Mỗi chuyến đi biển lãi hơn 100 triệu đồng
Những ngày này, ngư dân Nguyễn Văn Hóa (trú khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) đang chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi. Trên con tàu sắt đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Hóa phấn khởi cho biết, trước đây ông dùng tàu gỗ 480CV, mỗi lần ra khơi mưa dập, sóng dồn rất vất vả, hiểm nguy. Ra khơi gặp gió khoảng cấp 5 là phải quay đầu vào bờ, chịu lỗ tiền dầu, hiệu quả kinh tế vì vậy không cao. Làm sao có được con tàu sắt vươn khơi xa luôn là mơ ước của ông Hóa cũng như nhiều ngư dân khác. Tuy nhiên, để đóng tàu sắt không đơn giản, khó nhất là vốn.
Tàu sắt của ngư dân Đoạn Văn Dũng đánh bắt hiệu quả, mang những con cá lớn từ vùng biển Hoàng Sa vào bờ. Ảnh: N.V
Thời điểm ấy, Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng, cải hoán tàu thuyền vươn khơi xa. Hay tin, ông Hóa đăng ký và được đồng ý cho vay. Cuối năm 2015, bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng NNPTNT (Agribank) chi nhánh Quảng Trị, con tàu sắt 820CV của ông Hóa được khởi công, đến tháng 6.2016 thì hạ thủy. Từ đó đến nay, ông Hóa ra khơi được 7 chuyến biển, bình quân thu lãi 120 triệu đồng/chuyến. Mỗi chuyến biển, 8 bạn thuyền của ông Hóa luôn có mức thu nhập từ 6 triệu đồng/người trở lên, cuộc sống khá ổn định. “Từ ngày có tàu sắt tôi tự tin hẳn, ra vùng biển Hoàng Sa và xa hơn nữa để đánh bắt cá thu. Đây là loài cá có giá trị cao. Tuy nhiên, ngư dân chúng tôi mong muốn nhà nước hỗ trợ thêm tiền dầu để có thể an tâm vươn khơi nhiều hơn, không chỉ đánh bắt, phát triển kinh tế mà còn để bảo vệ chủ quyền biển đảo” – ông Hóa nói.
Ngư dân Đoạn Văn Dũng (trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) cũng hồ hởi cho biết, tàu sắt được đóng mới, công suất lớn, máy móc đầy đủ, hiện đại nên thuận lợi cho việc đánh bắt. “Ngày trước đi tàu gỗ vất vả lắm, sợ nhất là lúc sóng to, gió lớn, rồi lỡ gặp tàu nước ngoài khiêu khích, mình phải tránh. Nay có tàu sắt, tâm lý anh em vững vàng hơn. Vì sự cố môi trường biển nên giá cá chỉ còn khoảng 2/3 so với trước đây, nhưng sau khi trừ chi phí tôi vẫn còn lãi trên 100 triệu đồng mỗi chuyến” – anh Dũng nói.
3 tàu vỏ sắt hạ thủy cho ngư dân Quảng Trị tháng 3.2016. Ảnh: MINH TRANG
Tiếp tục đóng mới
Hiện tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và 113 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Đến nay, toàn tỉnh đã có 23 tàu được đóng mới, trong đó có đến 11 tàu đi vào hoạt động.
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, các tàu đóng mới, trang bị hiện đại, đồng bộ giúp ngư dân thuận lợi vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn, thuỷ thủ có nơi lao động và nghỉ ngơi thuận tiện hơn. Nhiều tàu đã vươn khơi mang hiệu quả kinh tế cao, mỗi chuyến biển thu về từ 100-150 triệu đồng, trả lãi ngân hàng đúng hạn… “Tất cả ngư dân đóng tàu sắt đều làm ăn hiệu quả, rất phấn khởi, quyết tâm bám biển bảo vệ Tổ quốc, khai thác hải sản làm giàu cho gia đình, quê hương” – ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, Nghị định 67 là chính sách phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản xa bờ, nâng cao sản lượng, thu nhập đời sống ngư dân và tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Trị chỉ có một nhà máy đóng tàu vỏ thép nên việc đóng tàu gặp khó khăn, chậm tiến độ. Trong quá trình triển khai đóng mới, các nhà máy đóng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, gồm máy lái thuỷ lực, máy tời thu lưới, lưới rê bùng nhùng, lưới vây và lưới chụp mực. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng, các máy tời thu lưới này hoạt động chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt; máy lái chưa phù hợp với tàu khai thác thuỷ sản. Vì vậy, các chủ tàu phải điều chỉnh, sửa chữa, chi phí tốn kém.
Mặt khác, theo quy chế đăng kiểm tàu cá, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Tổng cục Thủy sản thực hiện việc kiểm tra giám sát quá trình đóng mới. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát kỹ thuật do, điều kiện về số lượng người ít xa cơ sở đóng tàu nên công tác nghiệm thu chuyển giai đoạn chưa kịp thời dẫn đến tiến độ đóng tàu và công tác giải ngân chậm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng.
"Sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân ven biển, nhất là tàu thuyền vùng bãi ngang và tàu cá dưới 90CV. Vì vậy, Bộ NNPTNT cần phân bổ thêm số lượng tàu cá đóng mới để ngư dân ra khơi đạt hiệu quả cao hơn” - Ông Võ Văn Hưng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn