Thời gian gần đây, tại xóm Ngụ Dẻ, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh liên tục xảy ra tai nạn rơi cầu. Để hiểu rõ nguyên nhân của những vụ tai nạn trên, chúng tôi tìm về xóm Ngụ Dẻ.
Con đường độc đạo dẫn vào xóm này phải băng qua một con suối, “Ngày xưa, muốn qua suối chúng tôi phải để phương tiện ở lại, mấy năm gần đây, để thuận tiện hơn người dân đã góp tiền làm cầu tạm. Tuy nhiên, cũng từ khi chiếc cầu được bắc qua suối, đã rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, người nhẹ thì bị xây xước; nặng gãy tay chân, mất mạng ”- một người dân dẫn đường cho biết.
Theo quan sát của PV, cầu tạm Ngụ Dẻ có chiều dài khoảng 30m, chiều rộng 2m rất đơn sơ, được làm bằng ba ống cọc nhồi bê tông tròn ghép lại với nhau. Trên mặt cầu được gia cố bằng cách đổ một lớp cát sỏi chèn vào rãnh, không có mố cầu, lan can.
Ông Nguyễn Văn Nam (xóm Ngụ Dẻ, phường Kỳ Thịnh) cho biết, việc qua lại ở đây vô cùng nguy hiểm nhưng không còn con đường nào khác nên người dân và con em học sinh buộc phải đi lại trên cây cầu này.
“Thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều vụ tai nạn khi đi qua cầu tạm này, nhiều người bị rơi cả người lẫn xe từ trên cao xuống suối, người bị vỡ lách, gãy sườn, người bị gãy tay chân. Gần đây nhất ngày 01/01/2018 (Tết Âm lịch) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi một người đàn ông đi qua đây đã rơi cả người lẫn xe xuống chân cầu tử vong tại chỗ.” – ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, những ngày lũ dâng cao, nước chảy xiết thì xóm Ngụ Dẻ lại bị chia cắt, không ai có thể qua lại được, học sinh phải nghỉ học.
Em Hà Thị Minh Tâm (lớp 6A1 trường THCS Kỳ Thịnh) cho biết: “Hàng ngày em phải đi qua cầu tạm này từ 2-4 lần cả đi và về. Nhiều bạn liều mình ngồi lên xe đạp nhưng em sợ té nên phải đi bộ dắt xe qua cầu. Sợ nhất là khi trời gió lớn đi ra đến giữa cầu gió thổi mạnh muốn đẩy rơi cả người và xe xuống suối.”
Em Tâm cho biết thêm, những lúc trời nắng còn đỡ chứ trời mưa đi qua cây cầu này rất trơn, chỉ cần một chút sơ ý là rơi ngay xuống suối.
“Mùa khô còn đỡ, chứ về mùa mưa lũ nếu không may rơi xuống suối này là chắc chắn mất mạng vì mùa lũ nước ở suối này chảy mạnh lắm chú ạ” – em Tâm lo lắng.
Theo số liệu của UBND Phường Kỳ Thịnh, xóm Ngụ Dẻ có gần 200 hộ dân dân sinh sống và làm trang trại phát triển kinh tế với khoảng hơn 100 học sinh các cấp từ mẫu giáo đến THPT phải qua lại bằng chiếc cầu tạm này.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Định, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Thịnh cho biết, xóm Ngụ Dẻ nằm ngoài quy hoạch khu dân cư, người dân sinh sống và phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi và trồng cây hoa màu. Đây là vùng đã được phê duyệt vùng phát triển kinh tế. Việc xây dựng, thay thế cầu tạm này và làm các tuyến đường nối quốc lộ 1B là rất cấp bách nhưng nguồn kinh phí của phường không có. Cầu tạm này do các hộ dân tự đóng góp mua ống bê tông về ghép lại với nhau và phường hỗ trợ một ít kinh phí để sửa chữa.
“Việc cầu chiếc xuống cấp người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương, chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp có phương án khắc phục và xây dựng thay thế cầu tạm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Trước đây tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đồng ý đầu tư nguồn kinh phí để xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa có” – ông Định nói.
Với hàng trăm hộ dân sinh sống và phát triển kinh tế cùng hơn 100 con em học sinh hằng ngày phải đối mặt với tử thần khi đi qua chiếc cầu tạm thế này, nếu ai chứng kiến cảnh họ qua cầu, đặc biệt vào những ngày mưa to, gió lớn, hẳn sẽ... “lạnh xương sống”.
Tác giả bài viết: Tiến Hiệp
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn