Bà Nguyễn Thị Cẩm Thạch – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở công thương cho biết: “Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có đến hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh thương mại. Riêng mạng lưới phân phối có hơn 20 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bao gồm các nhà phân phối lớn (cấp I) đến các các hộ buôn bán lớn cùng hệ thống 173 chợ nông thôn đã và đang đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là vùng nông thôn”.
Các cửa hàng lưu động của Công ty MESA được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng |
Cũng theo bà Thạch, hiện nay hầu hết các nhà phân phối đều đang tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở các huyện, thị trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là những vùng tái định cư. 70 – 80 lượng hàng và doanh số bán hàng tập trung chủ yếu ở những vùng này. Việc đưa hàng hóa về nông thôn một mặt tạo ra doanh thu tiêu thụ ngày càng lớn cho các nhà phân phối, mặt khác đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân với các mặt hàng ngày càng phong phú và đa dạng.
Là một doanh nghiệp phân phối có mạng lưới tiêu thụ rất rộng lớn trên địa bàn Hà Tĩnh, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại MESA chuyên phân phối hàng của tập đoàn P&G (bột giặt Tiger, dầu gội Rejoice, Pantine, xả Downy, bỉm Pamper…) được thành lập từ năm 2005 đến nay đã phát triển mạng lưới cửa hàng ở mọi ngóc ngách của từng thôn, xã. Anh Nguyễn Hữu Hân – Trưởng chi nhánh Công ty tại Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay hàng hóa của Công ty đã phủ sóng 4/5 địa bàn toàn tỉnh. Từ những năm mới thành lập, Công ty chỉ mới tiếp cận được các vùng trung tâm như thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận, các thị trấn, thị tứ, đến nay công ty đã vươn rộng ra thị trường ở hầu hết các huyện, thị, các xã, thôn. Hơn 80% doanh thu trực tiếp từ các vùng nông thôn”. Từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2012 công ty đạt doanh số hơn 29 tỷ, trung bình mỗi tháng hơn 2 tỷ. Trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013, công ty đang chuẩn bị tăng mức doanh số lên hơn 3 tỷ/tháng.
Xã Đức Lạc (Đức Thọ) có 25 cửa hàng phân phối của Công ty MESA. Đây là một xã thuộc diện khó khăn của toàn huyện nên việc công ty đưa hàng về rất được bà con hưởng ứng. Chị Lan - chủ cửa hiệu Lan Bình ở ngã tư Đức Lạc cho biết: “Cửa hàng chúng tôi mở từ khá lâu. Các mặt hàng thiết yếu được bán với giá rẻ nên được bà con nông dân ưa chuộng. Nhờ làm ăn buôn bán thuận lợi, mỗi tháng cửa hàng cho thu nhập 10 – 20 triệu đồng.”
Điển hình của việc doanh nghiệp phân phối đưa hàng về nông thôn phải kể đến Công ty TNHH TMDV Sài Gòn – Hà Tĩnh (siêu thị Co.opMart BMC Hà Tĩnh) với việc triển khai hàng trăm điểm bán hàng lưu động ở các huyện, thị xã. Chỉ tính riêng từ tháng 2 – 5/2012, Công ty đã tổ chức bán hàng lưu động ở 10 huyện đạt tổng doanh số gần 500 triệu.
Sự phát triển mạnh mẽ của của các nhà phân phối đã tạo việc làm cho nhiều lao động và mang lại thu nhập đáng kể cho nhân viên các công ty. Mức lương các nhân viên phân phối đạt khoảng 5 – 8 triệu đồng tùy theo năng lực là khá hấp dẫn với nhiều lao động. Cùng với đó là hàng nghìn cửa hàng bách hóa được thành lập ở các địa bàn vùng nông thôn đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Cần hơn vai trò quản lý thị trường
Cũng theo Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh: “Hiện nay, mặc dù các nhà phân phối ngày càng nhiều song các kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm chủ yếu với hơn 80% doanh nghiệp, các nhà phân phối. Các nhà phân phối vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận với các cửa hàng nhỏ ở các làng, quê, các vùng biên giới, chưa kể đến việc chỉ có một số ít các doanh nghiệp lớn mới tổ chức được các chuyến hàng lưu động”.
Phân phối hàng hóa về các cửa hiệu bách hóa lớn vẫn chiếm ưu thế |
Bà Đinh Thị Thủy – Giám đốc Công ty TNHH TM Thủy Châu – chia sẻ: Lợi nhuận cao nhất của nhà phân phối là đưa hàng hóa về tận tay người tiêu dùng vừa đảm bảo thương hiệu chất lượng hàng hóa, đảm bảo giá cả cho người tiêu dùng. Tuy vậy không phải dễ dàng các nhà phân phối làm được điều đó. Tiếp cận các cửa hàng bách hóa lớn, các vùng sâu, vùng xa chi phí rất lớn nên công ty chưa có khả năng thực hiện.
Sự xuất hiện ồ ạt của các nhà phân phối cũng góp phần tạo nên tình trạng hàng hóa lộn xộn, xuất hiện hàng giả, hàng nhái và tình trạng cạnh tranh đôi khi không lành mạnh giữa các nhà phân phối. “Việc nhiều nhà phân phối cùng hoạt động nhưng thiếu sự kiểm soát chất lượng sản phẩm từ ngành chức năng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới người mua hàng. Có những trường hợp công ty bắt gặp các nhãn hiệu hàng giả sản phẩm của mình (bim Oishi..) được phân phối ở các vùng nông thôn”- chị Thủy cho biết.
Làm thế nào để tạo ra lợi ích hài hòa cho cả các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng, nhất là đối với bà con nhân dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp phân phối cũng như các cơ quan quản lý thị trường hiện nay.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn