Tại cuộc họp về kiểm soát tải trọng phương tiện sáng nay (30/10) của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dẫn chứng về sự thiếu quyết liệt trong việc vào cuộc ngăn chặn và xử lý xe quá tải trọng, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT-C67), Bộ Công an nêu đích danh tên một số địa phương, trong đó tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu là những địa phương cả năm không phát hiện và không xử lý được trường hợp nào xe chở quá tải.
Phó Cục trưởng C67 cho biết đơn vị này đang thực hiện kiên quyết Chỉ thị 18 của Bộ trưởng Bộ Công an, tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất đối với các trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) nhằm phát hiện tiêu cực tại chính các trạm này và lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Một vấn đề khác được Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh đặt ra là dù có nhiều trạm kiểm soát nhưng không có bãi hạ tải nên việc siết tải trọng xe sẽ không đạt được kết quả cao nhất. Trong năm vừa rồi Bộ công an đã chỉ đạo triển khai trước mắt 10 trạm cân cố định tại các trạm CSGT, tức là tất cả xe đều phải vào làn cưỡng bức. Đây là trạm cố định, hệ thống cân tĩnh tại chỗ.
Tại cuộc họp đã nêu lên vấn đề, có những địa phương cả năm không phát hiện và không xử lý được trường hợp nào xe chở quá tải.
“Chúng tôi đang triển khai 10 trạm cân làm thí điểm ở Thanh Hóa. Chỉ đạo của Bộ Công an là sẽ hậu kiểm tất cả các đơn vị kiểm tra trên đường. Nếu đi qua trạm rồi mà vẫn bị quá tải, đến trạm kiểm tra sau mà tiếp tục phát hiện thì truy lại, truy nguyên trạm trước. Giải pháp này cũng là một trong những điểm lưu ý các đơn vị tuần tra trên đường nâng cao ý thức trách nhiệm để xử lý việc.” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nhấn mạnh.
Đối với việc kiểm soát tải trọng xe trên cao tốc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho rằng ở 2 đầu đường có lực lượng của Cục, xe quá tải “lọt” từ các đường nhánh lên/xuống cao tốc thì ở địa phận tỉnh nào, công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Nếu làm chặt, khi xe quá tải lên cao tốc sẽ không thoát đi đâu được cả.
Cũng nêu lên vấn đề địa phương không nỗ lực tham gia KTTTX, ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho hay, dù đã thực hiện được 2 năm nay, nhưng ở một số tỉnh hiện giờ vẫn chưa thành lập trạm KTTTX, đơn cử như tỉnh Phú Thọ, Lâm Đồng. Tỉnh Quảng Bình thì sau nhiều “hối thúc” đến hôm qua (29/10) mới có quyết định thành lập trạm KTTTX ở địa bàn.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - đồng tình với quan điểm của Phó Cục trưởng C67 Nguyễn Hữu Dánh về vấn đề hậu kiểm. Bộ trưởng đề nghị C67 đẩy mạnh công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu quả KTTTX và nâng cao trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ tại các trạm kiểm soát trên đường.
“Xe quá tải có thể lọt trạm cân thì cũng có thể xử lý cán bộ tại trạm. Xử lý xe quá tải nhưng cũng phải xử lý cả cán bộ thì mới giải quyết được vấn đề” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Tới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc về việc xử lý kiên quyết đối với lực lượng chức năng tại các trạm kiểm soát trong vụ 10 xe mang kiểm soát tỉnh Bình Định chở kính đi từ Quảng Nam ra các tỉnh phía Bắc, chạy an toàn qua 5 tỉnh/thành phố đến Hà Tĩnh mới bị bắt.
“Các anh báo cáo cái gì cũng làm tốt, vậy tại sao nhiều đoàn xe quá tải chạy lông nhông qua các tỉnh mà không bị bắt? Tại sao vẫn còn xe logo hoạt động? Tại sao xe quá tải chở kinh đi qua 5 tỉnh và thành phố mà không biết?” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Chốt lại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu mở cao điểm xử lý xe quá tải trong 2 tháng cuối năm 2015, phải coi xe quá tải là giặc và muốn diệt giặc thì tất cả mọi lực lượng phải vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn