Cây trồng chủ lực
Cùng đoàn đại biểu thăm mô hình sản xuất cam giỏi tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: "Khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển cây cam trên địa bàn rất nhanh. Điều này tác động 2 mặt rõ nét, vừa khơi dậy tiềm năng, khát vọng vươn lên làm kinh tế của nông dân các huyện bán sơn địa như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, vừa minh chứng chính sách của tỉnh, huyện đủ mạnh, góp phần giúp bà con tháo gõ khó khăn về giống, quy trình canh tác, hướng đến sản xuất an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững chúng ta đừng phá quy hoạch, đừng phá chỉ dẫn địa lý".
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cam tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
"Thực tế, việc liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Vì vậy, các địa phương cần phải phát huy, nhân rộng hình thức liên kết chuỗi này".
Ông Lê Quốc Thanh |
Giai đoạn 1998 - 2002, diện tích cam của Hà Tĩnh rất ít, thậm chí cây cam Bù gần như bị xóa sổ do bệnh vàng lá Greening.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 tổng diện tích cam toàn tỉnh đã tăng lên hơn 6.000ha (tăng hơn 3.500ha so với năm 2010); diện tích cho thu hoạch khoảng 4.000ha; sản lượng đạt gần 45.000 tấn/năm, trong đó sản phẩm phát triển mạnh nhất là cây cam chanh.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng có một số sản phẩm cây ăn quả có thương hiệu, trở thành cây hàng hóa như bưởi Phúc Trạch, cam Hương Sơn, Vũ Quang, Thượng Lộc (Can Lộc)…
Theo thống kê sơ bộ, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có khoảng 27.940ha cây có múi; trong đó có hơn 10.500ha cam. Riêng đối với cây cam, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm phần lớn diện tích sản xuất cam của các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, cây ăn quả có múi ở vùng Bắc Trung Bộ đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
"Do đó, việc xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu" - ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.
Mặc dù cây cam cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên người trồng cam đang gặp phải khó khăn về dịch bệnh làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng nhìn nhận, Hà Tĩnh và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nói chung đang cần các giải pháp phát triển cam bền vững, giúp bà con nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tăng trưởng về diện tích, sản phẩm, chất lượng nhưng phải đảm bảo độ an toàn; liên kết tiêu thụ sản phẩm phải bền vững để tránh tình trạng "được mùa rớt giá".
Giải đáp nhiều khúc mắc cho nông dân
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe các tham luận về liên kết tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam nói riêng, cây có múi nói chung.
Trong đó các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cam thông qua việc giải đáp các câu hỏi, khúc mắc của bà con nông dân; phân tích tình hình sản xuất, dịch hại trên cây có múi, định hướng công tác bảo vệ thực vật và mở cửa thị trường; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xúc tiến các loại quả có múi; tổng hợp kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, sau thu hoạch trong những năm gần đây và định hướng trong thời gian tới…
Anh Lê Phương - nông dân trồng cam ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: "Xác định sản phẩm tốt mới được nhiều người tiêu dùng tin tưởng nên chúng tôi luôn theo dõi cẩn thận cây cam từ quá trình ra hoa, kết trái cho đến khi thu hoạch. Bởi vậy, mỗi quả cam đều chứa bao tâm huyết, công sức của nông dân trồng cam. Cũng nhờ đó, thương hiệu cam Can Lộc ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được người dân khắp nơi tin tưởng và ưa chuộng".
Được biết, trong 3 năm 2017 - 2019, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thực hiện dự án "Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuối giá trị tại các tỉnh miền Trung".
Sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học cùng với những chính sách hỗ trợ về làm đường, kéo lưới điện, khoan giếng, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm… đã góp phần xây dựng thêm được 35 mô hình sản xuất cam, bưởi thâm canh áp dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tại 5 tỉnh. Trong đó, có 6 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.