông Nguyễn Đình Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm GTVL Trường Cao đẳng Nghề Hà Tĩnh cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên đơn vị bị động trong việc cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các đối tác”.

Thừa lao động phổ thông

Hiện nay, không riêng gì Trung tâm GTVL của Trường Cao đẳng Nghề Hà Tĩnh và Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh mà rất nhiều đơn vị tham gia cung ứng nguồn lao động ngoài nước cũng đang rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng nguồn lao động có tay nghề, nhưng lại dư thừa các hợp đồng lao động phổ thông (lao động chưa qua đào tạo nghề).

Bà Nguyễn Thị Cảnh - phụ trách công tác XKLĐ, Trung tâm GTVL Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh: “Bình quân mỗi năm, chúng tôi đưa cả ngàn lao động đi nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, số lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm 10-12%. Đã không ít lần Trung tâm phải hủy bỏ hợp đồng, bởi không thể đáp ứng được nguồn lao động theo yêu cầu của đối tác... Ở thời điểm này, không khó để tuyển dụng vài ba trăm lao động phổ thông, nhưng để tuyển dụng vài ba chục lao động có tay nghề là cả một vấn đề”.
Theo số liệu thống kê mới nhất chúng tôi có được, lượng lao động ngoài nước qua đào tạo của Hà Tĩnh thời gian qua mới chỉ đạt chừng 18%, trong đó, riêng đào tạo nghề chỉ trên dưới 10%. Đây là con số rất “khiêm tốn”, nếu không muốn nói là đáng báo động so với mặt bằng chung của cả nước. Điểm yếu này sẽ còn chi phối hoạt động XKLĐ Hà Tĩnh “dài dài” khi tiêu chí chất lượng lao động được các thị trường trên thế giới đặt ra ngày một khắt khe.

Cũng cần phải nói thêm, tuy tham gia thị trường XKLĐ đã nhiều năm, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh này, hoạt động XKLĐ của Hà Tĩnh còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và năng lực. XKLĐ Hà Tĩnh qua các năm tuy đã tăng về quy mô, số lượng nhưng lại chỉ tập trung ở các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông... vốn chỉ đem lại cho người lao động mức thu nhập XĐGN. Ở những thị trường có thu nhập cao đang cần lao động nước ngoài như Mỹ và Tây Âu thì lao động Hà Tĩnh vẫn đang ngoài tầm với.

Những vấn đề đặt ra

Có thể thấy, thông số trên đã phần nào chỉ ra những “khoảng tối” trong bức tranh xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Hà Tĩnh thời gian qua. Một sự đổi thay, một chiến lược dài hơi cho XKLĐ trong thời gian tới rất cần được các cấp, ngành liên quan khẩn trương hoạch định.

Nâng cao năng lực các đơn vị XKLĐ

Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) nhìn nhận: “Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề, ngay từ bây giờ, các đơn vị tham gia cung ứng nguồn lao động ngoài nước phải tính đến chuyện xây dựng thương hiệu, tạo uy tín bằng việc nâng cao chất lượng nguồn lao động”. Nếu các đơn vị làm công tác XKLĐ trên địa bàn không khẩn trương nâng cao thương hiệu của mình bằng cách đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động thì XKLĐ của Hà Tĩnh thời gian tới - nói theo ngôn ngữ đời thường - chủ yếu vẫn là “xuất thô”.

Việc cấp bách hiện nay của Hà Tĩnh là xây dựng một cơ sở đào tạo có chất lượng để cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật cho đơn vị XKLĐ nói riêng và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nói chung. Các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh cần hướng tới đạt chuẩn về đào tạo các ngành nghề phục vụ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đồng thời xây dựng nội dung chương trình đào tạo dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động và tiêu chí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Có như vậy, DN mới không bị động trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đồng thời chủ động trong giao dịch với các đối tác - ông Dũng nhận định thêm.

Tăng cường liên kết

Theo phân tích của các chuyên gia, để giải bài toán thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có tay nghề ở Hà Tĩnh, điều cần kíp là phải tăng cường việc liên doanh, liên kết giữa các địa phương, cơ sở dạy nghề với các đơn vị làm công tác XKLĐ. Có như vậy mới từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu trên địa bàn hiện nay. Mặt khác, các trung tâm XKLĐ cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức về hợp đồng và pháp luật cho các lao động.

Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa để nâng cao chất lượng lao động ngoài nước đó là nên kéo dài hơn thời hạn đi XKLĐ. Bởi lẽ, tâm lý người đi lao động nước ngoài thường ngại bỏ công sức, thời gian và chi phí tham gia các lớp đào tạo bài bản để đổi lại chỉ được đi lao động ở nước ngoài trong thời gian ngắn ngủi 3 năm. Khi cho người lao động vay vốn XKLĐ nên tạo điều kiện để họ có thể vay thêm cả chi phí đào tạo nghề. “Nếu được tạo điều kiện vay thêm cả kinh phí đào tạo, được tuyên truyền, tư vấn kịp thời, tin chắc sẽ có rất nhiều lao động tham gia học nghề trước khi đi xuất khẩu. Và như thế, bài toán về chất lượng nguồn lao động chắc chắn sẽ được cải thiện”, ông Nguyễn Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định.

Thực hành sửa chữa máy động lực tại Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh

Trong nỗ lực tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, phục vụ cho cả phát triển công nghiệp trong tỉnh và thị trường XKLĐ quốc tế, cần có sự hợp lực của nhiều đơn vị, ban ngành trong, ngoài tỉnh, kể cả các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặt khác, hệ thống quản lý XKLĐ các huyện thị, thành trong toàn tỉnh phải hết sức chặt chẽ, trước hết là ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong hoạt động XKLĐ, sau đó là đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người đi XKLĐ cũng như chất lượng lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đào tạo nghề và ngoại ngữ, các trung tâm cần chú trọng đào tạo những kiến thức cơ bản về văn hóa, nhất là về phong tục tập quán… ở đất nước họ đến làm việc và tác phong lao động để tránh những xung đột có thể xảy ra, đặc biệt tránh được những hậu quả làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Thực tế trên đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa DN XKLĐ và cơ sở dạy nghề cùng cơ quan quản lý nhà nước.

DN XKLĐ trên cơ sở khảo sát nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước, cần mạnh dạn đặt hàng với các cơ sở dạy nghề, đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo. Một khi cầu nối giữa DN và cơ sở dạy nghề được kết nối, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền được đặt đúng mức thì bài toán cung ứng nguồn lao động chất lượng cho những thị trường “màu mỡ” sẽ được giải quyết tốt. Và, lúc đó, số tiền do lao động ngoài nước chuyển về Hà Tĩnh chắc chắn sẽ lớn hơn con số vài ngàn tỷ đồng/năm như hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh: Bên cạnh việc xây dựng hệ thống thông tin về lao động, việc làm và dự báo nhu cầu ngành nghề đào tạo, gắn DN với cơ sở đào tạo trong việc dạy nghề, thì các các đơn vị tham gia XKLĐ cần chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước về công tác đào tạo.

Ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Tĩnh: Đã đến lúc Hà Tĩnh phải xây dựng mô hình, cơ chế gắn kết giữa dạy nghề với XKLĐ, tạo ra nguồn lao động có trình độ tay nghề cao theo nhu cầu của thị trường. Mặt khác, để tránh tình trạng “ăn non” nguồn lao động như hiện nay, các đơn vị tham gia trong lĩnh vực XKLĐ phải liên kết đào tạo, thậm chí tự xây dựng cho mình các cơ sở đào tạo nghề; cần nắm bắt nhu cầu thị trường, nhu cầu nhập khẩu lao động của các nước để đáp ứng. Để XKLĐ trở thành mũi đột phá, không thể xem nhẹ việc tạo thương hiệu cho đội ngũ lao động ra nước ngoài làm việc.

Ông Nguyễn Đình Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Trường Cao đẳng Nghề Hà Tĩnh: Điều đầu tiên là phải có được tiếng nói chung từ các cấp. Hiện nay, tuy các địa phương trong tỉnh đã thành lập BCĐ XKLĐ, song sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền cũng như các hoạt động của những tổ chức này chưa bao giờ được coi trọng đúng mức. Thời gian tới, tỉnh cần ưu tiên một phần kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người đi lao động ở nước ngoài, đặc biệt là con em các gia đình chính sách. Có như vậy, chất lượng nguồn lao động xuất khẩu Hà Tĩnh mới mong được cải thiện.

Theo Đình Trung (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây