Tháng 4 này, thầy giáo Phùng Đăng Khánh nói lời chia tay với sân trường và phấn bảng trong niềm luyến lưu của bao thế hệ học trò từ quê đến phố vùng đất sông Hương, núi Ngự, phá Tam Giang.
Ngày cuối cùng trên bục giảng, thầy đã có những lời thơ cảm từ nhiều xúc động:
“Tôi trở về khi sắp sửa mùa thi
Chùm phượng đỏ đã bắt đầu chớm nở
Hành trình với học sinh dẫu còn dang dở
Mong các em vững bước tiếp con đường”
Một hình ảnh rất cũ khi nói về nghề dạy học đó là hình ảnh những chuyến đò. Quý thầy, quý cô là những người đưa đò và những thế hệ học trò như khách sang sông.
Thầy giáo Phùng Đăng Khánh. Ảnh: Phi Tân |
Với riêng quý thầy giáo, cô giáo của trường Trung học phổ thông số 3 Hương Điền trước đây hay trường Tam Giang sau này câu chuyện về những chuyến đò nó còn cụ thể hơn, đời thường hơn bởi người dân và những học sinh bên kia phá Tam Giang luôn trân quý tấm lòng của những thầy giáo, cô giáo từ Huế, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đã theo những chuyến đò dọc, đò ngang vượt con sóng Tam Giang để về Điền Hải cơm mắm, cơm muối mà gieo mầm tri thức.
Những chuyến đò rất đời thực đó cũng thú vị thay khi từ giã mái trường cấp 3, học sinh những miền quê này cũng theo đò lên Huế hay những thành phố xa từ Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội để tiếp tục học tập, lao động và bước vào đời.
Nói cách khác, là những đứa con của sông Ô Lâu và phá mẹ Tam Giang nên con đường quan trọng nhất của hành trang của cuộc đời là những chuyến đò.
Có lần thầy Phùng Đăng Khánh đã kể tôi nghe về kỷ niệm “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cách đây đã gần bốn thập kỷ khi chàng sinh viên Hà Tĩnh được phân công về nhận nhiệm sở ở Trường Trung học phổ thông số 3 Hương Điền, một ngôi trường xa ngái bên kia phá Tam Giang xứ Huế.
Thầy Phùng Đăng Khánh (thứ 7 từ trái sang) trong ngày chia tay thầy và trò Trường Trung học phổ thông Gia Hội. Ảnh: Phi Tân |
Người thầy giáo trẻ quê ở vùng đất tâm tình Hà Tĩnh vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đã ngỡ ngàng và cả lo âu nữa khi bước xuống bến Đông Ba theo con đò chòng chành xuôi sông Hương và chạm với phá Tam Giang mênh mông sóng nước để về với một ngôi trường xa lơ xa lắc.
Vượt lên bao thiếu thốn trăm bề ở một ngôi trường vùng quê nghèo vừa trải qua những năm dài chiến tranh đang được khôi phục, xây dựng trong hòa bình; chính tình yêu nghề và thương mến học trò đã giúp thầy Khánh bám trụ để dạy tốt.
Rồi chính đất và người những những vùng quê ven phá, ven biển đã trìu mến yêu thương và kính trọng thầy…
Trong một lần gặp mặt học sinh cũ, thầy giáo Nguyễn Hối, một người đồng nghiệp thân thương của thầy Khánh kể:
“Đám cưới của vợ chồng thầy Khánh, cô Thảnh tổ chức tại ngay trên sân trường này. Thiếu thốn trăm bề.
Cô dâu không may nổi một tấm áo dài nên phải mượn áo dài cưới của vợ tui. Còn quần thì không biết mượn của ai...".
Lớp chúng tôi được thầy Khánh dạy Toán hai năm 11 và 12.Lúc đó tôi nhìn quanh hội trường và đã thấy những giọt nước mắt của một cô giáo...
Tôi học toán bình thường nhưng cũng được thầy biết đến là nhờ cô dạy văn và thỉnh thoảng có nhã hứng thì thầy đọc bài chấm văn giúp cô.
Có lần học tiết toán của thầy mình nhìn lơ đãng ra cửa sổ, thầy nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để cho đứa học trò giật mình.
Nhớ thầy Khánh là nhớ căn phòng tập thể nhỏ ọp ẹp nằm ở góc sân trường của cô thầy và hai đứa con nhỏ. Trước căn phòng này là cây phượng vỹ già.
Có lần tôi cùng đứa bạn thân cùng lớp là Vũ ghé phòng thầy chơi thấy ông cụ thân sinh của thầy mới từ Hà Tĩnh vô thăm con.
Ông cụ người cũng nhỏ nhắn như thầy và rất giỏi chữ Nho. Mình ngạc nhiên khi ông cụ mang theo mấy quyển sách toàn chữ Nho để đọc.
Thầy Khánh có lẽ học được nhiều từ cha phong thái của một nhà Nho xứ Nghệ nên suốt sự nghiệp dạy học của mình thầy lúc nào cũng khiêm cung, nho nhã trong ứng xử với đồng nghiệp hay học trò...
Bởi thế những thế hệ học trò của trường số 3 Hương Điền trước đây hay trường Tam Giang sau này mỗi lần nhắc đến thầy đều tỏ lòng yêu mến và kính trọng.
Thầy không nóng giận, không to tiếng nhưng thầy có cái uy ngầm của một nhà giáo thanh liêm luôn hết mình vì nghề dạy học và học sinh...
Cách đây mấy năm, trong buổi họp mặt của khoá chúng tôi, thầy Phùng Đăng Khánh bất ngờ hỏi: "Khóa các em có em nào học xong mà chừ vẫn làm ruộng không?"...
Một câu hỏi giản đơn nhưng thể hiện được tấm lòng bao dung của một người thầy với học trò. Tôi may mắn là được gặp thầy nhiều lần sau khi ra trường.
Mà mỗi lần thầy trò gặp nhau thì chủ yếu nói chuyện văn nghệ chứ ít khi nói chuyện chi to tát.
Mà với thầy Khánh thì mọi chuyện trên đời đều là nhẹ nhàng cả, dạy toán cũng nhẹ nhàng, làm thơ cũng nhẹ nhàng và hát nhạc Trịnh cũng nhẹ nhàng...
Suốt mấy chục năm dạy học từ khi đất nước mới hòa bình đến nay, thầy Khánh đã gắn bó với những vùng đất, những thế hệ học trò xứ Huế từ Trường Trung học phổ thông Tam Giang, Trường Trung học phổ thông Phong Điền, Trung học phổ thông Trần Văn Kỷ và Trung học phổ thông Gia Hội với những cương vị là hiệu phó, hiệu trưởng thầy vẫn lên lớp giảng bài hàng tuần.
Có lẽ những năm tháng dạy học gian khó ở vùng gió cát Ngũ Điền bên kia phá Tam Giang là nặng tình với thầy Khánh nhất bởi tuổi thanh xuân, tình yêu của thầy bắt đầu từ nơi đó...
Nguồn tin: Giáo dục VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn