Hà Tĩnh: Chuyện lạ về 'cây thần' có chục đàn ong làm tổ

Thứ tư - 19/09/2018 14:50
Một cây cổ thụ tại rừng Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thuộc khu vực biên giới Việt - Lào, nhiều năm lại đây xuất hiện hàng chục đàn ong về làm tổ, nhưng không ai dám lấy mật, vì họ cho rằng, đụng vào “cây thần” sẽ chuốc lấy tai họa khủng khiếp!

 

Hà Tĩnh: Chuyện lạ về 'cây thần' có chục đàn ong làm tổ - Ảnh 1

Một chùm tổ ông vừa mới hình thành (màu đen), một chùm tổ ông đã nở bỏ lại vỏ tổ (màu trắng) trên một góc cành "cây thần"

 

Để tiếp cận được với “cây thần”, chúng tôi được anh Lê Xuân Cảnh, một người dân làm nghề sơn tràng ở xã Phú Gia huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) dẫn theo đường rừng tại khu vực đền Ngàn Trụ, thuộc vùng biên giới bản Phú Lâm, xã Phú Gia.

Mặc dù rừng ở đây đã bị chặt phá hầu như cạn kiệt, nhưng xung quanh ngôi đền Ngàn Trụ hầu như vẫn còn nguyên vẹn cả quần thể thực vật tự nhiên. Trong đó có “cây thần” còn được biết đến là cây Mít nài, mọc thẳng đứng, có đường kính gần 3 mét, cao gần 40 mét, với tán lá rộng che rợp cả một khoảng rừng lớn với chu vi hàng chục mét.

Hà Tĩnh: Chuyện lạ về 'cây thần' có chục đàn ong làm tổ - Ảnh 2

Một tổ ong lớn ước khoảng 18 lít mật trên "cây thần" 

 

Rất lạ là mặc dầu vào thời điểm cuối tháng 9 thường đã quá mùa ong rừng, nhưng trên "cây thần" vẫn còn nhiều tổ vừa mới xây óng lên rực rỡ màu đỏ mật; có nhiều tổ mặc dù đã trưởng thành tự ăn hết mật bay bỏ lại xác vỏ tổ trên cánh lá như những bông màu trắng hoa khổng lồ.

Được biết, ở xã Phú Gia có rất nhiều người dân làm nghề đi lấy mật ông rừng, không những chỉ khai thác tại rừng địa phương mà thậm chí họ còn sang Lào khai thác. Họ thừa biết lượng mật ong trên "cây thần" là rất nhiều, nếu khai thác hết từ đầu mùa thường bắt đầu từ tháng tư lại nay có thể thu hoạch được hàng trăm lít mật, nhưng không ai dám đụng cả. 

Hà Tĩnh: Chuyện lạ về 'cây thần' có chục đàn ong làm tổ - Ảnh 3

"Cây thần" phía sau ngôi đền Ngàn Trụ 

 

Ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: Cây Mít nài trên có tuổi thọ gần 200 năm, do nằm trong khu vực đền Ngàn Trụ là di lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh được quản lí chặt nên không bị chặt phá. Người dân địa phương đều có ý thức bảo vệ ngôi đền này nên từ trước tới nay không ai tự động lấy gì ở đây. Trong lúc đó rừng nguyên sinh ngày càng cạn kiệt nên rất có thể đó cũng là nguyên nhân ong tập trung về làm tổ.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây