Công ty Cấp nước Nghệ An - đơn vị thu sai 66 tỷ đồng của người dân.
“Không khởi tố bị can vì chưa đủ căn cứ”
Kết luận của Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An: Chưa chứng minh được tính chất vụ lợi, động cơ, mục đích cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản vì thế chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cụ thể: Ngày 20/6/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 39/QĐ-UBND quy định về giá nước sạch trên địa bàn tỉnh, trong cấu thành giá nước đã được duyệt phí duy trì đấu nối mạng cấp 3 theo Nghị định 117, nhưng Công ty Cấp nước Nghệ An vẫn thu tiền lắp đặt, thay thế cải tạo của khách hàng trong năm 2014 và 2015 gần 30 tỷ đồng.
Từ 2007 - 2015, Công ty Cấp nước Nghệ An đã thu của khách hàng tiền lắp đặt mới, cải tạo và thay thế đồng hồ cho 38.078 hộ với số tiền gần 66 tỷ đồng (năm 2007 - 2014 ông Phan Cảnh Đệ làm Giám đốc thu gần 36 tỷ; năm 2014 - 2015 ông Nguyễn Xuân Thắng làm Giám đốc thu gần 30 tỷ).
Theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP thì việc đấu nối đến đồng hồ là chi phí của đơn vị bán nước sạch, còn người dân chỉ mất phí đấu nối sau đồng hồ. Khoản 3, Điều 42, Nghị định số 117 quy định rõ: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước.
Ngày 15/04/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/PC46 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An. Quá trình điều tra cũng làm rõ, từ năm 2007 đến 2015 công ty này yêu cầu các cá nhân, tổ chức sử dụng nước sạch nộp tiền mua đồng hồ mới thay cho đồng hồ cũ, nếu hộ nào không thực hiện theo yêu cầu thì bị cắt nước”.
Dự án Cấp nước vùng phụ cận thành phố Vinh được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện từ ngày 22/10/2008, với tổng vốn 10.272.615 Euro vốn vay ODA Phần Lan và 89.587.000.000 đồng vốn đối ứng của tỉnh. Tiêu chí dự án là xây dựng công trình và mạng đường ống để cấp nước cho 13 xã thuộc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và đấu nối miễn phí 6.000 đồng hồ cho hộ tiêu dùng. Quá trình thực hiện có hiệu quả, ngày 30/6/2014, Công ty Cấp nước Nghệ An có văn bản xin chủ trương cho phép chuyển hạng mục dự án đấu nối miễn phí 4.000 đồng hồ hộ tiêu dùng theo giá hợp đồng sang mua vật tư đường ống và phụ kiện để phát triển mạng đường ống cấp III và được UBND tỉnh chấp thuận.
Ngày 4/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 4665 đồng ý cho phép chủ đầu tư chuyển đổi hạng mục đấu nối 4.000 đồng hồ của hộ tiêu dùng, thuộc dự án Cấp nước vùng phụ cận thành phố Vinh sang xây dựng mạng đường ống cấp III bằng ống HDPE đảm bảo yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật.
Quá trình điều tra xác định, Công ty Cấp nước Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh chuyển đổi đấu nối 4.000 đồng hồ trị giá tương đương hơn 3 tỷ đồng sang mở rộng mạng đường ống cấp III là không đúng quy định. Việc chuyển đổi này đã lấy mất quyền lợi được đấu nối miễn phí 4.000 đồng hồ của 4.000 hộ tiêu dùng. Việc Công ty Cấp nước Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chuyển đổi là chưa đúng quy định và sau đó không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là phải đấu nối 4.000 đồng hồ cho các hộ dân.
Kết quả điều tra cho thấy, việc Công ty Cấp nước Nghệ An tham mưu cho UBND tỉnh này để chuyển đổi đấu nối 4.000 đồng hồ trị giá tương đương hơn 3 tỷ là không đúng quy định khiến 4.000 hộ mất quyền lợi được đấu nối miễn phí đồng hồ nước.
Tiền thu sai không hoàn trả cho dân đang ở đâu?
Ngày 7/10/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc kỷ luật cán bộ, công chức tại Quyết định số 4887/QĐUB-UBND ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cấp nước Nghệ An bằng hình thức khiển trách.
Quyết định 4887/QĐUB- UBND kỷ luật Giám đốc Nguyễn Xuân Thắng.
Theo Văn bản số 2831 ngày 29/8/2016 của Sở Tài chính về việc xử lý số tiền thu trái quy định của Công ty Cấp nước Nghệ An có nêu: “…về việc truy thu hơn 8,1 tỷ đồng tiền nhân công và lợi nhuận khác trong chi phí lắp đặt, thay thế, sửa chữa đồng hồ giai đoạn 2014 – 2015 tại Công ty Cấp nước Nghệ An: Ngày 26/8/2016, Công ty Cấp nước Nghệ An có Công văn số 525/CV-TV gửi Sở Tài chính, theo đó thì số tiền trên đã chi trả cho người lao động, trong đó đã có những người nghỉ hưu và nghỉ hưu theo chế độ nên việc thu hồi số tiền trên rất khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cán bộ, nhân viên. Mặt khác, khoản chi phí này cũng không đưa vào kết cấu trong giá nước sạch nên việc thu hồi khoản kinh phí này sẽ khó khăn và có thể gây ra dư luận không hay. Vì vậy, Sở Tài chính có ý kiến không thu hồi khoản kinh phí này”.
Có điều bất thường là khoản kinh phí cho công nhân nghỉ hưu theo chế độ đã được bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định. Số tiền 8 tỷ đồng chi cho lương công nhân thì người lao động tại Cấp nước Nghệ An phải có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì lương công nhân tại đây cũng chỉ ở mức trung bình.
Ngày 7/10/2011, công ty đã tuyển dụng lao động theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 nhưng không đúng theo quy trình mà chỉ ra quyết định thử việc sau đó căn cứ kết quả thử việc để tuyển dụng lao động. Không thực hiện đúng quy trình trong việc tuyển dụng 19 lao động trước thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp, đã vi phạm điều 48, Nghị định 59/2011 ngày 18/7/2011 của Chính phủ.
Trên cơ sở quan điểm trên của Công an và Viện kiểm sát tại Văn bản số 612/PC46 ngày 04/08/2016, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn số 1166-CV/TU về việc xử lý các sai phạm tại Công ty Cấp nước Nghệ An truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư tỉnh Nghệ An có nội dung: “UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm; chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả, kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo và tổ chức thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật hiện hành”.
Sau đó, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Nghệ An được tỉnh cổ phần hóa thành doanh nghiệp tư nhân (Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An) thì số tiền đó vẫn không được xử lý.
Điều đáng nói nữa là số tiền theo cơ quan điều tra công bố là hơn 66 tỷ đồng từ năm 2007 – 2015, tại sao khi xem xét xử lý chỉ đưa ra xem xét tại thời điểm 2014 – 2015? Vậy, số tiền còn lại hàng chục tỷ đồng đang ở đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại tiền cho người dân.
Đã đến lúc, tỉnh Nghệ An cần có biện pháp dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.