Lần này là theo lời mời của Phan Duy An, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch): “Quê hương giờ thay da, đổi thịt” nhiều rồi anh!”.
Ấm tình đất, tình người
Cách đây độ chục năm, theo chủ trương của UBND tỉnh, Báo Quảng Bình nhận giúp đỡ xã nghèo Quảng Thạch. Vào những dịp “Tết đến, Xuân về” chúng tôi lại ra thăm Quảng Thạch. Phan Duy An lúc đó là Bí thư xã đoàn, bây giờ An giữ chức Chủ tịch UBND xã. Mỗi dịp như vậy, quà tặng người dân chiến khu Trung Thuần dành cho Báo Quảng Bình đơn giản chỉ là vài cân tiêu, đặc sản quê nghèo mà sao nghe ấm lòng đến lạ!
Đỉnh núi Chóp Chài, nơi phát hiện giống sâm Bố Chính tiến vua.
Ngồi với Phan Duy An, nhắc lại chuyện xưa, An bảo: “Cây hồ tiêu vẫn là cây chủ lực của xã đó anh. Sản lượng hồ tiêu đạt đến 55 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2019. Về tổng quan, Quảng Thạch vẫn thuần nông, tuy nhiên, định hướng sâu hơn, ưu tiên lĩnh vực kinh tế vườn, vườn đồi, nông trại, trang trại kết hợp trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Đặc biệt, xã khuyến khích con em quê hương tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động. Trong tổng số gần 400 người làm ăn xa có 180 lao động đi nước ngoài. Đây chính là nguồn lực quan trọng góp phần giúp Quảng Thạch thay đổi, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang”.
Mặc dù chịu ảnh hưởng chung do đại dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt nhưng năm 2020 kinh tế-xã hội của xã Quảng Thạch vẫn phát triển ổn định, trong đó cơ sở hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn để kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, trường học… với trên 22 tỷ đồng. Tổng thu nhập toàn xã đạt gần 128 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, tăng 14% so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 5,8%...
Chủ tịch UBND xã Phan Duy An chân tình: “Có lẽ vùng đất chiến khu Trung Thuần vẫn còn nguyên vẹn “khí thiêng sông núi”, người Trung Thuần chân chất, hồn hậu… nên cây sâm Bố Chính, một loài sâm quý tưởng chừng đã biến mất lại được tìm thấy trên đỉnh núi Chóp Chài.
Việc phát hiện sâm Bố Chính Chóp Chài cùng với quá trình thành lập Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính để bảo tồn, phát triển nguồn ren sâm quý trên địa bàn đã mở ra cho Quảng Thạch một hướng phát triển kinh tế mới trong tương lai”.
Hồi sinh giống sâm quý trên vùng đất chiến khu
Trở lại với chuyến “thượng sơn” lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm Bố Chính hồi đầu năm, Nguyễn Văn Phương, một chủ trang trại trẻ trong vùng chiến khu Trung Thuần là người dẫn đường cho tôi. Qua hàng chục lần lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm, Phương đã xác định, khoanh vùng trong khoảng bán kính 10km có sự phân bố của sâm Bố Chính.
Bây giờ Nguyễn Văn Phương là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính, phụ trách mảng kỹ thuật. Vốn điều lệ ban đầu của Công ty 4 tỷ đồng.
Trực thuộc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính có 2 đơn vị chuyên môn là Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng và bảo vệ sâm Bố Chính Chóp Chài tại xã Quảng Thạch do Nguyễn Văn Phương phụ trách và Xưởng sản xuất, chế biến dược liệu tại thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương do Lương y Trần Lý Minh, Chủ tịch Hội Đông y huyện Quảng Trạch đảm nhận.
Việc bảo tồn thành công giống sâm Bố Chính sẽ góp phần tạo ra sự đổi thay cho vùng đất nghèo Trung Thuần.
Về với vùng đất Trung Thuần lần này, tôi được Nguyễn Văn Phương dẫn đi thăm khu Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng và bảo vệ sâm Bố Chính Chóp Chài.
Sau một năm đi vào hoạt động, hơn 5ha đất bằng phẳng, ngọt lành dưới chân núi Chóp Chài, có độ cao hơn 600m so với mặt nước biển đã bao phủ giống sâm từ đỉnh Chóp Chài “hạ sơn”, bén duyên để sinh sôi, đơm hoa và được khai thác “hạn chế” với mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nguyễn Văn Phương cho biết: “Qua rồi những bộn bề khó khăn của buổi ban đầu tìm kiếm, nhân giống, trồng thử nghiệm, đem mẫu sâm đi giám định… Hiện tại, giống sâm quý thực sự bén duyên với vùng đất Trung Thuần.
Thương hiệu sâm Bố Chính tự nhiên núi Chóp Chài gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu khoa học và những người chuyên sâu về sâm. Hy vọng tương lai không xa, sâm Bố Chính tự nhiên-loại sâm tiến vua của vùng đất gió Lào, cát trắng Quảng Bình sẽ bảo tồn, gìn giữ, phát triển”.
Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Phan Duy An, anh chia sẻ: “UBND xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính thực hiện lộ trình mở rộng diện tích bảo tồn, phát triển sâm Bố Chính.
Xã Quảng Thạch cùng với công ty và các ngành chức năng huyện Quảng Trạch, Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch quy hoạch khoảng 15ha đến 20ha rừng tán lá che trong phạm vi sâm Bố Chính mọc tự nhiên thành khu vực rừng bảo tồn, giúp cây sâm Bố Chính tự nhiên nhân rộng”.
Ngày xuân, cùng Chủ tịch xã Quảng Thạch Phan Duy An và Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính say câu chuyện về giống sâm, Nguyễn Văn Phương thông báo thêm một thông tin bất ngờ: “Em lại vừa phát hiện thêm một vùng sâm mọc tự nhiên ngay trên đỉnh núi Chóp Chài. Lần này diện tích phân bố rộng hơn, giống sâm có độ tuổi cao hơn. Trong tương lai, chắc chắn cuộc sống người dân nơi chiến khu Trung Thuần sẽ vững vàng, bắt đầu từ việc nhận trồng, chăm sóc, bảo tồn và phát triển sâm Bố Chính”.
Box: Về sâm Bố Chính, loài sâm tiến vua, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: “Châu Bắc Bố Chính có 75 xã, thôn, phường, sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong... Nhân sâm sản xuất ở các xã Phù Lưu, Tiên Lễ, châu Bắc Bố Chính, hoa màu tía, trồng trong chậu cát cũng sống, chưng phơi đúng phép thì tình trạng chẳng khác gì sâm bắc, mùi thanh ngọt, uống vào cơ thể tăng thêm khí lực, người ta dùng nhiều”.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Bình sâm tức nhân sâm Nam, sản xuất ở núi Thành Thang huyện Minh Chính, có lệ tiến vua”. Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục cũng nhắc đến sâm Bố Chính hàng năm được cung tiến vua cùng với các loại sản vật khác nơi vùng đất miền Trung nắng gió.