Anh Nguyễn Ngọc Khánh tại một buổi dạy kỹ năng cho học sinh tiểu học (Ảnh : NVCC)
Hy vọng cứu sống người đuối nước
- Phóng viên: Trước tiên, xin anh có thể cho biết, lý do nào khiến anh cùng mọi người làm những hoạt động này?
Anh Nguyễn Ngọc Khánh: Cách đây 4 năm, tôi đã từng bị đuối nước. Đó chính là động lực khiến cho tôi cần phải học hỏi rất nghiêm túc về bơi lội. Sau chuỗi ngày tập luyện, tôi đã có một số thành tích nhất định về bộ môn Bơi ngoài trời, với cự ly dài nhất 200km từ cầu Long Biên đến biển Thái Bình.
Hoạt động chủ yếu tại sông Hồng, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều tai nạn đuối nước tại đây, nên rất mong muốn đóng góp chút gì đó cho cộng đồng. Năm ngoái, chúng tôi đã treo các biển báo ở một số bãi bơi trên địa bàn Hà Nội để phòng tránh tình trạng đuối nước.
Gần đây lại có nhiều vụ nhức nhối. Nên cách đây hơn 1 tháng, tôi đã quyết định thực hiện hành trình “Tình yêu sông Hồng”, với hoạt động chính là đi dạy bơi miễn phí tại tất cả các tỉnh, thành ven sông Hồng.
Đến nay, hoạt động treo phao đã thực hiện thành công tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã treo phao cứu sinh ở dọc các cây cầu, mà chúng tôi đi qua giảng dạy. Tuần này, chúng tôi vừa tổ chức mua phao và vận động mọi người chia thành các nhóm đi treo ở 6 cây cầu tại địa bàn Hà Nội. Hoạt động treo phao tại các cây cầu ở Hà Nội chỉ là một phần nhỏ trong hành trình thiện nguyện “Tình yêu sông Hồng” của CLB Bơi khám phá và Red River Supper Club.
- Vừa qua, anh đã cùng CLB của mình treo phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng tại Hà Nội. Vậy mục đích của việc này là gì ? Và mình sẽ dùng các phao này như thế nào ?
Mục đích của việc treo phao rất rõ ràng là để tăng khả năng cứu sống những người bị đuối nước ở dưới sông, cũng như giúp những người muốn cứu nạn có thêm phần tự tin hơn. Vì nhiều trường hợp nhảy xuống cứu, nhưng không được, rồi thành đuối nước cùng. Phao cứu sinh sẽ góp phần củng cố tinh thần cho cả người ở trên, lẫn người bên dưới. Đấy là điều chúng tôi mong muốn hỗ trợ và đem đến cho cộng đồng.
Về việc dùng như thế nào, tôi đã có phổ cập cho mọi người trong các video mà mọi người quay lại. Khi mọi người muốn lấy phao, thì xoắn dây thép ngược lại 2 vòng là mở ra được. Trên phao cứu sinh đấy có 1 dây để mình có thể nắm vào ném xuống dưới cho người bị đuối nước. Những người bị đuối nước sẽ có một giây phút nào đấy nổi lên, trồi lên trên mặt nước. Khi nhìn thấy phao thì bản năng sống của họ trỗi dậy, họ hoàn toàn có thể tiến về cái phao đó để ôm lấy. Hoặc khi có người muốn nhảy xuống cứu chẳng hạn, mà họ lo ngại về cái vấn đề an toàn, khi mà người gặp nạn hoảng loạn, chồm lấy mình, thì họ có thể dí phao cho người kia để bơi, thì sẽ rất là an toàn. Cái cách sử dụng nó hết sức đơn giản thôi, cực kỳ dễ sử dụng.
- Việc tổ chức các hoạt động phòng đuối nước nói chung và treo các phao cứu sinh nói riêng đã có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa anh?
Thứ nhất chính là ở các tỉnh thành khác, mình chưa đủ sức ảnh hưởng. Mọi người ở đó không biết đến mình và việc mình đang làm, như ở các tỉnh miền núi, những nơi mà nhiều người còn không biết bơi là gì.
Vì bản thân tôi mong muốn có thể tiếp cận được với các nhiều người càng tốt và làm bài bản, nên việc làm sao để tôi liên hệ được với tất cả mọi người tại những nơi đó cũng rất khó khăn. Khó khăn tiếp theo là việc tiếp cận với các cơ quan nhà nước ở các tỉnh để được đến thực hiện chuyến hành trình này.
Do tại đây thường sẽ cần đến rất nhiều thủ tục giấy tờ, quy trình cũng như hoạt động này chưa được các cơ quan biết đến. Việc liên hệ rất khó khăn, nhưng bản thân tôi quan niệm rằng cứ cố gắng thì sẽ làm được.
Và rất may mắn khi tôi liên hệ được với các cơ quan Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi trong mọi vấn đề có thể. Sau khi tổ chức thành công các hoạt động tại 3 tỉnh thành Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, đến thời điểm hiện tại, họ cũng đã gọi điện phản hồi rằng chương trình rất ý nghĩa, những kiến thức được truyền đạt đều rất thực tế chứ không giống như các chương trình phòng chống đuối nước trước đây họ từng làm bị theo khuôn mẫu học thuộc nhiều và không có sự thực tế dẫn đến hiệu quả đạt được không cao. Một thành công lớn mà nhóm chúng tôi nhận được đó chính là được các tỉnh liên lạc lại và mong muốn tổ chức trên diện rộng đến hàng nghìn người vào tháng 6 tới đây.
Khi mới nghĩ ra ý tưởng này, thì chỉ có duy nhất mình tôi thực hiện. Nhưng khi tôi quyết định chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội, thì chưa đầy một ngày, đã có đến hơn 50 bạn tình nguyện viên sẵn sàng ủng hộ tôi, đi theo thực hiện. Nhiều người xung quanh cũng ủng hộ việc làm này và cũng rất tin tưởng. Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ chính những nguồn nhân lực tự có và do mọi người tự đóng góp cùng nhau thực hiện. Cũng may mắn là, một trong số những VĐV tham gia giải bơi “Chiến lược sông Hồng” do tôi tổ chức lại là một doanh nhân thành đạt.
Sau khi biết đến hành trình ý nghĩa này, thì bạn có tài trợ chi phí cho tôi, cũng như thành lập một quỹ mang tên “Quỹ phát triển bơi lội Việt Nam” (Mon Swimming) để đóng góp chi phí thực hiện những chuyến đi này. Nhận được rất nhiều đóng góp về cả vật chất lẫn tinh thần, nên tôi phần nào thấy được việc tôi làm đang có một ý nghĩa nhất định trong cuộc sống này. Chính điều đó càng thúc đẩy tôi và cả nhóm sẽ hoàn thành tất cả mọi việc dự kiến.
Hiểu sai về “biết bơi”
Ảnh : NVCC
- Theo anh, đối tượng nào dễ đuối nước nhất ? Và trong những buổi dạy của mình, anh hướng dẫn họ như thế nào để phòng đuối nước ?
Tôi đã xác định mục tiêu rõ là học sinh cấp 1, cấp 2, vì đó mới là đối tượng dễ bị đuối nước nhất. Các cháu hầu như được bố mẹ, thầy cô đưa kiến thức về bơi lội hoàn toàn sai.
Vừa qua, chúng tôi có phối hợp với 1 trường tiểu học ở Yên Bái. Một buổi không thể cho các cháu biết bơi được. Nhưng một buổi đấy sẽ giúp người không biết bơi hiểu rằng, khi gặp sự cố dưới nước thì cần làm những gì để không bị đuối nước.
Những thông tin này ở ta còn khá mới và bị thiếu rất nhiều cho nên tôi và cả nhóm muốn chia sẻ thông tin đến với nhiều người biết. Tôi và cả nhóm cùng bơi trực tiếp trên sông cho các cháu học sinh, giáo viên và phụ huynh được xem để họ thấy được sự khác biệt so với những gì họ biết về bơi trước kia. Thực tế này hầu như không thể đọc qua sách vở được. Những gì nhiều người biết khi áp dụng thực tế thì lại không thực hiện được nên khi chúng tôi đến chúng tôi mong muốn cung cấp những kiến thức thực tế để họ hiểu như thế nào là bơi, và những điều họ cần để sinh tồn được khi bị đuối nước.
Vậy nên, đầu tiên tôi sẽ chia sẻ cho họ biết những cái ngộ nhận về biết bơi. Đa phần, các vụ đuối nước là do ngộ nhận. Lúc nào trong đầu họ cũng nghĩ là bơi rất giỏi. Bởi vì họ đã được bơm vào đầu là họ đã học qua một khóa 10 buổi, 20 buổi, họ đã bơi được 1 vòng bể, 2 vòng bể, 500m trong bể bơi. Thì những cái ngộ nhận đó rất là nhiều và 90% họ ngộ nhận như vậy. Cho nên là đầu tiên tôi đưa cho họ cái định nghĩa đúng về sự biết bơi. Thậm chí là tôi đã từng hỏi những giáo viên dạy bơi luôn và họ cung cấp cái thông tin là bạn chỉ cần di chuyển được 25m, 50m, bạn có thể nổi trên nước là bạn biết bơi rồi. Những cái ngộ nhận như vậy sẽ làm cho họ sau này khi mà ra ngoài rất dễ rủi ro gặp đuối nước. Thì tôi sẽ cập nhật lại cho họ như thế nào là biết bơi.
Tiếp theo, tôi sẽ đưa cho họ cái cách sơ cấp cứu quan trọng nhất khi mà gặp người bị nạn. Đồng thời, cung cấp cho họ là làm sao khi mà mình ra môi trường mình nước mình sẽ an toàn. Mình không biết bơi nhưng mà mình sẽ làm thế nào để mà mình an toàn
Và cuối cùng là đưa cho họ những cái lợi ích về biết bơi để họ có thể thấy bơi thì nó cải thiện được rất là nhiều thứ và bơi là một cái môn thể thao có thể chơi từ lúc đẻ ra cho đến lúc mất, gần như môn bơi là môn cực kỳ đặc biệt. Ai cũng có thể chơi được. Lứa tuổi nào cũng chơi được, không phân biệt giới tính, khoẻ yếu cũng chơi được hết và đều có tác dụng rất là tích cực.
- Anh có hy vọng những việc làm này sẽ giúp giảm bớt tỉ lệ xảy ra tai nạn đuối nước ở nước ta hiện nay không ? Và trong tương lai, anh và nhóm của mình có ý định nhân rộng hoạt động này khắp cả nước không ?
Khi họ được cập nhật lại kiến thức đúng, được nhìn tận mắt như thế nào là bơi, thì khi họ ra ngoài môi trường nước sẽ không dại gì mà xuống khi không có phao. Hoặc là họ không dại gì đi một mình, họ phải đi hai người, phải biết có bạn đồng hành. Người không biết thì sẽ làm liều, còn người biết rồi thì phần trăm họ làm liều rất là ít. Và tôi nghĩ rằng những cái kiến thức này được lan tỏa và chia sẻ, chắc chắn rằng nó sẽ giảm tỷ lệ đuối nước
Ban đầu, tôi nghĩ chỉ làm ở khu vực sông Hồng thôi. Bởi vì nó cũng là nơi gắn bó với tôi trong nhiều năm qua, và là nơi mình có chút thành tích. Thế nhưng, khi mình đi làm ở một số tỉnh khác, thì tín hiệu rất là tốt. Và mình nghĩ những điều đó nếu được lan toả, chia sẻ đến nhiều người hơn, thì bơi lội ở nước ta sẽ rất phát triển.
Nước mình có bờ biển rất là dài, sông, hồ, ao, suối rất là nhiều. Nhưng tỉ lệ người biết bơi thì rất là thấp. Và ước mơ của tôi là muốn đưa hành trình này đến nhiều nơi hơn và thực tế là đã có rất nhiều tỉnh khác đã liên hệ với tôi để tạo cơ hội cho tôi xuống giao lưu với mọi người ở các tỉnh ấy. Thế thì tôi thấy việc mình làm cũng đang được người khác quan tâm và họ cũng muốn lan tỏa rộng các vấn đề này. Tôi cũng hy vọng là lan toả rộng trên cả nước…
- Cảm ơn vì cuộc trò chuyện thú vị này!