Hà Tĩnh: Hội đồng Bồi thường huyện Kỳ Anh “cấu kết” với xã lập hồ sơ khống rút nhiều tỉ đồng?!

Thứ tư - 07/06/2017 13:07
Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng tại khu vực Hồ chứa nước Rào Trổ xã Kỳ Thượng, Hội đồng bồi thường xã Kỳ Thượng và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã lập khống hồ sơ, thẩm định, thanh toán đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) rút tiền nhà nước nhiều tỷ đồng.

Lập hồ sơ khống rút nhiều tỉ đồng của nhà nước

Theo Báo cáo điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Tĩnh Hà Tĩnh, trong quá trình thực hiện công tác GPMB, Hội đồng bồi thường hạ tầng tái định cư (HĐBT-HT-TĐC) huyện Kỳ Anh đã lập hồ sơ bồi thường cho 793 hộ dân, tổng diện tích đất bị thu hồi là 884,5ha cùng tổng số tiền được phê duyệt là 162,8 tỷ đồng. HĐBT đã chi trả 160,3 tỷ đồng, trong đó có 4 bộ hồ sơ bồi thường cho UBND xã Kỳ Thượng với số tiền là 7,75 tỷ đồng.

  
 Diện tích đất đã được đền bù đang được nhà thầu thi công. 

Trong quá thực hiện công tác bồi thường tại dự án này, UBND xã Kỳ Thượng và UBND huyện Kỳ Anh đã bộc lộ sự khuất tất, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đó là hành vi cố ý làm khống hồ sơ, chuyển diện tích đất hoang, đất rừng thành đất màu mỡ, đất trồng cây lâu năm và buộc Nhà nước phải bồi thường nhiều tỷ đồng không đúng đối tượng. 

Cụ thể, ngày 14/8/2013, HĐBT-HT-TĐC huyện Kỳ Anh đã lập biên bản kiếm đếm số lượng với diện tích 19,08ha đất hoa màu (nhưng thực tế đây là diện tích đất hoang, đất rừng), được đền bù trên các tờ bản đồ số 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 29 để làm cơ sở diện tích đất được bồi thường cho UNBD xã Kỳ Thượng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Hơn thế nữa, vào ngày 10/9/2013, HĐBT-HT-TĐC huyện Kỳ Anh tiếp tục lập biên bản kiểm đếm 19,6ha đất trồng cây lâu năm trên tờ bản đồ số 1, 19, 24, 26 để làm cơ sở xác định diện tích đất bồi thường cho UBND xã Kỳ Thượng với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cùng với diện tích đất do bị ảnh hưởng của Dự án được thu hồi trên, HĐBT huyện Kỳ Anh đã lập ra 07 bộ hồ sơ với tổng số tiền trên 62,9 tỷ đồng (trong đó 5 bộ hồ sơ bồi thường liên quan đến cây cao su thuộc Công ty Cao su Hà Tĩnh với số tiền gần 60 tỷ đồng, 2 bộ hồ sơ hỗ trợ kinh phí cải tạo đất cho UBND xã Kỳ Thượng với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.

  
 Tại thực địa, ôngVũ Văn Nhất (người đứng bên trái), cán bộ địa chính xã Ky cho rằng: “Các hộ dân vào khai hoang tại diện tích đất Khu bảo tồn, cụ thể tại các tờ bản đồ số 17, 18, 20, 21(khu vực Chà Mè) không được cấp quyền sử dụng đất vì đây là đất lấn chiếm rừng lâm nghiệp của khu bảo tồn”…  

Trong quá trình điều tra, Phòng PC46 - Công an Hà Tĩnh khẳng định, HĐBT-HT-TĐC huyện Kỳ Anh, lập 2 bộ hồ sơ bồi thường với tổng diện tích là 38,41ha đất với số tiền trên 4,7 tỷ đồng cho UBND xã Kỳ Thượng thuộc Dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng là trái với quy định Luật Đất đai cũng như quy định của Nhà nước về đối tượng, loại đất bị ảnh hưởng của dự án khi Nhà nước thu hồi đất.

Để tìm hiểu rõ hơn nội dung sai phạm của UBND xã Kỳ Thượng và HĐBT, UBND huyện Kỳ Anh trong việc lập khống hồ sơ rút tiền nhà nước sai quy định, ngày 19/3/2015, chúng tôi đã có mặt tại xã Kỳ Thượng.

Chủ tịch xã: “nói như thế là không có sơ sở?!”

Khi PV đặt câu hỏi về vấn đề này, ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Về việc lập hồ sơ kiểm định áp giá đền bù các loại đất, chúng tôi đã làm đúng với quy định. Tuy nhiên, do Công an nghĩ đất đền bù là phải nằm trong quỹ đất 5% của xã, nhưng quỹ đất của xã thì mới được chuyển giao năm 2011. 

Cái nhầm lẫn thứ nhất, vì đây là lần đầu xã Kỳ Thượng được đền bù nên còn lúng túng vì các mã đất không biết. Cái nhầm lẫn thứ hai là do đơn vị tư vấn đo vẽ Hồng Linh (Ninh Bình) trong quá trình đo đạc thực địa những diện tích đất không thấy dân sản xuất nên cây cối mọc vì thế họ đã đánh dấu sai mã đất, từ đất sản xuất sang đất không sản xuất”.

Còn đối với diện tích đất rừng thì ông Tiến giải thích: “Việc nhầm lẫn này là vì trước đây diện tích này thuộc Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, nhưng dân đã vào ở trước khi bàn giao cho UBND xã quản lý và UBND xã cũng đã cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân”…

  
 Ông Vũ Trung Tiến cho rằng: Cái nhầm lẫn thứ nhất, vì đây là lần đầu xã Kỳ Thượng được đền bù nên còn lúng túng vì các mã đất không biết. Cái nhầm lẫn thứ hai là do đơn vị tư vấn đo vẽ Hồng Linh (Ninh Bình) trong quá trình đo đạc thực địa những diện tích đất không thấy dân sản xuất nên cây cối mọc vì thế họ đã đánh dấu sai mã đất, từ đất sản xuất sang đất không sản xuất”. 

Ông Tiến khẳng định: “Đây chỉ là nhầm lẫn, còn việc lập khống hồ sơ để rút tiền sai quy định như trên là hoàn toàn không có cơ sở?!”.

Tuy nhiên, làm việc với chúng tôi tại thực địa, ôngVũ Văn Nhất, cán bộ địa chính xã Kỳ Thượng lại cho rằng: “Các hộ dân vào khai hoang tại diện tích đất Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, cụ thể tại các tờ bản đồ số 17, 18, 20, 21(khu vực Chà Mè) không được cấp quyền sử dụng đất vì đây là đất lấn chiếm rừng lâm nghiệp của khu bảo tồn”… 

Hơn nữa, chính ông Vũ Văn Nhất cũng đã thừa nhận với cơ quan điều tra là:“Diện tích 38,41ha nêu trên không thuộc loại đất lâu năm và đất màu do UBND xã Kỳ Thượng quản lý như trong hồ sơ bồi thường được phê duyệt. Tuy nhiên, do cán bộ và lãnh đạo HĐBT huyện Kỳ Anh cho chủ trương làm trái pháp luật, trái với quy định của Nhà nước, vì thế UBND huyện Kỳ Anh và UBND xã Kỳ Thượng đã rút hơn 4,7 tỷ đồng sử dụng sai nguyên tắc”.

Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc đất tại địa phương, chúng tôi đã được ông N.V. Nh, một lngười sống ở khu vực này, trước đây cũng là cán bộ cho biết, toàn bộ khu vực đất Khu bảo tồn Kẻ Gỗ bàn giao cho xã quản lý năm 2003, là đất lâm nghiệp, trong đó chỉ có một số diện tích đất trồng lúa được cấp quyền sử dụng. Còn một số hộ dân vào lấn chiếm làm trang trại, nhà ở trong diện tích này đều không được cấp quyền sử dụng đất…

Ngày 20/3/2015, Thượng tá Phạm Văn An – Trưởng phòng PC46 xác định, việc sai phạm trên là đúng và Phòng đang trình báo cáo lên Ban giám đốc xin ý kiến xử lý. 

“Đối với các cá nhân có trách nhiệm của HĐBT tại dự án này sẽ có hình thức xử lý khi có ý kiến của Ban giám đốc. Còn  việc liên quan đến địa phương sẽ xin ý kiến của UBND tỉnh chỉ đạo”, lời ông An. 

Bản báo cáo của Phòng PC46 cũng đã nêu rõ, với hành vi sai phạm của HĐBT tại Dự án này có dấu hiệu về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

(Còn tiếp)

Theo Tầm nhìn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây