Hoành Sơn Quan, ai quản lý?

Thứ năm - 28/09/2023 07:05
Di tích lịch sử Hoành Sơn Quan đang xuống cấp, nguy cơ trở thành phế tích bởi câu chuyện giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh nhiều năm chưa được giải quyết, thành ra không ai quản lý. Theo thư tịch cũ triều Nguyễn, năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan, dựng trại lính ở phía Nam, giao Bố Chính quản lý cửa thành để kiểm soát người vào, ra vùng đất Thuận Hóa.
Năm 2002, tỉnh Quảng Bình xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. 3 năm sau, tỉnh Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Sau đó, cả hai tỉnh đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích quốc gia”, nhưng đều chưa được chấp thuận...

Vậy là từ đó đến nay, Hoành Sơn Quan có “thân phận kép” là di tích của... hai tỉnh. Và dù được hai tỉnh nhận là của tỉnh mình nhưng Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo bời bời lau trắng, nắng mưa mòn mỏi e rồi sẽ chìm vào quên lãng bởi không được chăm nom, bảo vệ. Có lần, người dân đã xây dựng công trình trái phép ngay sát chân di tích, mãi mới xử lý, tháo dỡ được...
 
D2023092718
Hoành Sơn quan bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: baoquangbinh.vn 
 
Cách Hoành Sơn Quan hơn 300km về phía Nam trên Quốc lộ 1 là Hải Vân Quan, cũng từng rơi vào tranh chấp kéo dài giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng đã bàn bạc, phối hợp đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Hải Vân Quan là “Di tích quốc gia” thuộc hai địa phương này. Bằng xếp hạng ghi rõ: “Hải Vân Quan-Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế-Phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng”. Sau đó, dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được triển khai, tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng, mỗi bên đóng góp một nửa.

Có tiền lệ như vậy, sao hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, cùng các cơ quan chức năng không vận dụng làm theo?

Năm xưa, ai đã vẽ đường ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh mà chỉ dựa vào đường phân thủy chứ không xét đến các yếu tố văn hóa-lịch sử nên để lại hệ lụy trớ trêu này. Đường ranh giới đó chỉ tồn tại trên bản đồ và có thể dịch chuyển, thay đổi bằng các quyết định hành chính nhà nước. Mong rằng, không còn những đường ranh giới khác nữa trong tâm trí của những người có thẩm quyền với việc này!
 
TRẦN HOÀI
Theo QDND.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây