Dọc dài vùng Tây các tỉnh miền Trung, đi đâu cũng thấy bạt ngàn keo lai
Giá xuống chưa từng có
Từng có lúc giá cây keo vọt lên gần 2 triệu đồng/tấn, nên hàng chục ngàn hộ dân dọc dãy Trường Sơn đã cùng đầu tư trồng. Trồng keo trở thành giải pháp để người dân thoát nghèo và làm giàu một cách tự tin. Các cánh rừng dọc đường Hồ Chí Minh, nơi khoảng 10 năm về trước các quả đồi chỉ toàn dây leo bụi rậm, nay sức dân đã tạo ra hàng trăm ngàn hécta keo lai. Quảng Trị có gần 100.000ha rừng trồng keo lá tràm, Thừa Thiên - Huế hơn 61.000ha, Quảng Bình hơn 70.000ha... Thế nhưng, hiện nay giá keo dăm giảm xuống chỉ còn 800.000 đồng/tấn, rất hiếm nơi có thể bán với giá 1,1 triệu đồng/tấn.
Ông Lê Tâm (ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: “Tư thương ngày càng ép giá khiến người trồng keo không có lãi để trả ngân hàng”. Ông Hồ Minh (ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) than: “Gia đình tôi có hơn 5ha rừng keo lai đến kỳ thu hoạch, nhưng giá rớt từng ngày, nay đã dưới 1 triệu đồng/tấn, không có lời nên không thể bán”.
Còn ông Hồ Văn Hy (ở xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) lo lắng: “Gia đình tôi nhận 3ha đất trồng rừng, vay mượn dồn hết vào cây keo với hy vọng đổi đời, nhưng nay thật khó khăn vì keo lai đến kỳ thu hoạch lại rớt giá. Nhiều hộ dân ở miền núi Quảng Trị khi thu hoạch rừng keo phải chi tiền vận chuyển quá lớn, nên sau 5 năm trồng, trừ chi phí công chăm sóc, thuê chặt hạ và vận chuyển, chẳng còn được gì, đã thế giá keo lại xuống nữa nên càng lao đao”.
Ông Lê Văn Tý (ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết: “Keo bị rớt giá có nguyên nhân do trận bão năm 2013 gây gãy đổ hàng loạt, bà con phải trồng lại cùng lúc, nay thu hoạch cùng lúc theo chu kỳ, địa phương nào cũng chặt bán để trồng lại theo lứa, nên thương lái ép giá”.
Nhìn trên góc độ quản lý, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, phân tích: “Keo dăm giấy phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các thị trường này mấy năm trước có nhu cầu dăm giấy rất lớn, nay trên toàn thế giới công nghiệp in ấn giảm, nên nhu cầu dăm giấy không tăng thêm, mà ngày càng co hẹp, dẫn đến việc tiêu thụ keo dăm giấy khó khăn hơn, giá giảm là điều đáng lo cho ngành trồng keo”.
Một nguyên nhân khác là do trồng keo lai không quy hoạch, cung vượt cầu. Tại mười mấy tỉnh miền Trung ngày trước nhiều rừng nghèo, dây leo bụi rậm, nay ở đâu cũng trồng keo lai. Trồng một cách ào ạt, tranh thủ trồng cả trong vườn nhà, hai bên lối đi, người dân phát thuổng được miếng đất nào là đưa keo lai đến đó, phá vỡ diện tích quy hoạch trồng các loại rừng.
Để không phải giải cứu
Trước tình trạng keo rớt giá, nhiều người dân tính đến việc trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, không ít gia đình quay lại trồng thông do thu nhập cao và ổn định.
Ông Hồ Măm (ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) chia sẻ: “Mình tính trồng rừng keo gỗ lớn cho thu nhập ổn định, không bị mưa bão giật đổ như rừng nguyên liệu. Phải chuyển đổi, nếu không sẽ khó vươn lên”. Cùng quan điểm, anh Hồ Khu (ở A Đớt, A Lưới, Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Mình có 3ha keo lai, nay bắt đầu chuyển đổi trồng rừng keo gỗ lớn để cho thu hoạch cao hơn, chứ trong tình cảnh này là không ổn”.
Tại tỉnh Quảng Bình, nếu so với rừng nguyên liệu chu kỳ khai thác 5 năm thì rừng thông phải trồng từ 12 năm trở lên, tuy nhiên cây thông mang lợi nhuận gấp 3 - 4 lần cây keo. Ông Lê Văn Tý (ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nói: “Thôn tôi theo phong trào trồng keo và cao su, nhưng rồi keo và cao su rớt giá, riêng cây thông có giá nhựa luôn ở mức cao từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Nhà tôi có 2ha thông đang khai thác, thu hoạch tiền nhựa thông mỗi hécta 100 triệu đồng, trừ các chi phí thì còn lại 50 triệu đồng/năm. Thông có tuổi đời 35 năm khai thác, sau đó bán gỗ cũng lãi cao”.
Quảng Trị đang nổi lên là địa phương trồng rừng bền vững theo chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị rừng thế giới cấp). Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, suy tính: “Trồng rừng theo chứng chỉ FSC thì gỗ keo có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần lấy dăm, toàn bộ keo theo chứng chỉ này đều bán ra đối tác nước ngoài rất thuận lợi vì rõ nguồn gốc. Hiện trồng rừng bền vững theo chứng chỉ FSC đã đạt 21.000ha, Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020 sẽ có hơn 40.000ha trồng rừng bền vững như thế. Với keo lấy dăm, chu kỳ khai thác 5 - 6 năm, trừ chi phí, thu lợi chừng 40 - 50 triệu đồng/ha; còn keo lấy gỗ đúng chứng chỉ thì khai thác 10 - 12 năm, lại cho giá trị 180 triệu đồng/ha, chỉ tốn một lần giống” .
Theo Minh Phong SGGP