Xin các cô đừng quỳ gối, dù đó là miếng cơm manh áo!

Thứ sáu - 15/06/2018 15:39
Những ai đã xem clip các cô giáo của cơ sở mầm non Tuổi Thơ, đóng trên địa bàn thị trấn Thanh Chương (Thanh Chương, Nghệ An) chắc hẳn không khỏi cảm thấy đau lòng. Khi nhà giáo phải quỳ gối, thì làm sao dạy được trẻ em? Dù là vì miếng cơm manh áo.
Chứng kiến cảnh các cô giáo quỳ, khóc này khiến nhiều người cảm thấy đau lòng.

Khi UBND thị trấn Thanh Chương ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt mọi hoạt động chăm sóc, giáo dục và tuyển sinh ở cơ sở này vì chưa đủ thủ tục giấy phép, các cô giáo tại đây đã quỳ gối trước xe hơi của vị Chủ tịch huyện.

Theo như lời các cô, các cô quỳ là để xin lãnh đạo thị trấn gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục. Đó là hành động xuất phát từ cảm xúc, tâm lý của mình để cầu xin trường được tiếp tục hoạt động.

 

Trong muôn vài ý kiến trái chiều, rất nhiều người bày tỏ sự thông cảm với hành động của các cô giáo. Vì công việc này là miếng cơm manh áo, có khi là thu nhập chính của cả gia đình. Trong trạng thái bất lực, không có con đường nào khác để có thể cứu vãn sự hoạt động của ngôi trường, các cô mới phải làm như vậy.

Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, hẳn ai cũng cảm thấy buồn khi chứng kiến hành động của các cô, buồn cho cả ngành giáo dục.

Nhiệm vụ của các cô là chăm sóc và dạy dỗ trẻ. Nhưng rồi đây các cô sẽ dạy các cháu như thế nào đây khi chính các cô còn không thể bảo vệ được bản thân mình? Các cô sẽ dạy như thế nào đây khi chính các cô quỳ gối van xin sự ban ơn, sự thương hại để giữ lại nồi cơm cho mình?

Tôi tin các cô, hầu hết còn rất trẻ, có sức khỏe, có học thức không thua kém nhiều người trong xã hội. Trước sự việc xảy ra với trường mình, các cô sẽ có nhiều biện pháp để đấu tranh, làm rõ vụ việc một cách văn minh, đúng pháp luật hơn là quỳ gối trước các cấp lãnh đạo. Một hành động tự hạ thấp bản thân, hạ thấp vai trò và uy tín của người giáo viên trước không chỉ các cấp lãnh đạo, mà còn trước con mắt của phụ huynh và nhân dân. Dù ủng hộ các cô bày tỏ thái độ nhưng chắc hẳn phụ huynh có con em theo học không khỏi đau lòng, can tâm gửi gắm con mình, những mầm non sẽ là tương lai của đất nước cho một thế hệ giáo viên sẵn sàng quỳ gối. Các em sẽ học được gì trước ứng xử, hành động của các cô?

Dù nếu không thể đi dạy được nữa, với sức khỏe, trí tuệ của mình, các cô có thể tìm được công việc khác phù hợp với mình. Nếu các cô không thể làm công việc gì khác ngoài đi dạy, giữ trẻ, thì tôi nghĩ các cô đã thất bại. Hệ thống giáo dục đào tạo ra những giáo viên như vậy đã thất bại. Bởi các cô đã thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết khi ra ngoài xã hội, những thứ mà nhà trường đã không dạy các cô.

Tôi còn nhớ vào năm 2015, khi UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cắt hợp đồng của 214 giáo viên, cũng từng ấy con người đứng trước nguy cơ phải “ra đường”. Vụ việc từng gây sóng trong dư luận cả nước. Có giáo viên đã có thâm niên giảng dạy tới 12 năm, cũng có nguy cơ mất việc.

Nhưng điều tôi trân quý ở các cô giáo ấy, là họ đã không “quỳ gối” trước các cấp lãnh đạo. Họ mời báo chí vào cuộc, mời các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh và trung ương vào làm rõ vụ việc để bảo vệ quyền lợi của mình. Dù kết quả thế nào, họ cũng đã có cách làm văn minh, được người dân cả nước ủng hộ.

Ở đây chưa bàn đến vấn đề đúng sai khi UBND huyện Thanh Chương yêu cầu cơ sở mầm non Tuổi Thơ phải đình chỉ hoạt động khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, dù đồng cảm với hoàn cảnh của các cô giáo, nhưng hành động quỳ gối của các cô đã là sai và không thể chấp nhận.

Tác giả bài viết: Mai Nguyễn

Nguồn tin: Infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây