Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê
Thời gian này, Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê có rất nhiều đoàn đại biểu, người dân, du khách thập phương đến tham quan, dâng hương tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500
Nhiều đoàn đại biểu, người dân, du khách đến dâng hương tưởng niệm nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3-1923 - 1/3/2023)
Trở lại những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn cam go, ác liệt (1966-1970), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã chọn thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê làm căn cứ chiến đấu.
Giai đoạn này, Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được đặt trong các nhà dân nhằm thuận lợi hơn trong bàn bạc thực hiện kế hoạch chiến lược, vận chuyển nhân lực, vũ khí, đạn dược kịp thời tiếp sức cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn bàn kế hoạch chuẩn bị cho các chiến dịch (ảnh tư liệu)
Trên cương vị công tác, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn phát huy hết tài năng, sức sáng tạo, thể hiện rõ bản lĩnh của chiến sỹ cách mạng kiên trung, đức độ, vị tướng tiêu biểu của Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Những chiến công vang dội của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đồng đội đã làm thất bại mọi âm mưu, chiến lược của kẻ thù, để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử chiến tranh của dân tộc Việt Nam.
Tháng 4/2019, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần, chính quyền và Nhân dân xã Hương Đô, huyện Hương Khê đã thành kính lập bàn thờ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt để tưởng nhớ, tri ân vị tướng tài năng, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Trong ký ức của nhiều người dân xã Hương Đô, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ghi dấu công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Để rồi sau này khi đất nước hòa bình, thống nhất và thực hiện công cuộc đổi mới, người dân luôn nặng lòng, tôn kính, dành tình cảm đặc biệt đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh ở xã Hương Đô cho biết, người dân nơi đây luôn tự hào vì trên quê hương có Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 gắn với những năm tháng hoạt động cách mạng vẻ vang của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
“Những cuộc gặp gỡ của tôi với đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dù là dưới các hầm hào, công sự hay đời thường mãi luôn ăn sâu vào ký ức, trở thành kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Tôi thường xuyên nhắc nhở, động viên con cháu noi gương, ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”, ông Nguyễn Văn Khánh tự hào chia sẻ.
Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tham quan tại khu di tích và tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3-1923 - 1/3/2023) vùng đất Hương Đô bừng lên sức sống mới. Khắp các làng quê rợp cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền. Người người, nhà nhà đoàn kết, hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
“Di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đón nhiều đoàn đại biểu, người dân, du khách đến tham quan, dâng hương tưởng niệm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng tầm giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho nhiều thế hệ”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hương Đô thông tin.
Link gốc: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-ve-noi-trung-tuong-dong-sy-nguyen-dat-so-chi-huy.html