Hà Tĩnh: HTX Núi Hồng lộng hành khai thác đất trái phép

Thứ ba - 06/06/2017 14:20
Mặc dù được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép khai thác đá, nhưng Hợp tác xã Khai thác đá Núi Hồng (gọi tắt là HTX Núi Hồng) có trụ sở tại Xóm 4, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà lại ngang nhiên tổ chức khai thác đất, coi thường pháp luật, coi thường phản ánh của người dân và phóng viên báo chí.

Ngang nhiên khai thác đất trái phép

Khoảng 1 tuần nay, nhiều người dân và doanh nghiệp xây dựng đóng trên địa bàn xã Hồng Lộc phản ánh thái độ lộng hành, coi thường pháp luật của HTX Núi Hồng. Theo đó, HTX Núi Hồng đã không thực hiện đúng vai trò của mình là khai thác đá mà lại “lấn sân” sang khai thác đất trái phép.


Đường vào mỏ đá gập gềnh, hư hỏng nặng, ô nhiễm do xe chở đất chạy quá tải

Chiều ngày 17/09, PV theo chân người dẫn đường vào mỏ đá của HTX Núi Hồng. Đường vào mỏ đá HTX Núi Hồng gập ghềnh và ô nhiễm nặng vì bụi đất. Khác hẳn với những mỏ đá khác bởi những tiếng vang rầm trời bởi máy xay, máy sàng và máy khoan đá, tại đây cũng có tiếng rầm rầm, nhưng lại là tiếng của máy múc đất và tiếng của từng đoàn xe chở đất ì ạch nối đuôi nhau.


Xe ô tô tải nối tiếp nhau vào chở đất

Trước khi bước chân vào mỏ đá, chúng tôi cố gắng tìm hiểu những phản ánh của những người dân gần đây về thời gian khai thác đất, điểm lấy đất trong mỏ đá và vì sao mỏ đá có thể “vượt mặt”các cơ quan chức năng.


Phía bên trong mỏ đá, từng đoàn xe vẫn chạy. Phóng viên bị ngăn cản không được phép vào điểm khai thác đất.

Một số người dân cho biết, điểm khai thác đất nằm phía sau lưng của mỏ. Để đi được vào điểm khai thác đất chỉ có một cách duy nhất là đi bằng cổng chính của mỏ đá. Điểm lấy đất cũng nằm ngoài diện tích của mỏ. Thời gian khai thác khoảng 1 tuần nay, trung bình có khoảng vài trăm chuyến xe vào ra lấy đất. Nhiều xe không phủ bạt làm rơi vãi, gây ô nhiểm cả tuyến đường dân sinh.

Thái độ lộng hành, bất chấp phản ánh của người dân

Vì không có đường nào khác vào điểm khai thác đất trái phép, nên để tìm hiểu rõ hơn tình trạng khai thác đất nơi đây, chúng tôi buộc vào gặp trực tiếp người quản lý của mỏ.

Vừa bước chân vào văn phòng làm việc của mỏ đá, PV bắt gặp một người đàn ông, đầu đội mũ cối, lầm lỳ, quát nạt: Các anh là ai, vào đây làm gì, không thấy biển cấm vào à? Chúng tôi giới thiệu mình là PV, rồi đưa giấy giới thiệu của tòa soạn ra cho người đàn ông đó xem.

Người đàn ông xem xong nói: Có chuyện gì?

Chúng tôi trả lời: Bọn em nhận được tin mỏ đá mình khai thác đất trái phép nên vào tìm hiểu xem sao.

Người đàn ông bảo: Xem làm gì, hết đá thì khai thác đất.

Chúng tôi nói: Anh xem xong chưa, cho em xin lại giấy giới thiệu PV với ạ!

Người đàn ông lại quát: Không trả, cái này (giấy giới thiệu PV) phải giữ, không trả… rồi bỏ đi vào phòng làm việc và sau đó quay lại nói tiếp thêm: Các anh thích thì vào trong này hỏi gì thì hỏi.

Đứng tại phòng làm việc, chúng tôi quan sát được kỹ hơn về điểm khai thác đất. Điểm khai thác đất nằm hoàn toàn tách biệt với khu vực khai thác đá, có lối đi riêng biệt, không ảnh hưởng đến quy trình sản xuất và hoạt động của mỏ. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút, chúng tôi đếm được khoảng hơn 10 chuyến xe ra vào lấy đất và hầu như tất cả các xe vào đây chỉ để lấy đất mà không lấy đá.

Chúng tôi vào phòng làm việc để hỏi và đề nghị đại diện mỏ đá giải thích những phản ánh. Gặp chúng tôi vẫn là người đàn ông, đầu đội mũ cối lúc nãy. Để gây khó khăn cho PV, người này yêu cầu phải có thẻ nhà báo, không có thẻ thì không nói chuyện.

Sau một hồi giải thích về tính pháp lý của giấy giới thiệu, người này mới bớt vẻ lầm lỳ và xuống giọng. Người đàn ông cho biết, ông là Hoàng Tá Ghi – Phó chủ nhiệm HTX Núi Hồng. Mỏ đá được cấp phép từ năm 2012 đến nay và còn 7 năm nữa mới hết phép, có diện tích khai thác là 2 hecta.

Chúng tôi hỏi: Có phải đơn vị tổ chức khai thác đất hay không?

Ông Ghi lại quát: Đúng, đất phong hóa của mỏ đá thì phải bốc đi, cần gì xin phép của ai.

Chúng tôi hỏi: Mỗi khối đất, đơn vị bán giá bao nhiêu?

Ông Ghi trả lời: Tùy, anh muốn biết thì tự đi hỏi người ta.

Chúng tôi hỏi: Đơn vị dự tính khai thác đất đến bao giờ?

Ông Ghi trả lời: Tùy, giấy phép còn tới 7 năm mà.

Sau đó, chúng tôi đề nghị đơn vị cho PV thị sát mỏ đá, nhưng ông Ghi tại quát: “Không được, vào đó đá rơi xuống, đất rơi xuống, các anh chết thì ai chịu”. Rồi ông Ghi tiếp tục có những ngôn từ thách thức pháp luật, thậm chí còn thách thức cả một số lãnh đạo vì cứ cho rằng HTX không sai.

PV thiết nghĩ, Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng tài nguyên Môi trường, Công an Môi trường huyện Lộc Hà cần vào cuộc để kiểm tra thực trạng khai thác đất trái phép nơi đây theo như những phản ánh của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thêm về việc: Làm thế nào HTX Núi Hồng có thể “vượt mặt” cơ quan chức năng ?

Theo Trí Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây