Cây dứa đang mở ra hướng sản xuất mới cho người dân xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Bài 1: Những mô hình làm giàu trên đất khóDù gặp nhiều khó khăn về địa hình, điều kiện canh tác nhưng ở một số nơi, nhiều xã, hợp tác xã và cá nhân đã chuyển đổi mô hình sản xuất thành công, tăng thu nhập cho xã viên, làm giàu chính đáng, bền vững ngay trên đất cằn đồi núi quê hương…
Giống cây mới trên đất cằnNăm 2017 đánh dấu sự liên kết chặt chẽ, bài bản đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp giữa "bốn nhà" là UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Công ty Ðồng Giao), Học viện Nông nghiệp Việt Nam và hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trồng dứa. Trong hơn ba tháng (từ tháng 3 đến tháng 6) đã triển khai chuyển đổi 108 ha đất rừng sản xuất, đất trồng sắn sang trồng dứa. Trong đó, doanh nghiệp ứng trước giống, phân bón trị giá gần sáu tỷ đồng cho nông dân; hỗ trợ năm tỷ đồng tiền mặt; Nhà nước hỗ trợ gần hai tỷ đồng; còn lại là nông dân đối ứng. Trong số này có 8 ha mô hình chuyển đổi sinh kế cho các xã ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ðể tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa đạt 1.000 ha vào năm 2019, tỉnh kêu gọi Công ty Ðồng Giao xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu trên địa bàn. Từ tháng 10 đến 12-2017 trồng mới thêm 100 ha.
Ngày 17-3-2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Thủy Ðông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị ra quân trồng dứa nguyên liệu. Trước đó cả năm, Ban giám đốc HTX phải tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch 20 ha đất trồng cây lâm nghiệp, thuê máy móc cày ủi và thành lập ba nhóm hộ với 31 thành viên tham gia. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Lục cho biết, hiện HTX có 21 ha dứa lên xanh tốt, được trồng đúng quy trình cao sản. Với năng suất dự kiến vụ đầu khoảng 50 tấn/ha, giá bán cho nhà máy đạt 2.800 - 4.000 đồng/kg tùy loại, mỗi ha dứa dự kiến cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng. "Hiện toàn HTX quản lý hơn 1.000 ha đất tự nhiên, trong đó 300 ha đất rừng, 200 ha cao-su, 130 ha keo lai, 50 ha lúa, cho nên việc xây dựng vùng dứa thành công sẽ tạo động lực để HTX động viên người dân tiếp tục cải tạo đất đồi không hiệu quả sang trồng dứa".
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, năm 2017 nhiều mô hình mới, hay đã và đang hứa hẹn mang lại những hiệu quả có tính đột phá, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Ðiển hình như mô hình tổ chức liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, theo hướng hữu cơ giữa các HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Bước đầu, mô hình đã tạo được sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân. Tháng 3-2017, Sở NN & PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã và Công ty TNHH sản xuất thương mại Ðại Nam ký hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ðã có 13 HTX, tổ hợp tác thuộc sáu huyện, thành phố liên kết sản xuất với doanh nghiệp, tổng diện tích thực hiện trong vụ hè thu 2017 gần 90 ha. Mặc dù vụ hè thu 2017, sản xuất lúa ở tỉnh bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh nhưng năng suất lúa mô hình vẫn đạt bình quân 40 đến 45 tạ/ha lúa tươi; tổng sản lượng lúa hữu cơ là hơn 400 tấn. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, giá trị thu nhập từ lúa của mô hình cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với ruộng đại trà (tương đương lãi hơn từ chín triệu đồng/ha đến 15 triệu đồng/ha). Toàn bộ mô hình mang lại thu nhập cho nông dân hơn 1,8 tỷ đồng, lãi hơn 810 triệu đồng so với sản xuất đại trà. Giám đốc HTX Phương Gia (phường Ðông Lễ, TP Ðông Hà, Quảng Trị) Trương Sinh chia sẻ: "Vụ hè thu năm 2017, HTX đăng ký sản xuất với diện tích 22 ha. Theo đó, Công ty TNHH sản xuất thương mại Ðại Nam đầu tư bảy kg giống lúa RVT cho một sào (500 m2); hướng dẫn nông dân gieo cấy bằng phương pháp truyền thống, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo đảm đạt năng suất 220 kg thóc tươi/sào. Ngoài ra, công ty hỗ trợ không thu tiền phân bón và thu mua hết sản phẩm cho người dân với giá 7.000 đồng/kg. Qua thực tế, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đã kháng được các loại sâu bệnh, lúa có bộ lá đẹp, xanh, năng suất đạt bình quân từ 40 đến 42 tạ lúa khô/ha, bình quân thu nhập đạt gần
29 triệu đồng/ha".
Vùng chuyên canh hiệu quảTừ năm 2015, ở ven rìa thị trấn phố núi Bắc Hà (Lào Cai) xuất hiện một trang trại chăn nuôi và một trang trại trồng trọt mang dáng dấp nền nông nghiệp công nghệ cao. Giám đốc Công ty TNHH Anh Nguyên Vũ Kim Hải cho biết, sau hàng chục năm đầu tư vào khai thác đá, xây dựng, giờ có vốn mới quyết định đầu tư 35 tỷ đồng để làm. Bên cạnh mô hình chăn nuôi lợn theo công nghệ cao, công ty áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như chuồng trại được lắp tấm nhựa thông minh, máng ăn, nước uống đều được thiết kế tự động và sử dụng đệm lót sinh học. Thức ăn cho lợn cũng được sản xuất tại chỗ. Công ty còn đầu tư hơn 1 ha rau sạch trong nhà kính với hệ thống tưới thủy canh tự động và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ từ chính trang trại chăn nuôi. Mô hình này được đánh giá là hiện đại nhất tỉnh Lào Cai hiện nay, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Thào Say, người dân tộc Mông, kỹ sư phụ trách kỹ thuật của trại lợn cho biết, đàn lợn của trại hơn 1.000 con với 900 con lợn thịt, hằng năm xuất chuồng hơn 4.000 tấn, chủ yếu là các giống lợn đặc sản như lợn đen Bắc Hà, lợn đen Mường Khương, được lai giống lợn bố nhập ngoại. Mô hình của trại sản xuất khép kín, từ nhân giống, nuôi, giết mổ, mở điểm bán hàng. Thào Say còn trẻ, từng được cử đi tập huấn về nông nghiệp công nghệ cao tại I-xra-en. Say cho biết, dù năm 2016 và cả 2017, "cơn bão" giảm giá thịt lợn càn quét khắp nơi nhưng trại lợn của công ty không bị ảnh hưởng bởi ứng dụng công nghệ cao, giúp giảm giá thành chăn nuôi và nhất là sản phẩm lợn đặc sản ít ảnh hưởng do chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Tại xã Bản Xen, huyện Mường Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tiến cho biết, toàn xã có gần 2.300 ha đất canh tác. Hiện xã có vùng chè chuyên canh khá lớn với hơn 630 ha giống chè Shan. Sản phẩm chè được Công ty TNHH Thanh Bình bao tiêu theo hợp đồng. Chè trở thành cây chủ lực trong tăng thu nhập cho người dân và góp phần đưa Bản Xen trở thành xã nông thôn mới từ năm 2016. Về chuyển dịch sản xuất, ngoài cây chè, hiện xã đã có vùng ớt 10 ha và 35 ha gạo Séng Cù. "Theo quy hoạch, chúng tôi sẽ mở rộng ra 50 ha lúa Séng Cù, nhưng còn vướng do đồng bào khó thay đổi tập quán trong một sớm một chiều"- đồng chí Trần Văn Tiến chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau một thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua sự hỗ trợ của đề án, nhiều mô hình hay, mới đã phát huy hiệu quả, có sự lan tỏa và bước đầu xây dựng được một số nhãn hiệu nông sản trên địa bàn như mô hình trồng cây dược liệu, trồng nấm, rau sạch. Ðến nay, toàn huyện có 480 trang trại đạt cả hai tiêu chí quy mô và giá trị hàng hóa; giá trị thu nhập từ các trang trại đạt 437 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.292 lao động. Cùng với đó, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2016-2020
của Bố Trạch bước đầu cũng mang lại hiệu quả.
Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) Nguyễn Quốc Hương cho biết: "HTX thành lập từ tháng 3-2016, hiện nay đang sản xuất các loại như nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ… và sản xuất nấm giống với thị trường chủ yếu ở tỉnh. Mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 5 đến 6 tạ nấm giống và 2 đến 3 tạ nấm ăn. Riêng năm 2016, doanh thu của HTX đạt hơn bảy tỷ đồng. Không chỉ sản xuất nấm tại cơ sở, HTX còn liên kết với 25 tổ hợp tác, tạo việc làm cho 300 lao động. Trong đó, HTX đã triển khai thành công việc chuyển giao kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu ở một số địa phương thuộc các xã miền biển và miền núi. Ðiển hình là Tổ hợp tác trồng nấm Cây Bông (thôn Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy). Ðây là thôn dân tộc thiểu số và bà con chưa được tiếp xúc với nghề trồng nấm. Ðến nay, nhiều hộ dân đã tiếp thu được kỹ thuật và sản xuất có hiệu quả với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/hộ/năm".
Ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), 5 năm trước, ông Ðặng Văn Việt chặt bỏ keo, gỗ tạp, cải tạo gần4 ha đất đồi thành vườn trồng cam, bưởi, chanh. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam đang thu hoạch, ông Việt cho biết hiện đã có 2 ha cam cho thu hoạch. Ðợt áp thấp nhiệt đới rồi bão số 10 năm 2017 khiến cam rụng mất 10% số quả nhưng mỗi ha ước tính vẫn thu được 250 triệu đồng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðặng Văn Tịnh, hiện toàn xã có hơn 100 ha cam, trong đó 75 ha cho thu hoạch. Theo tính toán, mỗi ha cam, bưởi đầu tư khoảng 40 triệu đồng, đem lại thu nhập cho nông dân trong chu kỳ 5 đến 7 năm. Cây có múi không những xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành cây làm giàu cho nông dân ở đây.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Trung Hùng Ngọc, Giang Hai và Hồng Tuấn
Theo Nhân Dân