Ấm tử sa là một loại ấm pha trà được làm bằng một loại đất đặc biệt và được nung ở nhiệt độ cao, không tráng men. Về căn bản ấm được gọi là tử sa vì loại ấm này thường có màu tím, xuất phát từ vùng Nghi Hưng, Trung Quốc.
Loại ấm được nhiều người đam mê trà săn lùng bởi vì loại ấm này có những công năng khiến trà ngon hơn. Bên cạnh đó, chúng còn có thiết kế khá cầu kỳ và đẹp mắt.
Nguồn gốc của ấm tử sa
Tương truyền rằng, ngày xưa ấm trà vốn dĩ là một công cụ pha trà dành cho dân thường, bởi họ pha trà lá. Còn tầng lớp quý tốc thường dùng một loại trà cao cấp hơn là ‘bánh trà’. Bánh trà là loại trà được đóng bánh. Nghi thức uống trà bánh rất kỳ công vì phải tách lá trà từ bánh, sau đó nghiền thành bột và trộn với nước sôi để uống. Trước thời nhà Minh thì những bánh trà như vậy cực kỳ phổ biến, thậm chí bánh trà được xem là một dạng tiền tệ dùng để trao đổi hàng hoá.
Khi vua Chu Nguyên Chương lên làm vua vào thế kỷ 14, một trong những cải cách của ông đó chính là cấm việc lưu hành bánh trà. Chu Nguyên Chương vốn dĩ có xuất thân nông dân, ông lại đi tu trước khi khởi nghĩa và giành được ngôi báu nên luôn đề cao lối sống thanh đạm, tối giản. Trong khi đó, việc pha trà từ bánh trà quá phức tạp và cầu kỳ, vị vua này đã yêu cầu tất cả phải phải uống trà từ lá trà. Dần dần, những người yêu trà từ tầng lớp quý tộc cho đến dân thường đều phải dùng ấm để pha trà thay vì trà bánh như trước kia.
Trong số những vùng gốm sứ phát triển nhờ nhu cầu mới này thì vùng Nghi Hưng nổi tiếng nhất. Nhu cầu sử dụng ấm trà tử sa từ Nghi Hưng ngày càng nhiều. Nhiều lò làm ấm mọc lên ở nơi đây. Sau này Nghi Hưng được gọi là thành phố của ấm trà.
Mặc dù ở Nghi Hưng người ta khai thác được nhiều loại đất với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng nhu cầu lúc bấy giờ là ấm to để pha được nhiều trà. Bởi vậy chỉ có ‘đất tím’, hay còn gọi ‘tử sa’ hoặc ‘tử nê’ mới nung ra được ấm to hiệu quả nhất. Những người thợ vùng Nghi Hưng chỉ dùng đất ‘tử sa’ để làm ấm, thế nên khắp Trung Quốc người ta gọi luôn là ‘ấm tử sa’ chứ không gọi theo cái tên ấm Nghi Hưng.
Công dụng của ấm tử sa
Giữ nhiệt: Giữ nhiệt có thể được xem là công năng cần được nhắc đến đầu tiên của ấm tử sa. Trong tất cả các loại nguyên liệu làm ấm phổ biến như sứ, thuỷ tinh hay kim loại (inox hay bạc) thì ấm tử sa đứng đầu về khả năng giữ nhiệt.
Khả năng giữ nhiệt là yếu tố quan trọng khi pha một ấm trà ngon. Một số nhóm trà như Phổ Nhĩ, nham trà hay hồng trà cần được pha ở nhiệt độ cao gần 100 độ C.
Khi rót nước sôi vào ấm tử sa, nhiệt độ nước sẽ giảm ở một tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những vật liệu làm ấm phổ biến khác. Pha trà bằng ấm tử sa nhờ vậy mà giữ đủ lượng nhiệt ổn định để chiết lấy đầy đủ hương vị trà.
Trong một nhiên cứu vào năm 2013, các nhà khoa học nhận thấy là đất tử sa giống như ‘con lai’ giữa gốm thường và sứ. Gốm được làm từ đất sét, có khả năng giữ nhiệt cao nhưng bề mặt không đẹp và độ bền uốn kém. Còn sứ được làm từ một loại đất sét trắng có tên là cao lanh. Khả năng giữ nhiệt kém hơn gốm nhưng bù lại có bề mặt đẹp (nhẵn nhụi) và độ bền uốn cao.
Khả năng giữ nhiệt của ấm tử sa không chỉ đến từ vật liệu làm nên ấm mà còn đến từ các ‘khí khổng’ hay những ‘lỗ chân lông’ bên trong bề mặt ấm.
Những ‘khí khổng’ có khả năng phân tán nhiệt giúp hạn chế quá trình dẫn nhiệt. Không chỉ giúp giữ nhiệt mà những ‘khí khổng’ này còn được tin là có khả năng ‘lưu giữ hương vị trà’.
Lưu hương vị trà: Đất tử sa về cơ bản cũng chính là đất sét, mà đất sét khi nung thì thì sẽ tạo nên những ‘khí khổng’ hay những ‘lỗ chân lông’ rất nhỏ trên bề mặt của ấm.
Điều này có nghĩa là khi trà được pha bằng ấm tử sa thì các thành phần tinh dầu của trà sẽ ‘thấm’ dần vào trong ấm. Nhờ vậy mà ấm tử sa càng dùng lâu thì lưu hương lại càng nhiều và trà pha ra lại càng ngon.
Cả bề mặt bên ngoài và bên trong ấm đều có ‘khí khổng’ nhưng có sự khác nhau về hình dạng và kích thước của những ‘lỗ chân lông’ trên bề mặt bên ngoài và bên trong ấm.
Bên ngoài ấm thì ‘khí khổng’ có hình dạng đều và kích thước nhỏ. Mật độ khí khổng trên diên tích mặt ngoài ấm rơi vào khoảng 5 đến 9 %, nhờ vậy mà mặt ngoài ấm vẫn phần nào nhẵn nhụi và có tính thẩm mỹ.
Khi đi vào bên trong lòng ấm thì các khí khổng này bắt đầu to ra và hình dạng dài như những ‘đường hầm’ nối thông với nhau. Và mật độ trên diện tích lòng ấm rất cao lên đến 15 đến 17%
Bởi vậy nên mỗi chiếc ấm tử sa chỉ nên pha một loại trà mà thôi, vì nếu pha lẫn lộn có thể khiến hương vị trà này lẫn vào hương vị trà khác.
Thay đổi hương vị trà: Một trong những lý do khiến ấm tử sa được một số người yêu trà ưa chuộng, đó chính là khả năng làm thay đổi hương vị trà, hay nói một cách đơn giản là làm trà ngon hơn.
Ngon hay dở là tuỳ theo cảm nhận chủ quan của từng người và đôi khi còn do tâm lý nữa. Một số người trong chúng ta thường có xu hướng ‘thiên vị trong lựa chọn’.
Trong một nghiên cứu của Đài Loan, họ so sánh việc ảnh hưởng lên hương vị trà giữa ấm tử sa với các chất liệu khác, đó là: thép không rỉ, sứ, thuỷ tinh và nhựa plastic, loại trà dược thử là trà Ô Long.
Hương vị do con người đánh giá thì sẽ có tính chủ quan cao và có thể không chính xác. Nên các nhà nghiên cứu đo những thành phần hoá học của trà khi pha ấm làm bằng từng chất liệu kể trên.
Nghiên cứu cho thấy, nước trà pha trong ấm tử sa sẽ ít đắng hơn, do ít thành phần caffeine và một số chất tạo vị đắng khác. Bên cạnh đó, hậu vị tốt hơn do tạo nhiều EGC và giúp đẩy các chất dễ bay hơi ra nhiều hơn nên trà sẽ thơm hơn. Kết luận cuối cùng là ấm tử sa vẫn là pha trà ngon nhất.