Bài toán huy động vốn cho đại dự án Anh Minh

Thứ tư - 07/06/2017 01:43
Thành, bại của việc mở rộng, nâng cấp hai tuyến đường bộ huyết mạch là Quốc lộ 1 (đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ) và Quốc lộ 14 đều được “neo” cả vào đề án phát hành gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu công trình.

Thực trạng xuống cấp một số đoạn trên Quốc lộ 14 khiến việc đầu tư cải tạo đã trở nên khẩn cấp. Ảnh: Thanh Hương
Đến thời điểm này, phần vốn có tính ngân sách tham gia vào việc mở rộng, nâng cấp hai tuyến đường “nóng” nhất hiện nay là Quốc lộ 1 (đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ) và Quốc lộ 14 (đoạn qua Tây Nguyên) đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã định lượng tương đối chính xác.

Theo dự thảo Đề án Phát hành trái phiếu công trình để đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang được Bộ GTVT tiến hành lấy ý kiến của các bộ ngành, tổng nhu cầu phát hành trái phiếu công trình trên cơ sở phân kỳ đầu tư giai đoạn 2013 – 2015 vào khoảng 57.843 tỷ đồng.

Tính toán của Vụ Tài chính (Bộ GTVT) – đơn vị chủ trì soạn thảo Đề án cho thấy, đối với các dự án mở rộng Quốc lộ 1 sẽ cần phát hành 47.843 tỷ đồng trái phiếu công trình. Trong đó, để mở rộng đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh (dài 131 km) có nhu cầu vốn trái phiếu là 6.343 tỷ đồng; đoạn Hà Tĩnh - Cần Thơ (dài 768 km) là 41.500 tỷ đồng.

Liên quan tới việc mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ theo quy mô từ 2 đến 4 làn xe, hiện Bộ GTVT đang tiến hành lập 18 dự án đầu tư. Ngoài một dự án sử dụng nguồn vốn ODA là đoạn Ninh Thuận - Bình Thuận, tổng mức đầu tư 17 dự án đầu tư theo hình thức BOT có sự tham gia vốn của Nhà nước là 74.211 tỷ đồng.

Với hai yếu tố tài chính đầu vào để đảm bảo tính khả thi cho các nhà đầu tư BOT là mức thu phí bằng 3,5 lần mức thu phí do Bộ Tài chính ban hành và thời gian hoàn vốn kéo dài không quá 25 năm, số vốn mà các nhà đầu tư có thể tham gia theo hình thức BOT vào khoảng 37.574 tỷ đồng.

Như vậy phần vốn của Nhà nước tham gia vào việc mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Tĩnh – Cần Thơ là khoảng 41.500 tỷ đồng, trong đó phần vốn tham gia trực tiếp là 36.611 tỷ đồng và vốn góp cho công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án BOT 4.889 tỷ đồng.

Theo tính toán của Ban quản lý các dự án PPP (Bộ GTVT), ngoài 2 dự án BOT đã lựa chọn được nhà đầu tư (hầm Đèo Cả và hầm Phước Gia – Phú Tượng), khối tư nhân sẽ tham gia đầu tư nâng cấp 293 km với tổng số vốn bỏ ra khoảng 25.220 tỷ đồng.

Đối với Dự án Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) qua Tây Nguyên, tổng nhu cầu phát hành trái phiếu công trình là khoảng 10.000 tỷ đồng. Số tiền này, ngoài phần vốn góp cho các dự án BOT (khoảng 8.874 tỷ đồng) và bổ sung vốn còn thiếu của hai dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa và thị xã Đồng Xoài (226 tỷ đồng), phần còn lại là 860 tỷ đồng dùng để bố trí cho đoạn Tân Cảnh - Kon Tum. Vụ Tài chính cũng dự kiến, khả năng hoàn vốn của các dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 vào khoảng 5.340 tỷ đồng cho hơn 392 km trong 25 năm.

Căn cứ vào tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên hai tuyến quốc lộ trọng điểm và nhu cầu  phân bổ vốn hàng năm giai đoạn 2013 - 2017, Bộ GTVT cũng đã xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu công trình cho mỗi dự án cụ thể theo từng năm trong giai đoạn từ nay tới năm 2017.

“Ngay trong năm 2013 dự kiến phát hành khoảng 14.951 tỷ đồng, sang năm 2014 vào khoảng 16.656 tỷ đồng. Đến năm 2015, kế hoạch phát hành khoảng 13.422 tỷ đồng, 2016 là 9.153 tỷ đồng và đến 2017 là  3.661 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường,  cho biết.

Theo các chuyên gia, so với dự thảo Cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên được Bộ GTVT trình Chính phủ hồi tháng 11/2012, dự thảo Đề án đã có khá nhiều điểm khác biệt.

Đầu tiên là sự xuất hiện về nhu cầu vốn trái phiếu công trình cho việc mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ Thanh Hóa – Hà Tĩnh. Được biết, do việc bán quyền thu phí tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương bất thành, nên kinh phí đầu tư cho đoạn tuyến đang tiến hành thi công cải tạo này phải “cầu cứu” nguồn vốn trái phiếu công trình để trả ứng trước ngân sách.

Khác biệt lớn thứ hai và cũng là thay đổi quan trọng nhất chính là, nguồn vốn dành cho việc đầu tư hai công trình sẽ được huy động bằng cách phát hành trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh thanh toán thay vì lấy từ nguồn trái phiếu chính phủ.

Cũng từ sự thay đổi này mà chủ thể phát hành trái phiếu đã được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đứng ra phát hành toàn bộ trên phạm vi toàn quốc thay vì Bộ Tài chính như phương án tháng 11/2012. VDB lập dự toán chi phí phát hành trái phiếu công trình để trình Bộ Tài chính phê duyệt, sau đó trích trực tiếp khoản chi phí phát hành theo tỷ lệ trên số phát hành.

“Mặc dù có ưu thế là không phải đợi đến tận cuối tháng 6/2013 để trình Quốc hội thông qua để bổ sung vào danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, nhưng việc neo toàn bộ phương án phát hành trái phiếu công trình vào khả năng hấp thụ vốn khá yếu của thị trường tài chính hiện nay là một rủi ro lớn”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam lo ngại.

Theo Baodautu.vn


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây