Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Di sản y học và văn hóa trên quê hương Hà Tĩnh

Thứ ba - 24/12/2024 13:22
Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vừa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y.
Hà Tĩnh là một vùng quê nằm trên dải đất miền Trung nắng gió, là nơi "Địa linh nhân kiệt", "Giang sơn tụ khí", ghi dấu nhiều di sản văn hóa và lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn vừa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y. Đây không chỉ là một niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh mà còn là điểm sáng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản y học và văn hóa của đất nước. Để có một Khu di tích bề thế, xứng tầm như hiện nay đã có sự quan tâm, chú ý của nhiều cơ quan ban ngành, cá nhân mà trong đó phải nói đến sự đóng góp của Bộ Y tế và Thiếu tướng GS.TS.TTND Lê Năm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

Lưu giữ những giá trị quý giá cho muôn đời

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
 
d2024122404 1

Không chỉ là một thầy thuốc tài ba, Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ với tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm "Thượng Kinh Ký Sự" của ông không chỉ ghi chép hành trình lên kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán mà còn gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm về cuộc sống và y đức.

Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Đây là sự kiện lịch sử nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, nó không chỉ ghi nhận tài năng y học kiệt xuất, những đóng góp to lớn và lâu dài cho y học cổ truyền Việt Nam và thế giới mà còn đánh giá những di sản giá trị văn hóa, tư tưởng vượt thời gian mà ông để lại cho hậu thế.

Để ghi nhận những di sản quý giá ông để lại, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được xây dựng. Đây là một trong những điểm đến văn hóa - lịch sử quan trọng. Khu di tích bao gồm khu mộ, tượng đài, khu nhà thờ và khuôn viên chùa.

Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng khu mộ và lưu niệm của Lê Hữu Trác là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 10/ 4/1988 GS. Lê Thế Trung đã có chuyến đi lịch sử vào Hương Sơn, Hà Tĩnh, lần này GS. Trung đã đến tham quan ngôi mộ của Hải Thượng lãn Ông dưới chân núi Minh Tự (Núi cánh diều) ngôi mộ nằm trong một điểm hẻo lánh dưới chân núi, tìm ra được bia mộ của Cụ bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Sau khi tìm ra ngôi mộ của Cụ, GS. Lê Thế Trung đã trao đổi với Hội đông y huyện Hương Sơn và ban ngành y tế Hà Tĩnh để tổ chức quyên góp xây dựng lên ngôi mộ của Cụ bằng gạch giống các ngôi mộ bình thường. Năm 1994, Quần thể di tích (mộ, nhà thờ và chùa Tượng Sơn) của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Năm 1991 khi Viện Bỏng được thành lập mang tên Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Bộ Y tế giao cho Viện Bỏng phải có trách nhiệm với Khu di tích của Hải Thượng tại Hương Sơn Hà Tĩnh. Hàng năm, vào rằm tháng giêng các đoàn cán bộ nhân viên Viện Bỏng vào thắp hương nhân dịp giỗ Cụ.

Một lần Thiếu tướng GS.TS.TTND Lê Năm cùng Thiếu tướng GS. Lê Thế Trung về dâng hương cho cụ, GS.TSKH. Lê Thế Trung nói với Thiếu tướng. GS.TS.TTND Lê Năm rằng “GS. là Giám đốc Viện Bỏng Quốc Gia mang tên Hải Thượng, GS. là người họ Lê, lại là người Hà Tĩnh, GS. phải làm thế nào để tôn tạo bằng được khu di tích, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh cũng thiết tha được tu bổ tôn tạo”.

 Thời điểm đó ông Trần Đình Đàn Chủ tịch UBND, ông Hà Văn Thạnh Bí thư huyện Hương Sơn, đã nhiều lần bàn bạc với Thiếu tướng GS.TS.TTND Lê Năm về việc này. Lúc đó Thiếu tướng GS.TS. TTND Lê Năm nghĩ đây là vấn đề rất khó vì di tích văn hóa là công việc của Bộ Văn Hoá chứ không phải công việc của Bộ Y tế. Bởi thế Thiếu tướng GS.TS. TTND Lê Năm đã đến gặp và làm việc với ông Phạm Quang Nghị, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn Hoá, cùng các cơ quan của Bộ văn Hóa để làm việc và trao đổi.

Cuối cùng Bộ Văn Hoá đồng ý chuyển cho Bộ Y tế để tôn tạo Khu Di tích cùng sự đồng thuận của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì mới có đủ điều kiện để xây dựng quần thể di tích của Hải Thượng. Sau khi các Bộ đồng ý, qua nhiều lần hội thảo, khảo sát của các Bộ, các ban ngành và chủ đầu tư, vì những năm đầu của thế kỷ 21, đất nước còn nhiều khó khăn, việc ra đời dự án tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác phải được cân nhắc đi cân nhắc lại, để cân đối tình hình kinh tế lúc bấy giờ. Đến ngày 31/10/2003, Bộ Y tế đã ký quyết định bước đầu xây dựng trước hai khu của Quần thể Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, mộ tượng tại xã Sơn Trung và Nhà thờ tại xã Sơn Quang thuộc huyện Hương Sơn.

Với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, Bộ Y tế là cơ quan chủ quản, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác là chủ đầu tư (Quyết định của Bộ Y tế) sau một thời gian chuẩn bị với tinh thần khẩn trương ngày 20/11/2004 Viện Bỏng Quốc gia cùng với Bộ Y tế và chính quyền địa phương làm lễ động thổ dự án "Tu bổ, tôn tạo khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn Hà Tĩnh".

Mở đầu xây dựng khu mộ tượng đài xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Với 4 năm xây dựng từ 2004 đến 2007, các công trình đã được xây dựng như tượng đài đặt trên đỉnh núi Minh Tự, cao 16,9m, nặng 350 tấn. Tượng cụ lưng tựa vào núi, mặt nhìn xuống đường Hồ Chí Minh huyền thoại và sông Ngàn Phố sông nước hữu tình. Tiếp đến là các bức Phù Điêu ghép bằng các tảng đá ghi lại những điều răn của Cụ bằng cả chữ nam và quốc ngữ. Sân tượng đài rộng hơn 1000m2, có thêm khối đá lớn khoảng 18 tấn khắc ba chữ Đức Lưu Quang.

Từ sân tượng đài xuống khu mộ có con đường lát đá hĩnh chữ S dài 629m, 31 bậc đá, 54 chiếu nghĩ. Bên cạnh có mương nước bê tông dẫn nước để vững bền cho con đường đá huyền thoại.

Mộ được tôn tạo trên nền mộ cũ ghép bởi các khối đá Thanh Hóa, nắp mộ nặng khoảng 4 tấn. Cuốn thư phía sau mộ nặng 4,5 tấn được các nghệ nhân khắc chạm hoa văn làm cho phần mộ thêm nghiêm trang. Nhà nghinh hương là nơi chuẩn bị nghi lễ trước khi vào dâng hương được thiết kế bậc tam cấp đến cổng tam quan với các khối đá ghép. Tiếp đến nhà đón tiếp 3 gian bằng gỗ lim và sân tổ chức sự kiện. Đối diện sân đón tiếp là bia dẫn tích, mặt trước ghi thân thế sự nghiệp cụ Hải Thượng, mặt sau ghi lời cảm ơn của BQL Tu bổ Di tích.
 
d2024122404 2

Khu di tích nhà thờ Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh được xây dựng tiếp sau khu mộ. Khu nhà thờ trước khi tu bổ chỉ có một nhà thờ nhỏ 3 gian thờ Cụ, nằm trên vườn rộng 1,5 ha giữa đồng trũng. Sau 2 năm xây dựng (2007-2009) toàn bộ khu di tích được nâng cao 1,2m so với ruộng. Nhà Tiền Đường với 40 khối gỗ lim làm thành 5 gian được khắc chạm theo kiểu cách thế kỷ thứ 19, cao ráo thoáng mát,  chính giữa nhà Tiền Đường và nhà thờ là hòn non bộ. Tại đây, cũng tái hiện lại khu vườn xưa của Cụ có núi giả hồ sen, vườn đào, vườn thuốc, nơi thả diều làm thơ..., phía ngoài là Cổng Tam Quan, đường đi cho khách thập phương tham quan và dâng hương. Toàn cảnh khu nhà thờ như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, tạo nên quang cảnh vừa linh thiêng, vừa ấm áp, yên bình.

Khu thứ 3 trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có thể nhắc đến là chùa Tượng Sơn hay còn gọi là chùa Hầm Hầm. Bà Bùi Thị Thưởng thân mẫu của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã lập ra chùa Tượng Sơn. Bà Thưởng cùng hai anh em Lê Hữu Trác và Lê Hữu Tán xây dựng nên ngôi chùa và thời hậu Lê thế kỷ thứ XVIII, chùa đã có lần được tu sửa (1880-1881), nhưng sau gần 300 năm bị thiên tai tàn phá hư hỏng, không còn nguyên vẹn.

Ngày 22/9/2009 Bộ trưởng Bộ Y tế TS. Nguyễn Quốc Triệu ký Quyết định số 3539/QĐ- BYT tiếp tục giao cho Bệnh viện Bỏng làm chủ đầu tư: " Dự án tu bổ tôn tạo chừa Tượng Sơn" với số vốn 22 tỷ đồng. Ngày 17/7/2010 Bệnh viện Bỏng, Bộ Y tế và nhân dân địa phương động thổ tôn tạo với hàng loạt hạng mục công việc được thực hiện. Trong đó khu chùa được nâng cao bởi hàng nghìn m3 đất, kè bờ sông chống sói được phủ lên hàng trăm tấn đá và sắt thép, xi măng, xung quanh chùa là đường bê tông lớn cho xe chạy vòng quanh.

Với 24 hạng mục được Ban quản lý dự án lần lượt xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dung như tường rào chạy xung quanh, cổng tam quan, cổng phụ, nhà tam bảo, nhà tả vũ năm gian, nhà hữu vũ nam gian, lầu quan âm và tượng phật quan âm, nhà thờ tổ, nhà ăn, bể nước ngầm, bãi xe, trồng hàng trăm cây xanh... Đặc biệt Bệnh viện Bỏng đã mời được Thượng tọa TS. Thích Nhật Từ - PGĐ Học viện Phật giáo Việt Nam về chủ trì càng làm chùa có uy, tô thêm sự trang nghiêm của ngôi chùa.

Thông điệp về tình yêu con người và trách nhiệm với cộng đồng

Ngày nay về tận nơi đây chứng kiến cảnh đẹp hùng vĩ như mơ này nhưng không ai hình dung ra được 20 năm trước khi động thổ xây dựng Quần thể Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã có hàng trăm hàng ngàn kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, công nhân xây dựng, nhân dân địa phương, các cơ quan ban ngành đã đóng góp hàng vạn ngày công trong 9 năm trời (2004 – 2013) vật lộn với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung để hoàn thành công trình có một không hai của ngành y tế.
 
d2024122404 3

Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử mà còn là biểu tượng cho tinh thần y đức và triết lý sống cao đẹp. Bức tượng vị đại danh y lưng tựa núi, mặt hướng sông là minh chứng cho sự kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa y học và triết học, giữa quá khứ và hiện tại.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà khoa học và công nghệ y học không ngừng phát triển, những lời răn của bậc tiền bối càng trở nên quan trọng. Tư tưởng "Lương y như từ mẫu" đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ thầy thuốc sau này và vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành y học hiện đại,

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản vô giá, bao gồm tri thức y học cổ truyền, triết lý đạo đức nghề nghiệp, phương pháp chữa bệnh từ thảo dược và tinh thần học tập suốt đời. Và hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản này không chỉ dừng lại ở việc tôn tạo các công trình mà còn là sự lan tỏa những giá trị đạo đức, tri thức mà Hải Thượng Lãn Ông đã để lại. Đó là thông điệp vượt thời gian về tình yêu con người, trách nhiệm với cộng đồng và khát vọng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xuân Thắng
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn

Link gốc: Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Di sản y học và văn hóa trên quê hương Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây