Sau quá trình tích cực vào cuộc của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, vừa qua UBND huyện Hương Khê đã có giải pháp, từng bước "gỡ nút" mâu thuẫn giữa một số người dân 2 xã theo hướng có lợi cho người trồng rừng và được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ.
Mâu thuẫn từ nhầm lẫn của ngành chức năng
Hương Khê là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, được xem là "tâm nóng" của tỉnh Hà Tĩnh, mùa hè nhiệt độ thường từ 40 độ đến 42 độ C. Trong thời gian tháng 6, tháng 7/2012, tại Tiểu khu 226, thuộc địa bàn xã Lộc Yên liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Do địa bàn rừng núi, thời tiết nắng nóng, các đối tượng đốt rừng chủ yếu vào ban đêm nên công tác chữa cháy và truy tìm thủ phạm của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
UBND huyện Hương Khê và các ngành chức năng họp bàn phương án giải quyết vụ mâu thuẫn trong tranh chấp đất rừng. |
Qua điều tra xác minh của Công an huyện Hương Khê, nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng được xác định là do mâu thuẫn tranh chấp rừng giữa một số người dân hai xã Gia Phố và Lộc Yên nên nhiều người bị kích động đã đốt rừng gây cháy lan. Được biết, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhiều vụ phá rừng và ẩu đả giữa nhân dân hai xã đã xảy ra. Tính đến thời điểm tháng 7/2012 diện tích bị cháy khoảng trên 50ha liên quan đến 21 hộ dân trên địa bàn xã Lộc Yên và 3 hộ dân thuộc địa bàn xã Gia Phố.
Theo kết quả xác minh của đoàn Thanh tra UBND huyện Hương Khê, năm 1995 thực hiện Nghị định 02/CP về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, UBND huyện Hương Khê có quyết định giao đất cho 11 hộ dân Lộc Yên tại Tiểu khu 226 nhưng do khảo sát không kỹ nên phần diện tích giao này lại trùng lên một phần diện tích đã giao trước đó cho 8 hộ dân xã Gia Phố vào năm 1991. Điệp khúc nhầm lẫn lại tái diễn khi năm 1997, UBND huyện Hương Khê giao đất lâm nghiệp cho 2 hộ dân xã Gia Phố trùng lên một phần diện tích của các hộ dân xã Lộc Yên được cấp theo NĐ 02/CP năm 1995!
Năm 1997, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Dự án rừng phòng hộ Ngàn Sâu, trong đó có Tiểu khu 226 xã Lộc Yên và giao cho Lâm trường Hà Đông thực hiện. Đến năm 2000 Lâm trường Hà Đông - nay là Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) sông Ngàn Sâu đã thiết kế, trồng rừng và giao khoán trồng, chăm sóc bảo vệ cho các hộ dân xã Lộc Yên thực hiện Dự án 661 (Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng của Chính phủ) chồng chéo lên đất của 10 hộ dân xã Gia Phố được giao đất năm 1991 và 1997. Năm 2004, các hộ dân xã Gia Phố trồng rừng trên phần đất được giao thì xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp với các hộ dân Lộc Yên. Ngày 21/6/2007 UBND tỉnh ra Quyết định số 1689/QĐ-UBND về việc cắt chuyển 503,9ha mà BQLRPH Ngàn Sâu thực hiện Dự án trồng rừng 661 tại Tiểu khu 226 về cho UBND xã Lộc Yên trong đó có diện tích chồng chéo như đã nêu ở trên để UBND xã Lộc Yên giao cho dân quản lý sử dụng.
Tuy nhiên việc chỉ đạo tổ chức thực hiện không dứt điểm. Vì vậy, đầu tháng 5/2012 khi rừng keo đã đến tuổi khai thác thì xung đột xảy ra giữa người dân xã Gia Phố và hàng chục hộ dân xã Lộc Yên. Trận loạn đả khiến nhiều người bị thương phải vào điều trị dài ngày ở cơ sở y tế. Liên tiếp những ngày sau tại khu vực tranh chấp xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng mà nguyên nhân không ngoài việc tranh chấp đất đai.
Thực hiện dự án theo hướng có lợi cho người dân…
Sau khi rà soát lại hợp đồng, giấy chúng nhận quyền sử dụng đất của các hộ; đồng thời tiến hành gặp gỡ đối thoại với từng hộ gia đình có liên quan và chính quyền 2 xã, UBND huyện Hương Khê đã đề ra phương hướng giải quyết nhằm ổn định ANTT trên địa bàn; đồng thời không để người dân bị thiệt thòi do những sai sót trong quá khứ để lại. Theo đó, đối với tài sản trên đất (rừng cây keo trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp theo Dự án 661 thuộc quyền quản lý của Nhà nước) UBND tỉnh giao UBND huyện Hương Khê quyết định phương thức, thời gian, lựa chọn đơn vị cá nhân khai thác đúng quy trình quy phạm, đảm bảo an toàn, ổn định tình hình.
Trong số 19 hộ dân xã Lộc Yên có 3 hộ dân nhận khoán với diện tích 7,2ha khối lượng 145,08m3 đủ điều kiện thì được cấp phép khai thác. Còn 3 lô rừng của ông Nguyễn Anh Đào, Trần Khắc Thắng, Nguyễn Văn Hùng nhận khoán với diện tích 11,23ha, 190,8m3 có một số cây trồng xen theo đám của các hộ dân xã Gia Phố tuy có thuận lợi đường vận xuất, vận chuyển do các hộ tự mở đường nhưng lại là khu vực tiềm ẩn va chạm phức tạp giữa công dân 2 xã nên UBND huyện giao UBND xã Gia Phố chủ trì phối hợp với xã Lộc Yên tổ chức khai thác và chi trả tiền cho các hộ nhận khoán xã Lộc Yên theo quy định. 13 hộ còn lại với diện tích 52,52ha, khối lượng 6.143,2m3 không đủ điều kiện khai thác nên đề nghị UBND huyện giao xã Gia Phố chủ trì phối hợp với xã Lộc Yên tổ chức khai thác và chi trả tiền cho các hộ nhận khoán xã Lộc Yên theo quy định. Rừng keo trồng bằng nguồn vốn của các hộ dân xã Gia Phố trên diện tích đất được huyện giao năm 1991 và 1997 trước mắt giao cho các hộ dân xã Gia Phố quản lý bảo vệ đúng quy định của pháp luật…
Sau khi thanh lý phần tài sản (rừng keo trồng theo Dự án 661), đối với diện tích đất đang tranh chấp huyện Hương Khê sẽ chỉ đạo giải quyết theo hướng: Ưu tiên các hộ có Quyết định giao đất và trên thực tế đã tác nghiệp, các trường hợp còn lại giao UBND xã Lộc Yên căn cứ vào quỹ đất để lập phương án giao cho các hộ; nếu thiếu quỹ đất thì UBND xã kiểm tra soát xét diện tích rừng sản xuất của BQL sông Ngàn Sâu đang quản lý để chuyển về UBND xã giao đất cho các hộ. Hướng giải quyết này có lý có tình, nhằm tạo điều kiện có lợi nhất cho người dân nên được người trồng rừng 2 xã ủng hộ
Theo cand.com.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn