Trường THCS Kỳ Ninh trong giờ vào học |
Học để... xuất khẩu lao động
Xã Kỳ Ninh nằm ở phía Đông của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), là 1 trong 9 xã nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng. Toàn xã có 2.248 hộ dân với 7.414 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên là 2.101,95ha. Thu nhập bình quân gần 34 triệu đồng/ người/năm.
Là xã có hơn 10 km bờ biển, có đền thiêng Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (một quý phi đời Trần, có công cùng vua Trần Duệ Tông đánh giặc Chiêm Thành), nên rất thuận lợi cho việc khai thác thủy hải sản và du lịch tâm linh.
Nghề nghiệp chính của người dân nơi đây chủ yếu là đi biển và làm ruộng. Mấy năm lại đây, nhiều người dân đã bỏ lại gia đình, con cái, giã từ quê hương, làng xóm, tìm kế sinh nhai bằng con đường xuất khẩu lao động. Có nhà cả bố lẫn mẹ ra nước ngoài, gửi lại con cái nhờ người thân chăm sóc. Toàn xã Kỳ Ninh hiện có 1.112 lao động đang kiếm kế mưu sinh tại Australia và Hàn Quốc.
Cũng chính xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống mà nhiều năm lại nay phong trào học tập của con em Kỳ Ninh chưa thật sự được chú trọng, thiếu sự quan tâm và định hướng đúng mực, vì thế chất lượng giáo dục không đạt được như mong muốn.
Tiếng kẻng vang lên giòn dã, lấn át tiếng sóng biển, báo hiệu đã đến giờ học bài |
Trước hết, dưới góc nhìn của phụ huynh, nhiều bậc làm cha làm mẹ ở đây quan niệm rằng, chỉ cần có bằng cấp để đi lao động nước ngoài là đủ. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường cũng không tìm được việc làm, cuối cùng cũng phải ra nước ngoài kiếm sống, đã chi phối rất lớn đến cách nghĩ thiếu tích cực này.
Vì lo bươn chải kiếm sống, lại không thường xuyên có mặt ở nhà nên sự quan tâm, định hướng của phụ huynh đối với học sinh còn nhiều hạn chế. Vì thế, sự học đang ở dạng được chăng hay chớ, không lấy việc học làm trọng.
Chưa kể đến những học sinh yếu kém, mà ngay cả những học sinh có học lực tốt cũng thờ ơ với việc học. Năm học 2017-2018, Trường THCS Kỳ Ninh có 9 em học sinh đậu vào đội tuyển, để bồi dưỡng thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng không chịu theo học.
Từ khi có tiếng kẻng, học sinh đã có ý thức và tự giác hơn trong học tập |
Sau nữa là nhận thức của đại đa số người dân Kỳ Ninh trong việc phát triển kinh tế bằng cách đi lao động nước ngoài (chủ yếu là lao động phổ thông). Đây chính là môi trường không tốt, có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu cũng như định hướng cho việc học của các em.
Nhìn chung, chất lượng học tập của học sinh Trường THCS Kỳ Ninh những năm gần đây mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp thua so với các trường bạn trong thị xã và trong toàn tỉnh. Đặc biệt, số lượng học sinh THPT đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng năm học 2017 - 2018 của xã Kỳ Ninh là 32%, trong khi mặt bằng chung của thị xã Kỳ Anh là 57%.
Toàn dân đánh kẻng “gọi chữ”
Trăn trở trước thực trạng đó, tháng 3/2019, Ban Giám hiệu Trường THCS Kỳ Ninh đã tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền xã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng chất lượng giáo dục. Thành phần tham gia là toàn bộ giáo viên nhà trường, Thường vụ Đảng ủy, UBND, HĐND, các tổ chức đoàn thể, Bí thư, thôn trưởng các thôn, các chi hội thôn, hội khuyến học, đại diện các dòng họ hiếu học. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục và lãnh đạo thị xã cũng rất quan tâm về tham dự hội nghị.
Ban Giám hiệu và giáo viên đi kiểm tra việc học bài ở nhà của học sinh |
Tại hội nghị này, nhiều vấn đề được đặt ra nhằm tác động đến nhận thức của người dân để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, đề cao công tác xã hội hóa, sự quan tâm của chính quyền địa phương, của người dân, phụ huynh.
Hội nghị cũng thống nhất đưa danh sách học sinh về các thôn xóm để biểu dương hoặc nhắc nhở trong các cuôc họp. Gắn việc học bài ở nhà với các thôn xóm, đề xuất các phương án học sinh tự học trong thời gian ở nhà, kể cả thời gian nghỉ hè sắp tới. Với điểm nhấn đầu tiên là "Tiếng kẻng học bài vào ban đêm".
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Kỳ Ninh đã ban hành Nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2018 - 2019 và những năm tiếp theo. Coi việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Như một luồng gió mới, toàn bộ hệ thống chính trị tại Kỳ Ninh đã vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt với tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Giáo viên được phân công phụ trách địa bàn, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc học sinh học tập. Đồng thời phối hợp cùng với Bí thư, thôn trưởng ở 9 thôn duy trì tiếng kẻng học bài ban đêm.
Trường THCS Kỳ Ninh trong một giờ chào cờ đầu tuần |
Không như trước đây, kể từ khi có tiếng kẻng, không khí học tập đã bao trùm lên trong địa bàn dân cư từ thôn xóm đến toàn xã. Mọi người, mọi nhà đều chú trọng và ưu tiên cho việc học. Học sinh chăm lo học tập hơn, góc học tập cũng được bố trí khang trang thoáng đãng hơn.
Cũng từ khi có tiếng kẻng, phụ huynh và nhân dân có ý thức hơn trong việc tạo điều kiện cho con em học bài. Cứ đến 19 giờ 30 phút, tất cả mọi thiết bị nghe nhìn đều được hạn chế đến mức tối đa, không làm ảnh hưởng đến việc học của các cháu.
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Ninh chia sẻ: “xã Kỳ Ninh là một địa phương ổn định về chính trị, phụ huynh phần đa đi lao động nước ngoài. Vì thế, quan điểm của người dân là học để đi nước ngoài chứ không quan tâm đến chất lượng giáo dục. Phát động phòng trào xã hôi hóa giáo dục thông qua tiếng kẻng học bài để người dân quan tâm hơn về việc học tập của con em mình, để phụ huynh mất dần ý thức dựa vào lao động nước ngoài một cách thiển cận. Từ đó làm chuyển biến về nhận thức của người dân là muốn có tương lai lâu dài thì phải có chiến lược bền vững, mà trọng tâm là học vấn”.
... và trong một giờ sinh hoạt tập thể |
Trao đổi về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của Trường THCS Kỳ Ninh, ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kỳ Anh cho biết: “Điều phấn khởi là các cán bộ cấp thôn xóm hưởng ứng nhiệt tình. Đây là sự khởi đầu rất tốt, tuy nhiên để đánh giá toàn diện hiệu quả của nó thì phải có một quá trình nữa nhưng bước đầu như vậy là tốt rồi. Hy vọng rằng từ việc này sẽ chuyển biến nhận thức của học sinh, phụ huynh và mọi tầng lớp nhân dân địa phương”.
Ông Lê Công Đường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh chia sẻ: “Kỳ Ninh là một xã có địa bàn rộng, dân số khá đông, con em ngoan, nhưng do điều kiện bố mẹ đi làm ăn ở nước ngoài nên việc chăm sóc con cái bị hạn chế. Hơn nữa tư tưởng của một số cán bộ, nhân dân trong việc xã hội hóa về công tác giáo dục chưa đúng mực, gần như phó mặc cho nhà trường”.
“Xuất phát từ thực trạng đó, nhà trường và địa phương tổ chức hội nghị với mục tiêu để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết phải thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, của người dân, đặc biệt là con em có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc học”, ông Đường cho biết.
Ông Lê Công Đường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh: Để nâng cao chất lượng giáo dục phải thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị |
Theo ông Đường, nhận thức của nhân dân là học xong để lấy cái bằng rồi đi XKLD. Người ta không nghĩ rằng, xã hội nào cũng thế, trọng dụng người tài vẫn là trên hết. Kể cả đi nước ngoài thì đối với lao động có chuyên môn, có tay nghề vẫn hơn lao động phổ thông.
“Từ đó xây dựng tiếng kẻng học đường tại các thôn xóm. Cứ 19h 30 phút tối sẽ đánh một hồi kẻng báo hiệu đến giờ học bài. Người lớn phải tắt ti vi để các cháu tập trung học tập. Các tổ chức đoàn thể phối hợp nhà trường tuyên truyền, giáo dục con em, làm thay đổi nhận thức để có định hướng học hành tốt hơn”, ông Đường nói.