Giám đốc: Các giảng viên bị lừa
rao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn đã có hành vi lừa đảo một số giảng viên của học viện. Không chỉ đối với PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí mà còn cả một số cán bộ, giảng viên khác.
Ông Nam cho biết qua tìm hiểu, Tạp chí Chống tham nhũng mà ông Lê Hoàng Anh Tuấn nhận là Tổng biên tập không phải là một tạp chí khoa học. Những tạp chí dạng này ở nước ngoài được cấp phép rất dễ.
Tuy nhiên, từ số thứ 2, 3... trở đi, tạp chí này hoàn toàn không xuất bản mà được "nhà báo quốc tế" làm giả bằng cách rất đơn giản là photo và chế bản tại Việt Nam.
“Ông Tuấn lấy bìa của tạp chí, photo rồi ghép với bài của các giảng viên và bảo tạp chí đã đăng tải. Rồi ông Tuấn nói các giảng viên cứ đăng ký với nhà trường và các nơi. Vì vậy mà giảng viên cũng nhầm tưởng là thật”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, các giảng viên của Học viện chỉ gửi bản thảo bằng Tiếng Việt, còn việc dịch sang Tiếng Anh thì "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn nhận làm.
"Thông thường, các bài báo để được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín phải thông qua các hội đồng và việc xuất bản sẽ phải mất chi phí không dưới 2.000 euro. Nhưng đằng này, các bài báo mà các giảng viên được đăng trên tạp chí giả này hầu như không mất chi phí gì đáng kể. Cô Hằng cũng chia sẻ do nhầm lẫn chứ cũng không chủ ý. Bởi nó dễ, đơn giản, nhẹ nhàng nên anh em tưởng thật. Phải nói đây là một cú lừa ngoạn mục, rất tinh vi”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết theo thông tin từ Thư viện Quốc gia Séc, trên hệ thống tra cứu tài liệu, riêng Viện trưởng Viện Báo chí Đỗ Thị Thu Hằng có 5 bài đăng và 3 giảng viên báo chí khác mỗi người được đăng 1 bài.
"Nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn |
Theo ông Nam, chủ trương mới của Bộ GD-ĐT đặt ra là người hướng dẫn khoa học và ngay cả nghiên cứu sinh cũng phải có bài báo quốc tế mới đủ tiêu chuẩn. Do đó, Học viện cũng đang hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, cơ quan báo chí nước ngoài để các giảng viên có thêm cơ hội đăng bài báo quốc tế.
Trong bối cảnh đó, các giảng viên đã gửi bài với mong muốn được đăng bởi Tạp chí Chống tham nhũng được xuất bản ở Séc.
Tuy nhiên, điều đáng nói là dù tên tạp chí là Chống tham nhũng nhưng những bài báo khoa học của các giảng viên gửi đi đều không liên quan gì đến đề tài này.
Có thực sự giảng viên bị lừa?
Trong khi đó, một nghiên cứu sinh báo chí tại nước ngoài lại cho rằng mọi việc không như ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nắm được.
Qua tìm hiểu, tạp chí Chống tham nhũng này xuất bản từ đầu năm 2018 tới tận tháng 4/2019. Cụ thể, tạp chí này xuất bản 9 số trong năm 2018, 4 số trong năm 2019. Lần cuối xuất bản là 30/4/2019. Không phải photo, ghép bìa gì hết, mà in ra cả tập, đóng quyển.
"Một bộ phận giảng viên đại học hiện nay yếu"
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Hiệp, một thành viên tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cho hay ở một số nước, với vai trò quản lý, nếu có đơn vị gửi thì thư viện sẽ nhận thông tin. Tuy nhiên, họ sẽ không nói rằng chỉ mục này để xác nhận thẩm định chất lượng mà chỉ để xác nhận là có thông tin đó. Tạp chí này cũng có thể rơi vào trường hợp như vậy.
"Ở các nước và xã hội phương Tây quản lý bằng hậu kiểm. Việc có tên trên hệ thống tra cứu tài liệu của thư viện thực chất chỉ có nghĩa là lưu trữ thông tin, xác nhận đã có một thông tin như vậy xuất hiện, mang tính chất ghi nhận.
Chuyện đó là hết sức bình thường. Đôi khi có một số những chỉ mục để xác định, đánh giá chất lượng thì khắt khe hơn. Nhưng cũng có chỉ mục với một số trường hợp là để lưu trữ thông tin khoa học. Thường như ở nước ta, các nhà khoa học sẽ làm việc với các tạp chí và các tạp chí làm việc với các nhà xuất bản. Các tạp chí làm việc như thế nào với nhà xuất bản là việc của họ, việc của chúng ta là chỉ chọn tạp chí. Trường hợp "nhà báo quốc tế", có thể ông Tuấn này đóng vai là tổng biên tập của tạp chí thì sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị", ông Hiệp phân tích.
Theo ông Hiệp, thông thường hiện nay các đơn vị lưu trữ đều có hệ thống online. Với những bài viết làm đúng quy trình thì có khi chỉ 5-10 ngày đã có thể xuất hiện trên mạng theo hình thức, định dạng chuẩn. Và như vậy các giảng viên hay bất kỳ ai có thể tra cứu tài liệu đó.
"Có thể ở đây các giảng viên bị lẫn lộn giữa chỉ mục đánh giá chất lượng và chỉ mục lưu trữ thông tin", ông Hiệp nói.
"Tuy nhiên, việc này cũng là bình thường. Bởi khi có bất cứ công trình khoa học nào mình đều cố gắng đưa lên, kể cả khi bài chưa tốt thì mình cũng cần đăng ở các nơi có chỉ mục để việc lưu trữ được dễ dàng".
Một tiến sĩ cũng trong giới nghiên cứu thì cho rằng xác định tạp chí nào uy tín không phải là việc quá khó. Và với tầm giảng viên đại học, đã nghiên cứu khoa học thì việc đánh giá mức độ uy tín của các tạp chí là một trong những tiêu chí hàng đầu.
Tuy nhiên, theo vị này, việc xảy ra đối với các giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với ông không quá bất ngờ.
"Bởi thực tế một bộ phận giảng viên đại học của chúng ta hiện nay yếu, thậm chí không có được kỹ năng này. Với lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, có mức độ hội nhập quốc tế cao hơn nên nhìn chung giảng viên, nghiên cứu sinh biết cách phân biệt chất lượng tạp chí chuẩn xác hơn. Lĩnh vực khoa học xã hội thì điều này khó hơn. Đây cũng là câu chuyện chung từ bao năm nay".
Theo vị này, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã đưa ra thêm những điều kiện về bài báo quốc tế, nhưng vẫn cần có thêm các chương trình, tài liệu hỗ trợ khả năng đánh giá, lựa chọn các tạp chí ưu tiên.
Do đó, vị này cho rằng trong chương trình đào tạo của lĩnh vực khoa học xã hội, cần có thêm những buổi dạy cách đánh giá, xem xét mức độ uy tín của các tạp chí...
Tác giả bài viết: Thanh Hùng
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn