Chất lượng khám, chữa bệnh phải tương xứng mức tăng viện phí

Thứ hai - 05/06/2017 09:00
Chỉ sau ba tháng thực hiện tăng giá viện phí (từ ngày 19-8) các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh đã thay đổi khá rõ nét từ nhận thức của đội ngũ y bác sĩ đến cơ sở vật chất phục vụ, nhằm tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB).

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Ðức Thọ (Hà Tĩnh) điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Khu điều trị tự nguyện.  
 

Ðiều mà người dân tỉnh Hà Tĩnh mong đợi từ các bệnh viện là chất lượng dịch vụ KCB mới tương xứng với mức tăng giá các dịch vụ y tế, phần nào được giải tỏa.

Tín hiệu khả quan

Ðến Bệnh viện Ða khoa (BV) Nghi Xuân, chúng tôi gặp Giám đốc Hà Thanh Sơn đang cùng các nhân viên kỹ thuật lắp đặt máy điện não đồ, trị giá 120 triệu đồng, ông bộc bạch: "Nếu không trang bị thêm những máy móc mới, hiện đại thì không thể đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân. Họ sẽ đi lên tuyến trên!". Sang một phòng đang vận hành thử máy nội soi tiêu hóa, ông Sơn cho biết thêm: Bệnh viện Nghi Xuân giáp TP Vinh (Nghệ An) cho nên chúng tôi, muốn "giữ" người bệnh thì không còn gì khác ngoài nâng cao chất lượng KCB. Ðội ngũ y bác sĩ ở đây phải thường xuyên học tập, nâng cao tay nghề, đổi mới lề lối làm việc và ý thức, thái độ phục vụ người bệnh... Ðiều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này cũng là dịp để các bệnh viện tự đổi mới mình. Ðể nâng cao chất lượng dịch vụ, BV Nghi Xuân còn mở thêm hai phòng khám, nâng số phòng khám lên con số sáu, đáp ứng khám cho 200 lượt người/ngày. Tới đây, BV tiếp tục mua thêm một số trang thiết bị hiện đại, trong đó có máy xét nghiệm sinh hóa tự động 400 TEXT/h... Có mặt tại BV Kỳ Anh vừa lúc bệnh viện đang tiếp Ðoàn Thận- tiết niệu BV T.Ư Huế để triển khai chạy thận nhân tạo. Giám đốc BV Kỳ Anh Phan Thị Xuân Liễu, cho biết: Ðể đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân và công nhân trên địa bàn (nơi có Khu Kinh tế Vũng Áng), thời gian qua, BV luôn trăn trở làm sao để nâng chất lượng KCB nhằm giúp người dân yên tâm, không phải đi xa, lên tuyến trên, thêm phần tốn kém... Từ đó, ngoài những kế hoạch dài hơi như gửi người đi đào tạo các chuyên khoa hoặc thuê các bác sĩ giỏi ở các bệnh viện T.Ư về đào tạo bằng cách cầm tay chỉ việc..., chúng tôi còn ký hợp đồng KCB với những bác sĩ có tay nghề, có thái độ, tư cách tốt...

Bệnh viện Ðức Thọ cũng vừa đưa khu điều trị tự nguyện sáu phòng vào hoạt động. Anh Phan Ðình Tuyến, quê Ðức Thịnh, huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh), bố cháu Phan Ðình Bắc, bị bệnh tay, chân, miệng cho biết: vào điều trị ở đây, phòng điều trị khép kín, sạch sẽ mà giá cả hợp lý, được bác sĩ chăm sóc tận tình,... Theo Giám đốc bệnh viện Hoàng Thư, thời gian qua bệnh viện đã chi hơn 350 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc nâng cao chất lượng KCB sau khi viện phí được điều chỉnh... Các BV tuyến huyện đều công khai bảng giá dịch vụ KCB mới ở những nơi dễ quan sát. Bàn hướng dẫn có nhân viên túc trực chỉ dẫn những nơi cần đến. Phòng chờ được sửa sang, lắp thêm ghế, quạt, giường, tủ, chăn, màn, quần áo, đều được mua sắm, trang bị thêm...

Băn khoăn và mong đợi

Theo nhận xét chung của nhiều người, phần lớn các bệnh viện tuyến huyện đều gặp không ít khó khăn, cho nên chất lượng dịch vụ đang "ì ạch" cố tăng theo viện phí. Một số BV do "tầm nhìn" quy hoạch hạn chế, chưa đầu tư mở rộng; trang thiết bị y tế vừa thiếu, vừa lạc hậu cho nên chưa thể đáp ứng được các dịch vụ kỹ thuật cao trong KCB của người dân trên địa bàn... Ðiều đáng quan tâm là đội ngũ y bác sĩ ở tuyến huyện dù đã tăng cường đổi mới nhưng vẫn chưa bỏ được thói quen xấu gây phiền hà cho người bệnh. Ðáng lo nhất là tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, có tay nghề kỹ thuật cao ở phần lớn các BV tuyến huyện, nhất là các huyện khó khăn, huyện miền núi.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn thừa nhận: Nhiều năm qua, địa phương có chính sách thu hút bác sĩ như bán đất giá rẻ..., lãnh đạo ngành và BV ra tận các trường đại học y tuyển sinh viên chủ yếu người Hà Tĩnh, nhưng hầu như không có kết quả. Số bác sĩ chỉ đồng ý về với điều kiện được công tác tại các khoa "ngon" của BV đa khoa tỉnh... Do vậy ba năm qua, các BV tuyến huyện của tỉnh chỉ tuyển được 18 bác sĩ hệ chính quy ở  các trường đại học Y Thái Bình, Thái Nguyên... Nhưng lại bị nạn "chảy máu" chất xám, tới các bệnh viện ở TP Vinh (Nghệ An). Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian qua, có hàng chục bác sĩ người Hà Tĩnh tốt nghiệp chính quy hay bác sĩ có tay nghề đã tìm "bến đậu mới" là các bệnh viện lớn ở TP Vinh.

 Ðến thực tế các BV tuyến huyện trên địa bàn, điều băn khoăn là tình trạng có ít người bệnh, nhất là các bệnh viện nhỏ, miền núi. Do thiếu người bệnh cho nên thường rơi vào cảnh thu không đủ chi, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. BV Vũ Quang  được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu KCB nhưng vẫn thưa thớt người bệnh là một thí dụ. Mặc dù những năm qua, BV miền núi này đã có những việc làm thiết thực, như: không thu 5% phần cùng chi trả viện phí của người bệnh thuộc diện hộ nghèo, hay gây quỹ bữa cơm tình thương... Theo Giám đốc, bác sĩ Nguyễn Văn Toại, nguyên nhân chính là do địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, dân cư ít, thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn...  Nếu tình trạng này không được khắc phục thì việc trích lại tối thiểu 15% số thu hằng năm để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ ở một số bệnh viện tuyến huyện là không đáng kể. Nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua bổ sung, thay thế tài sản, trang thiết bị... như theo quy định sẽ không được bảo đảm.

Ðể sớm nâng cao chất lượng, trước hết, cấp ủy, chính quyền và ngành y tế cần có sự phối hợp trong  kiểm tra việc triển khai thực hiện giá dịch vụ KCB mới. Chú trọng nâng chất lượng KCB, chất lượng dịch vụ tương xứng với giá viện phí đã được điều chỉnh tăng, bảo đảm  quyền lợi cho người bệnh. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn: Yếu tố quyết định đến chất lượng KCB, chất lượng dịch vụ vẫn là đội ngũ y bác sĩ. Thực tế cho thấy, tại những BV khó khăn, thu nhập thấp... thì đội ngũ này không chỉ thiếu về con số, mà còn non yếu cả về chuyên môn, nghiệp vụ và  thái độ phục vụ. Chính vì vậy, ngoài việc điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về thu hút, đào tạo, thời gian tới rất cần được các cấp, ngành trong tỉnh, trong huyện quan tâm động viên, khuyến khích, khơi dậy lòng yêu nghề và tạo điều kiện để phát huy khả năng, sở trường cho đội ngũ y bác sĩ đang công tác tại địa phương. Tiếp tục thực hiện việc luân chuyển bác sĩ ở các BV tuyến tỉnh về tăng cường cho các huyện. Ngoài việc KCB, các bác sĩ tuyến trên cần ưu tiên đào tạo, bằng cách "cầm tay chỉ việc", chuyển giao công nghệ, chuyên môn theo nhu cầu, nhất là các chuyên khoa như sản, chẩn đoán hình ảnh, ngoại,... Bên cạnh đó, các BV cần thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt việc nâng cao y đức cho đội ngũ y bác sĩ; làm thay đổi căn bản nhận thức về thái độ phục vụ người bệnh.

 Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, vì vậy bên cạnh sự đầu tư cho các bệnh viện tuyến trên; tỉnh và ngành cần sớm có chính sách phù hợp đối với những BV thuộc vùng xa, địa bàn khó khăn, cơ sở vật chất đã quá xuống cấp... mà bản thân BV không thể tự mình lo được. Ðồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân nhất là nhóm cận nghèo và các nhóm đối tượng tham gia mua bảo hiểm y tế để tránh các rủi ro về tài chính khi đau ốm, đồng thời tăng tính bền vững của tài chính Quỹ.

Theo nhandan.org.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây