4 ngày nghỉ lễ tết dương lịch, chúng tôi về thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Khắp làng trên xóm dưới, mọi ngõ ngách con đường ở Tân Lạc đều thoang thoảng mùi hương, nhộn nhịp với nghề truyền thống lâu đời làm hương trầm.
Cứ vào dịp giáp tết Nguyên đán, cả thị trấn Tân Lạc nhà nhà chất đầy “mùi hương trầm”. Để cung cấp cho thị trường hương tết, bà con làng nghề ở đây phải làm hàng trước đó từ mấy tháng. Khi có ngày nghỉ, dịp lễ là cả gia đình trong làng nghề này làm cả đêm, cả ngày. Mặt hàng hương trầm Quỳ Châu được nhiều nơi ưa chuộng, do vậy đến dịp này hầu như nhà nào cũng “đầy” hóa đơn đặt hàng.
Từ giữa tháng 11, người dân Quỳ Châu đã bắt đầu hối hả thu hoạch cây hương rừng để chuẩn bị làm hương tết
Những ngày qua, thật tình cờ chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận nghề làm hương truyền thống độc đáo ở Tân Lạc, ở đó hầu như chỉ có phụ nữ và trẻ em trực tiếp “làm ra mùi thơm truyền thống”. Đứng giữa làng nghề hương trầm, thưởng thức mùi hương đầm ấm thú vị cùng với không khí làm việc nhộn nhịp của dân cư vùng hương trầm khiến chúng tôi có cảm giác như ngày tết đã đến rất gần.
Sau khi thu hoạch, rễ cây hương được phơi khô rồi giã thành bột để làm nguyên liệu chính cho cây hương, công việc này thường để nam giới làm.
Theo người dân ở vùng này, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 40 năm về trước. Hiện toàn huyện Quỳ Châu có 7 làng nghề hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn sản xuất hương, trong đó riêng thị trấn Tân Lạc có 2 làng nghề sản xuất hương trầm với gần 200 hộ, bình quân mỗi năm cung cấp hàng triệu cây hương ra thị trường khắp cả nước.
Giấy quấn hương chuẩn bị thành phẩm hương trầm
Mùa hương trầm được bắt đầu từ giữa tháng 9 âm lịch. Tuy nhiên, đến những ngày sát Tết thì người làm hương càng tấp nập và khẩn trương hơn, nhiều gia đình làm từ 600.000 - 1.000.000 cây hương trong một mùa. Tại Quỳ Châu có hẳn vùng nguyên liệu riêng, vị hương riêng nên không có nơi nào có thể làm giả được loại hương trầm nổi tiếng tại vùng này.
Tre làm ruột cây hương phải được phơi thật khô để giúp cây hương không bị tắt lúc đang cháy
Trao đổi với đại diện cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan, khối 2A, TT Tân Lạc, Quỳ Châu về chuyện tại sao nhiều phụ nữ và trẻ em làm nghề này, thì chúng tôi được người chủ cho biết: “Để có được những cây hương đẹp, mùi thơm đặc biệt tạo nên thương hiệu như ngày nay, đòi hỏi những người làm hương phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn se (quấn) hương để tạo thành que hương hoàn thiện. Những công việc này chỉ có người phụ nữ và trẻ nhỏ khéo tay mới làm được, chứ đàn ông chỉ làm những việc nặng khác như: trồng hương liệu, chở nguyên liệu…
Các chú về Tân Lạc vào những ngày này, các chú sẽ thấy, trẻ con ở đây chăm chỉ làm việc lắm, phụ giúp cha mẹ trong những ngày nghỉ lễ. Bình thường các em cũng hì hục phụ giúp cha mẹ vào thời gian rảnh, chứ không được đi chơi ngày lễ như trẻ em phố xá đâu. Cũng chính nhờ nghề “mẹ truyền con nối” nên thế hệ sau làm hương trầm rất giỏi, nhanh mà vẫn giử được mùi hương độc đáo, đặc trưng của vùng núi Qùy Châu này. Hương trầm Qùy Châu, hiện nay đã có mặt ở khắp nơi kể cả thủ đô Hà Nội, Sài Gòn xa xôi… nơi đâu cũng có thương hiệu hương trầm Quỳ Châu".
Những ngày này, cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan đã phải huy động 20 nhân công làm việc liên tục để chuẩn bị cho các đơn đặt hàng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em gái.
Bàn tay khéo léo của người phụ nữ cuốn hương trầm
Để có được búp hương đẹp, người phụ nữ Quỳ Châu phải cầu kỳ trong từng công đoạn
Cũng có một số em nam đến các cơ sở sản xuất hương để làm kiếm thêm thu nhập trong những ngày nghỉ lễ. Mỗi buổi như thế các em được trả công 50.000 đồng/người.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn