Nhắc đến Hội An – một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, một vùng ven biển tỉnh Quảng Nam người ta sẽ nghĩ ngay đến những kiến trúc truyền thống phân bố theo những trục phố nhỏ hẹp, hình ảnh một khu phố cổ với những hội quán, miếu, chùa mang dấu tích của người Nhật Bản và Trung Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà hai tầng mang kiến trúc Pháp.
Phố cổ Hội An cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống rất đáng tự hào như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng… nhưng làm nên dấu ấn độc đáo của khu đô thị cổ chính là nghề làm đèn lồng ở Hội An. Nghề làm đèn lồng Hội An được vinh danh là làng nghề tiêu biểu Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng năm 2011.
Thực ra nghề làm đèn lồng không chỉ mới được biết đến trong thời gian gần đây mà đã có hơn 400 tuổi. Vào khoảng thế kỷ 16, trong cuộc lánh nạn nhà Minh lật đổ nhà Thanh, những người Minh Hương đã được chúa Nguyễn cho định cư tại cảng thị Hội An. Những người lưu dân đến từ Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông… này đã treo những chiếc đèn lồng trước cửa cho thỏa lòng hoài vọng cố hương.
Theo những người Hội An kể lại “ông tổ” của nghề làm đèn lồng Hội An có tên là Xã Đường, chuyên làm đầu lân và lồng đèn cho những đêm hội. Tiếp thu kỹ thuật từ những chiếc đèn lồng xưa người Hội An đã cải tiến và sáng tạo để những chiếc đèn lồng ngày càng đa dạng.
Người có công đầu tiên trong việc làm sống lại chiếc đèn lồng là Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Ông là người đầu tiên phục chế và tạo dáng lại chiếc đèn lồng, đó là chiếc đèn lồng khung tre bọc vải ngày nay. Tài năng của ông đã được người Nhật để ý đến, và chính ông là nghệ nhân làm đèn lồng đầu tiên của Hội An được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn.
Nhìn những chiếc đèn lồng tre mộc mạc và bình dị được làm nên bởi hai nguyên liệu chính là tre và vải bọc nhưng mấy ai thấy hết được sự kỳ công từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến quy trình sản suất đèn lồng. Tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt người thợ phải nấu tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối, tiếp đến phơi khô, vót thành từng nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, tùy theo màu sắc của vải mà đèn sẽ mang những ánh sáng khác nhau. Quy trình làm đèn lồng gồm hai công đoạn chính: làm khung tre và bọc vải. Trước tiên những nan tre sẽ được gắn vào hai vòng gỗ để định hình khung và được kết nối bởi những sợi dây dù. Vải được cắt trước thành mảnh theo kích thước của đèn sau đó được dán lên những nan khung đã được bôi keo và được cắt tỉa những phần dư thừa. Để hoàn thành, chiếc đèn lồng Hội An sẽ được vẽ hay trang trí và cuối cùng là gắn chuôi vào để hoàn thiện sản phẩm.
Lồng đèn Hội An được đánh giá là mang những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt gồm có 9 kiểu dáng gồm các loại đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Ngoài ra còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc.
Lồng đèn Hội An ngày càng trở nên gần gũi thân quen hơn với mỗi con người và được sử dụng như vật dụng trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được nét đẹp sang trọng và rực rỡ vốn có trong các gia đình Việt. Sử dụng đèn lồng trang trí trong các ngày Lễ Tết, tiệc cưới trở thành nét văn hóa của người Việt. Do sự gần gũi một cách mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng mang phong cách cổ xưa, đèn lồng Hội An ngày càng được xuất hiện như vật dụng trang trí nội thất trong các khách sạn, nhà hàng, quán café…
Đèn lồng Hội An ngày nay không chỉ phô diễn màu sắc, hình dáng mà còn được biến tấu với nhiều kiểu như thêu ren gắn với biểu tượng, di tích văn hóa, lịch sử, thêu chữ thư pháp mang nét đẹp văn hóa truyền thống Việt đến với mọi gia đình đặc biệt là du khách Thế Giới. Ngoài những sản phẩm đèn lồng Hội An theo cách truyền thống còn có những loại đèn lồng có thể xếp gọn để thuận tiện cất giữ và dễ dàng mang đi xa.
Đèn Lồng Việt là một trong những cơ sở sản xuất đèn lồng ở Hội An với mong muốn đem đến những chiếc lồng đèn đẹp nhất, tốt nhất đến với người tiêu dùng cũng như mang bản sắc văn hóa truyền thống Việt đến với mọi gia đình và du khách quốc tế.
Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch.
Người dân ở đây tự hào nói rằng đi giữa phố cổ bốn mùa đều thấy có đèn lồng giăng mắc khắp nơi. Trước kia, đèn lồng loại không xếp lại được chỉ thấy có trong các nơi thờ cúng: đình, chùa, bàn thờ dòng họ, gia đình, nay lại thấy chúng có mặt trong các khách sạn, lễ hội, các cuộc thi đèn lồng. Các nghệ nhân tài hoa vẫn có dịp được phô diễn tài năng sáng tạo và đôi bàn tay vàng của họ. Phố cổ ngày một thêm cổ và được tỏa sáng, thăng hoa nhờ nghề làm đèn lồng./.
Sơn Thủy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng