Sản phẩm ở làng mộc Thái Yên.
Theo đó, nhãn hiệu được cấp cho Hội Nghề mộc Thái Yên (xã Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh) quản lý và sử dụng. Hội Nghề mộc Thái Yên có 94 hội viên. Đây là kết quả sau gần 2 năm triển khai dự án “Tạo lập nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên” dùng cho sản phẩm mộc dân dụng của xã Thái Yên” thuộc Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020.
Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Mộc Thái Yên”, sẽ góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức làm nghề mộc, các doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Yên. Phát triển thương hiệu “Mộc Thái Yên” thông qua việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể và chống các hành vi xâm phạm quyền. Nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đồ mộc truyền thống của địa phương. Đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, hướng đến việc phân phối sản phẩm ra khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Duy trì danh tiếng sản phẩm và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm…
Nhãn hiệu Nghề mộc Thái Yên được cấp cho Hội nghề mộc Thái Yên quản lý, sử dụng.
Nghề “Mộc Thái Yên” đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Lúc đầu, chỉ sản xuất những vật dụng thông thường như: mâm, khay, hương án... để thờ tự. Sau này sản xuất thêm bàn ghế, giường, tủ, sa-lông, tràng kỷ, lục bình, khung tranh ảnh, khung gương, tượng bằng gỗ… Các sản phẩm đã tăng được tính cạnh tranh trên thị trường với các làng nghề gỗ mỹ nghệ khác trong cả nước, được khách hàng ưa chuộng.
Hiện nay, tại xã Thái Yên có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ thô và đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp từ nghề mộc. Riêng trong năm 2018, giá trị thu nhập từ sản xuất các sản phẩm “Mộc Thái Yên” đạt hơn 113 tỷ đồng.
Hạnh Nguyên
Theo Đại đoàn kết