Vườn Di sản ASEAN - Nơi bảo tồn hệ sinh thái độc đáo cho khu vực

Thứ năm - 10/12/2020 06:13
Việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực.
Theo đó, các Bộ trưởng về Môi trường của ASEAN đã ký kết Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn Di sản ASEAN và nhất trí rằng: "Hợp tác chung là cần thiết để bảo tồn và quản lý các Vườn di sản ASEAN nhằm đảm bảo cho sự phát triển và thực hiện bảo tồn khu vực và kế hoạch hành động quản lý cũng như các cơ chế bổ sung cho nỗ lực của các quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp bảo tồn".
 
T2020121002
Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN năm 2019. (Ảnh: Huy Tùng)

Khu vực ASEAN là một khu vực có tính đa dạng sinh học cao với hơn 20% số loài được ghi nhận có giá trị toàn cầu, tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những áp lực và các mối đe doạ đến đa dạng sinh học từ hoạt động phát triển.

Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Hiện nay, đã có tổng cộng 46 địa danh được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Trong đó, năm 2003, Việt Nam có 4 Vườn Di sản ASEAN đầu tiên là Vườn Quốc gia Ba Bể, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Vườn Quốc gia Chư Mom Rây và Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

9 năm sau đó, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Tới năm 2016, Việt Nam có thêm Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Và năm 2019, Việt Nam có thêm 4 Vườn Di sản ASEAN. Đó là, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; Vườn Quốc gia Vũ Quang; Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.

Sự kiện này đã nâng tổng số Vườn Di sản ASEAN của Việt Nam lên 10 vườn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thành viên có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất trong khu vực.

Không thể phủ nhận quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng là một thách thức lớn khi phải đối mặt với sự suy giảm đa dạng sinh học. Một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là giảm thiểu suy thoái đa dạng sinh học.


Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN.

Do đó, Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 đã tạo ra cơ sở về pháp lý và chính sách cần thiết cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới các Mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học.

Vì thế, việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực.

Cùng với việc nhiều khu vực được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, một số kết quả khác như diện tích các khu bảo tồn có tăng lên, một số loài nguy cấp đã được phục hồi và tái thả lại tự nhiên; nhiều khu bảo tồn có ý nghĩa quốc tế được công nhận như khu di sản thiên nhiên ASEAN, khu đất ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, nhiều cây xanh được công nhận là cây di sản có giá trị bảo tồn và văn hóa cao… cũng cho thấy công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lựa chọn các hồ sơ của các Vườn quốc gia có tiềm năng khác của Việt Nam để trình các Bộ trưởng môi trường ASEAN xem xét, công nhận.

Phương Bùi
Theo Lao động thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây