Lên đỉnh 2 năm
Giá vàng thế giới đêm 16/6 (giờ Việt Nam) tăng dữ dội phiên thứ 7 liên tiếp lên mức cao nhất trong 2 năm, có lúc đạt 1.319 USD/ounce. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng hơn 2 tuần, giá vàng tăng vọt hơn 100 USD.
Trong nước, vàng SJC cũng đã tăng tổng cộng 1,4 triệu đồng/lượng, vượt qua ngưỡng 34,5 triệu đồng/lượng và hiện vẫn còn dư địa tăng tiếp do còn thấp hơn giá thế giới quy đổi 350.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại gần đây là do giới đầu tư dồn tiền vào mặt hàng đặc biệt này, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ hồi phục chưa như kỳ vọng và nền kinh tế thế giới khó đoán định.
Vàng SJC đã tăng tổng cộng 1,4 triệu đồng/lượng. |
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp vừa qua đã quyết định chưa tăng lãi suất đồng USD đúng như lo ngại trước đó. Hệ lụy từ quyết định này là tiếp tục kéo chậm chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, kéo đồng USD đi xuống và đẩy dòng tiền sang vàng.
Dòng tiền ồ ạt chảy sang vàng còn do giới đầu tư lo ngại sự hồi phục của kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc trưng cầu dân ý dự định vào 23/6 tới.
Không ít dự báo nhận định rằng, vàng sẽ còn tăng tiếp, thậm chí tăng mạnh. Một số chuyên gia trên CNBC cho hay, giá vàng có thể tăng trở lại, lên mức đỉnh 1.900 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 9/2011 - thời điểm mà giá vàng trong nước lên tới trên 49 triệu đồng/lượng.
Cảnh báo giá vàng có thể tăng tới 60% là đáng sợ nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Lịch sử cho thấy, giá vàng thế giới biến động khôn lường, đã từng tăng giảm 2-3 lần trong một năm.
Trên thực tế, vài năm lại đây, vàng không còn là mặt hàng thời thượng. Mặc dù vậy, nó vẫn được giới nhà giàu ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam,... tích trữ, cất két như một tài sản tiết kiệm và cũng là một cách đầu tư khá hấp dẫn.
Nhiều quốc gia vẫn âm thầm mua vàng tích trữ. Tờ Pravda của Nga hồi giữa tháng 5 cho biết, Nga và Trung Quốc đã đẩy mạnh mua vàng để thoát khỏi sự suy yếu của đồng USD đồng thời làm cho nền kinh tế của họ mạnh mẽ hơn. Cụ thể, hơn 1 năm trước, Trung Quốc đã tăng lượng vàng dự trữ 70% lên đến 1.700 tấn, trở thành nước có trữ lượng vàng lớn thứ 6 trên thế giới. Còn dự trữ vàng của Nga cũng tăng 21% lên đến 1.460 tấn.
Lặp lại kịch bản 49 triệu đồng/lượng?
Báo cáo của Pravda cũng cho biết, từ năm 2009 đến năm 2015, Trung Quốc mua 6-8 tấn vàng/tháng, gần đây, số lượng vàng mua vào đã tăng gấp đôi. Nga cũng có hành động tương tự, nhất là sau khi giá dầu sụt giảm.
Giá vàng biến động dữ dội trong năm 2011. |
Hồi giữa tháng 5/2016, theo tờ WJS, ngân hàng lớn nhất thế giới ICBC Standard Bank của Trung Quốc đã bất ngờ mua mảng cất giữ kim loại quý của Barclays (Anh) trong đó có hầm chứa vàng 2.000 tấn.
Gần đây, một số báo còn cho rằng, sự thăng trầm của Donald Trump quyết định giá vàng. Vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng gắn liền với sự nổi lên của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Hàng loạt tổ chức tài chính có uy tín như TD Securities, ETF Securities, ANZ Bank, Capital Economics, ABN Amro, HSBC, Saxo Bank cho rằng vàng có thể lên tới 1.400 USD/ounce nếu như người Anh bỏ phiếu rút ra khỏi EU.
Một cuộc khảo sát của FT gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ cho việc Anh rút khỏi EU là 48%, trong khi 43% ủng hộ Anh ở lại.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia trên Kitco cho rằng, vàng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào và đợt tăng từ 1.200-1.300 USD/ounce vừa qua chỉ là sự hồi phục tạm thời của vàng trong chu kỳ đi xuống bắt đầu từ 3 năm qua khi Mỹ bật tín hiệu chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng.
Sau cú bứt phát lên đỉnh cao 2 năm, gần 1.320 USD/ounce, giá vàng thế giới sáng 17/6 đã quay đầu giảm và xuống dưới 1.280 USD/ounce sau khi có tin đồn cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có rời EU hay không sẽ bị hoãn lại sau khi nhà lập pháp người Anh Jo Cox bị bắn chết trên một con phố ở phía bắc nước Anh.
Trước đó, có rất nhiều dự báo bi quan về vàng. Hồi đầu năm, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs đưa ra dự báo vàng có thể xuống dưới 1.000 USD (tương đương vàng 28,5 triệu đồng/lượng) vào cuối 2016 do nền kinh tế giới vẫn đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà giảm tốc. Trong bối cảnh đó, nhiều nước vẫn sẽ phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, thậm chí là lãi suất âm để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Morgan Stanley thì cho rằng, kịch bản xấu nhất là: giá vàng có thể rơi xuống mức 800 USD/ounce nếu Fed nâng lãi suất, TTCK Trung Quốc trải qua một đợt điều chỉnh giảm khác và các NHTW bán ra lượng lớn vàng trong dự trữ ngoại hối.
Ở vào thời điểm này, bối cảnh đã khác. Fed đã tăng lãi suất 1 lần từ mức 0%-0,25 lên 0,25%-0,5% nhưng lộ trình tăng 1%/năm như tuyên bố hồi cuối 2015 đang bị kéo chậm lại. TTCK Trung Quốc chưa lặp lại tình cảnh hỗn loạn như hồi tháng 6/2015. Tuy nhiên, sự bất định trên thị trường tài chính vẫn ngự trị từ châu Á, sang châu Âu, thậm chí cả ở Mỹ.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn