Sự tích về “thần đá”
Câu chuyện hòn đá ban phước và chỉ đường tìm vật nuôi thất lạc đã lan truyền nhiều năm nay. Không chỉ người dân xã Thanh Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) mà nhiều người ở các tỉnh xa cũng đã tìm về cầu “thần đá” ban cho điều mà mình mong muốn.
Hòn đá được người dân “xưng thần” nằm trong khuôn viên khoảng 800m2, có nhiều cây cổ thụ rậm rạp tại xóm Thanh Bình, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), được bao bọc trong bốn bức tường rào bằng xi măng, có mái che bằng tôn. Trên nền lát gạch hoa có ban thờ được xây kiên cố, bày đầy đủ nhang đèn, lư hương, hoa quả để cúng tế.
“Thần đá” là một khối đá lộ thiên, có chiều dài khoảng 1,6m, chiều rộng khoảng 0,9m, chiều cao từ mặt đất lên khoảng gần 1m, có hình dáng giống lưng con rùa.
Hòn đá phủ rêu được người dân xưng "thần" - Ảnh: Quang Cường
Cụ Lê Đình Luyện (86 tuổi, ở xóm Thanh Bình, xã Thanh Lộc) kể lại, thuở xưa nơi đây là một khu rừng rậm rạp. Hòn đá mà người dân tin thờ nằm dưới những gốc cây cổ thụ quanh năm có bóng mát che phủ. Từ khi người dân tin rằng hòn đá có một linh lực nào đó giúp họ tìm được vật nuôi thất lạc và ban sự may mắn, họ kính cẩn gọi hòn đá này bằng những cái tên là “thần đá”, “cụ đá” hay là “ngài”.
“Tôi năm nay đã 86 tuổi rồi, nhưng từ khi còn bé đã nghe người ta kể về “ngài”. Thời cha ông tôi cũng đã tin thờ “ngài”. “Ngài” rất thiêng, người dân trong làng đều rất kính cẩn đối với “ngài”, khi có chuyện khó khăn đều đến cầu khấn. Từ xưa đến nay chưa có ai dám làm gì bậy bạ trong khuôn viên khu vườn của “ngài”, cụ Luyện kể.
Cụ Luyện kể lại một câu chuyện từ rất lâu rồi, có một người ở làng này được cử đi làm quan ở xứ miền Nam. Khi rời quan trường, vị này quay về làng sống. Một hôm gia đình vị quan hưu này bị mất con lợn to, cả nhà đi tìm mấy ngày không được.
Lúc đó, có một người giúp việc cho nhà quan hưu này ở gần nơi hòn đá “linh” nên mách cho gia chủ mua lễ vật là hương, trầu cau và vàng mã đến cầu “thần đá” chỉ đường tìm lại con lợn. Vị quan hưu làm theo, bỗng nhiên mấy ngày sau có người trong làng đến báo tin con lợn của nhà này đi lạc có người làng bên bắt nhốt lại. Vị quan hưu đi xin lại con lợn, rồi về mua lễ vật đến cảm tạ “thần đá”.
Cụ Lê Đình Luyện kể về sự tích hòn đá "thần" và những câu chuyện người dân đến cầu khẩn "ngài" - Ảnh: Quang Cường
Từ đó, người dân trong xã này ngày càng tăng thêm lòng tin đối với hòn “đá thần” này. Khi trong làng có nhà bị mất con trâu, con bò, gia chủ mang hương và trầu cau đến cúng, xin “ngài” chỉ cho đường đi tìm.
Theo cụ Luyện, đã có rất nhiều người nhờ “thần đá” mách bảo mà tìm lại được vật nuôi thất lạc. Họ tin rằng, sau khi cúng lễ cầu khấn “thần đá” thì “ngài” sẽ xui khiến cho ai đó đến chỉ cho chủ nhân hướng đi tìm vật nuôi thất lạc, và sẽ tìm ra.
Cụ Luyện nói: “Ai cầu gì khác thì không biết chứ cầu xin tìm vật nuôi thất lạc và xin thượng lộ bình an thì đều được “ngài” giúp đỡ. Trong làng ai sắp đi làm ăn xa đều đến cầu “ngài” phù hộ”.
Xây bàn thờ… hòn đá
Người dân ở xã Thanh Lộc cho biết, qua hàng chục năm, lòng tin của người dân nơi đây đối với hòn đá ngày càng cao. Hòn đá mà ngày xưa, những thế hệ trước của làng gọi là “Bản thổ”, thì ngày nay con cháu của họ coi như là sự hiển hiện của một vị thần linh.
Khi phóng viên có mặt tại địa điểm thờ “thần đá” thì gặp anh Phan Đình Tiêu (45 tuổi, trú tại xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang soạn lễ để cúng cầu “thần đá” giúp đỡ.
“Ngày hôm qua 1 con trâu mẹ, 4 con trâu con của gia đình tôi xổng chuồng đi đâu không biết, tôi đã nhờ nhiều người đi tìm giúp nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Nghe người ta nói về sự linh thiêng của “thần đá” nên tôi mua ít lễ đến nhờ “ngài” chỉ lối để nhanh chóng tìm được trâu về”, anh Tiêu nói.
Một bạn trẻ đến dâng hương, đốt vàng mã để xin "thần đá" ban phước - Ảnh: Quang Cường
Ông Nguyễn Khánh, Trưởng ban văn hóa xã Thanh Lộc cho hay, hiện nay không chỉ người dân đến cầu “thần đá” để tìm vật nuôi thất lạc mà còn có nhiều người đến cầu bình an, cầu làm ăn thuận lợi. Sĩ tử trước kỳ thi muốn có thêm tự tin và hy vọng đỗ đạt cũng đến thắp hương cầu “ngài”.
Ông Khánh cũng cho biết, hơn 10 năm có người nhà của ông cũng đã từng được “thần đá” mách bảo cho cách tìm lại con ngựa đi lạc hơn 3 tháng.
Cụ Lê Đình Luyện cho hay, khoảng 10 năm trước, có một người trong làng làm lãnh đạo huyện về hưu, vì tin thờ “ông đá” nên tự nguyện bỏ tiền cùng với sự đóng góp của nhiều người trong xã để xây ban thờ, làm mái che và tường bao xung quanh.
Đáp ứng nguyện vọng của người dân, chính quyền xã Thanh Lộc giao cho Hội người cao tuổi của xã quản lý khu thờ “thần đá” này. Hội người cao tuổi và nhân dân thống nhất chọn ngày rằm tháng giêng làm ngày lễ tế “ngài”.
Vì số người đến cúng cầu ngày càng tăng nên Hội người cao tuổi của xã lập một hòm công đức, có một ban của Hội quản lý, lấy tiền công đức để tu bổ khuôn viên và khu thờ “thần đá”.
Khuôn viên nơi thờ "thần đá" được xây dựng từ tiền công đức, do Hội người cao tuổi xã Thanh Lộc quản lý - Ảnh: Quang Cường
Các cụ trong hội người cao tuổi của xã Thanh Lộc cho biết, có khi mở hòm công đức thấy có phong bì tiền ghi địa chỉ của người ở tận Hà Nội, Hải Phòng.
“Đó là lòng tin của người dân từ lâu đời, việc người dân cầu xin tìm trâu bò thất lạc, hay xin đi đường bình an, xin thi cử đỗ đạt đã tồn tại lâu nay. Chính quyền xem đây là một điểm tâm linh, không cấm được”, ông Nguyễn Khánh, cán bộ văn hóa xã Thanh Lộc cho hay.