Phóng viên có buổi làm việc cùng ông Nguyễn Công Thiện, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hồng Lĩnh để tìm hiểu rõ hơn nội dung báo đăng tải.
Tại buổi làm việc, ông Thiện cho biết, Dự án xây dựng mặt đường và các công trình trên tuyến đường Lê Hữu Trác được khởi công từ tháng 9/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2020, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch 2016 - 2020 từ Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng; ngân sách thị xã Hồng Lĩnh theo cơ chế của Đề án Xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng thị xã Hồng Lĩnh đạt tiêu chí đô thị loại 2, với chiều dài 3.932,77m. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Như Nam với giá trị xây lắp 82 tỷ 557 triệu đồng.
Thi công đắp nền đường được đổ bằng những xe đất chứa đầy đá. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trong quá trình thi công, nguồn đất của dự án được lấy từ mỏ Đức An (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). “Khi thi công dự án, nguồn đất tại mỏ hiếm nên tiến độ thi công có chậm hơn. Quá trình thi công nền đường được đắp bằng đất đồi đạt độ chặt K95, dưới kết cấu áo đường đắp bằng đất đồi đạt độ chặt K98 dày 50cm. Những hình ảnh báo đăng tải đang thuộc lớp đất K95”, ông Thiện nói.
Khi Pv hỏi đến vấn đề liên quan việc xe chở đất đến công trình phần lớn là những khối đá lớn để đổ nền đường có đảm bảo độ chặt K95 hay không? Ông Nguyễn Văn Trí, Cán bộ kỹ thuật thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ bản thị xã Hồng Lĩnh cho biết, để thực hiện dự án Ban quản lý đã cho thí nghiệm đất tại mỏ Đức An và đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn khi thi công phần đất được chở đến để san lấp nền đường có lẫn nhiều tảng đá lớn đều là đá bột mềm nên khi tiến hành lu lèn đá sẽ vỡ ra. Cũng theo ông Trí, nếu đất chở đến đắp nền đường có lẫn nhiều đá như vậy khi thực hiện lu lèn đơn vị thi công sẽ mất nhiều thời gian để lu nền đường hơn.
“Để đánh giá đất được chở đến đắp nền đường Lê Hữu Trác có đảm bảo độ K hay không thì mắt thường không thể đánh giá được. Hiện tại, chúng tôi vẫn để đơn vị thi công tiếp tục chở đất tại mỏ Đức An đến đổ tại nền đường công trình. Khi nhà thầu tiến hành lu lèn nền đường xong chúng tôi sẽ mời đơn vị thí nghiệm đến đo độ chặt K của đường. Nếu như đất không đạt tiêu chuẩn độ K cho phép sẽ yêu cầu nhà thầu bóc lên làm lại”, ông Trí nói.
Tỷ lệ đất lẫn đá bột khô ít thành phần đất sét nên việc lu lèn khó có thể đạt tiêu chuẩn đủ độ chặt K. Ảnh: Cẩm Kỳ
Theo một chuyên gia bên lĩnh vực xây dựng cơ bản khi có mặt cùng phóng viên tại hiện trường thi công, vị này cho biết, với đống đất lẫn đá đổ vào công trình san lấp như thế này sẽ khó đạt tiêu chuẩn về độ K.
“Độ đầm nén K là tỉ lệ % của khối lượng đất khô trên 1 đơn vị thể tích được đầm nén tại hiện trường chia cho khối lượng đất khô cùng một thể tích tại phòng thí nghiệm. Nhìn bằng mắt thường theo kinh nghiệm của tôi, đất này chỉ thuộc đất cấp 3, 4 thôi, bởi đất lẫn đá bột khô kèm theo thành phần đất sét không đủ nên quá trình lu lèn khiến độ chặt không đảm bảo”, vị chuyên gia này cho biết.
Cẩm Kỳ
Theo Thời báo Doanh nhân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn