Hà Tĩnh: Hàng ngàn ha rừng phòng hộ hồ Kẻ Gỗ có nguy cơ bị xoá sổ

Thứ tư - 07/06/2017 15:05
Hàng ngàn ha rừng phòng hộ thuộc Khu bảo tồn Kẻ Gỗ , tại địa bàn xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang có nguy cơ bị xoá sổ do người dân địa phương lấn chiếm, chặt phá rừng để làm nương rẫy.

Ngang nhiên xâm lấn, tàn phá rừng

Theo tìm hiểu của PV Báo Tầm nhìn, thời gian gần đây có hàng chục hộ dân đã và đang tập trung vào khu vực rừng phòng hô, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý  lấn chiếm, chặt đốt cây rừng làm rẩy, trồng hoa màu một cách rất ngang nhiên, bất chấp sự có mặt của lực lượng bảo vệ.

Để ghi nhận lại các diện tích rừng đang bị người dân lấn chiếm, tàn phá để làm nương rẫy, chúng tôi đã được một số người địa phương dẫn vào các khu vực bị chặt phá. 

  
 Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh) đã và đang bị người dân xâm lấn, chặt phá làm nương rẫy trồng sắn. 

Theo ghi nhận của PV thì hàng trăm diện tích rừng ở các Tiểu Khu 361, 362, 351, 367B rừng phòng hộ thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã và đang bị tàn phá rất nghiêm trọng. 

Tại hiện trường rất nhiều diện tích đã bị đốn hạ, đốt cháy, chỉ trơ lại các gốc cây to có đường kính từ 20 cm trở lên. Nhiều diện tích đã được đốt sạch và trồng các loại hoa màu.

Càng đi sâu vào phía trong thì các diện tích chặt phá lại càng nhiều hơn. Người dẫn đường cho biết: “Hàng trăm ha đất của khu vực này, đã được người dân tự ý chiếm giữ, chia vùng, có diện tích đã chặt đốt, có diện tích thì chưa nhưng đều đã có chủ hết rồi đó các chú ạ”.

  
  
 Nhiều ha rừng phong hộ hồ Kẻ Gỗ đang bị chặt phá, đốt trụi  

Tại một diện tích được phát quang rất cẩn thận, thấy chúng tôi thắc mắc, người dẫn đường giải thích: “ Đó là quy trình để chặt phá một diện tích làm rẫy, vì là rừng có cây lớn nên người dân đã phát quang các cây con, cây leo ở phía dưới, sau khi chờ cho các loại cây phía dưới đã phát khô thì họ đốt cháy chỉ còn lại các cây lớn họ sẻ dùng cưa máy đốn hạ”. 

Đưa các tình trạng trên trao đổi với ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, ông Tiến khẳng định, việc người dân đang lấn chiếm, chặt phá rừng phòng hộ làm nương rẫy là hoàn toàn đúng và việc phá rừng ở đây đều là người dân địa phương.

Ngăn chặn rất khó khăn

“Trước tình trạng khai thác, chặt phá rừng phòng hộ bừa bãi để làm nương rẫy của người dân trong xã, chúng tôi cũng đã nhiều lần phối hợp với chủ rừng để xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó cũng đã có biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân, tuy nhiên  tình hình phá rừng vẫn không thuyên giảm. Đầu năm 2015 tới nay, UBND xã cũng đã tiếp nhận 18 trường hợp bị bảo vệ rừng lập biên bản. Trong số đó đã xử lý được 13 đối tượng, còn 5 đối tượng do chống đối, bỏ trốn khỏi hiện trường không ký nên không có cơ sở xử lý. Hình thức xử lý ở đây cũng chỉ dừng lại là xử phạt hành chính”, ông Tiến nói. 

  
  
  
 Các diện tích rừng bị đốn hạ chỉ còn lại các gốc cây có đường kính từ 20cm trở lên. Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá này được làm nương rẫy trồng sắn.  

Theo ông Nguyễn Quang Châu – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, diện tích đất rừng phòng hộ do Khu bảo tồn quản lý có gần 6000ha. Hiện đã giao cho Dự án cấp nước tại Rào Trổ hơn 2000ha, UBND xã Kỳ Thượng quản lý gần 400ha năm.

Giải thích về tình trạng hiện nay người dân vào lấn chiếm, chặt phá rừng trồng hoa màu, ông Châu cho biết: “Do quá trình đền bù cho Dự án cấp nước tại Rào Trổ kéo dài nên người dân đã lợi dụng diện tích đất rừng ngập nước phát đốt làm nương rẫy chủ yếu là trồng sắn.

Vì vậy, hiện tại với diện tích mà Khu bảo tồn quản lý gần 6000 ha, trước tình hình rất phức tạp nhưng lực lượng bảo vệ ở đây lúc cao nhất chỉ 20 người, thấp là 18 người, lập đến 10 chốt bảo vệ. Nhưng việc ngăn chặn vẫn hết sức khó khăn trước tình trạng người dân vẫn vào rừng chặt phá, thậm chí là còn thách thức chống trả lực lượng bảo vệ khi vào ngăn cản, lập biên bản vi phạm.

Nhiều trường hợp khi lực lượng bảo vệ phát hiện hành vi chặt phá thì bỏ trốn, không ký vào các biên bản vi phạm. Có trường hơp lại lợi dụng thời gian vào các buổi trưa, buổi tối để đưa sắn vào trồng trên các diện tích đã chặt đốt.

  
 Danh sách các đối tượng vi phạm xâm lấn đất rừng đã bị xử lý. 

Qúa trình tuần tra phát hiện, lực lượng bảo vệ thuộc Trạm bảo vệ số 3 đã lập biên bản được 18 đối tượng bàn giao chính quyền địa phương UBND xã Kỳ Thượng xử lý.

Trước tình trạng đó Khu bảo tồn cũng đã có Công văn đề nghị Hạt kiểm lâm Kỳ Anh, chính quyền địa phương xã Kỳ Thượng phối hợp xử lý việc lấn chiếm rừng phòng hộ tại các Tiểu khu do thuộc Khu bảo tồn…”.

Cần phải có biện pháp mạnh

Với việc vi phạm xâm lấn, chặt đốt rừng sau khi bị bảo vệ rừng lập biên bản giao cho UBND xã xử phạt hành chính ít nhất 300 ngàn và nhiều nhất không quá 3 triệu đồng, chỉ vài ba ngày sau lại tiếp tục vi phạm, đó là hiện thực vẫn diễn ra vì chưa có biện pháp răn đe đủ mạnh. 

Ông Lê Đức Hữu – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh cho biết, mặc dù các lực lượng cũng đã phối hợp đi kiểm tra thường xuyên nhưng không thể kiểm tra toàn diện được hết. Việc kiểm tra xử lý mới chỉ hạn chế việc xâm lấn, chặt phá chứ chưa thể ngăn chặn dứt điểm được.

  
 Ông Nguyễn Quang Châu – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, để ngăn chặn dứt điểm được tình trạng lấn chiếm, tàn phá rừng cần phải có sự phối hợp vào cuộc của các lực lượng cũng như chính quyền địa phương.   

Hơn nữa, theo luật thì việc xử phạt các đối tượng vi phạm vẫn chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính nên chưa có tính răn đe cao. Cần phải có biện pháp xử lý mạnh hơn mới có thể chấm dứt được hành vi xâm lấn đát rừng như hiện nay”.

Việc xâm lấn, chặt đốt rừng phòng hộ làm nương rẫy nói trên đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là việc đốt  phá bừa bãi sẽ xảy ra nguy cơ cháy rừng là rất cao dưới thời tiết nắng nóng như hiện nay. Nếu không có biện pháp bảo vệ ngăn chặn kịp thời, hàng ngàn diện tích rừng phòng hộ nằm ở thượng nguồn của Dự án cấp nước cho Khu Kinh tế Vũng Áng – Hạng mục hệ thống Rào Trổ tại Kỳ Thượng đang xây dựng sẽ bị xoá sổ đồng nghĩa với việc nguồn nước cũng bị khô cạn dần, nguy cơ tương lai khi dự án xây dựng xong sẽ thiếu nước trầm trọng.

Với những gì đã và đang xảy ra tại đây, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc có biện pháp bảo vệ ngăn chặn kịp thời tình trạng tàn phá trừng này.

Theo Đặng  Sơn - Hà Vũ Tầm nhìn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây