Một lớp học của Trường THCS Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: TG - NVCC
Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đề xuất: Không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ (ThS).
Xóa rào cản
Hơn 15 năm đứng trên bục giảng, thầy Lê Ngọc Tuấn – giáo viên Trường Tiểu học Hải Hà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) được bổ nhiệm giáo viên hạng II. Mong muốn của thầy Tuấn là được lên giáo viên hạng I, tuy nhiên còn lấn cấn vì chưa có bằng ThS, các điều kiện còn lại đã được thầy chuẩn bị minh chứng đầy đủ.
Thầy Tuấn viện dẫn: Theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, giáo viên tiểu học hạng I phải có bằng ThS trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học. “Thực tế, ngoài yêu cầu phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, yếu tố năng lực sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ và những đóng góp của nhà giáo trong quá trình dạy học mới quan trọng. Vì thế, nếu có bằng ThS là tốt nhưng không nên là yêu cầu bắt buộc” – thầy Tuấn bày tỏ.
Hoan nghênh đề xuất của Bộ GD&ĐT, thầy Trần Hữu San – giáo viên Trường THCS Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội) - cho rằng: Với giáo viên tiểu học và THCS, không nhất thiết phải có bằng ThS; quan trọng là năng lực sư phạm. Vì thế, đề xuất của Bộ đã giải tỏa tâm lý cho đội ngũ giáo viên. “Thực tế, không phải giáo viên nào cũng có điều kiện để đi học ThS, nhất là giáo viên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vô hình trung, bằng cấp trở thành rào cản đối với giáo viên trong việc thăng hạng CDNN” – thầy San bộc bạch.
Hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của giáo viên và các chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội - nhìn nhận: Bỏ quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng ThS trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên phù hợp với thực tiễn và giải tỏa những băn khoăn, lo lắng cho đội ngũ nhà giáo.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, dạy học là nghệ thuật, mỗi nhà giáo là một nhà giáo dục. Chúng ta khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ, học tiếp lên bậc cao hơn, nhưng không nên quy định “cứng” phải có bằng ThS trở lên. Quy định giáo viên tiểu học/THCS hạng I phải có bằng ThS sẽ khiến nhiều giáo viên tâm tư, còn dư luận cho rằng, chúng ta đang nặng về bằng cấp. “Tôi cho rằng, đề xuất trên của Bộ là hợp tình, hợp lý và rất đáng hoan nghênh” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Thầy Lê Ngọc Tuấn trong giờ lên lớp. Ảnh: TG - NVCC
Không cần thiết
Lý giải về đề xuất, đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Theo quy định tại Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021, giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có bằng ThS trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học/THCS, hoặc có bằng ThS trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy, hoặc có bằng ThS quản lý giáo dục trở lên.
Đối với cấp tiểu học, hạng I theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT là hạng mới được bổ sung so với quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, nhằm bảo đảm việc chia hạng phù hợp với quy định về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019 và những yêu cầu của việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới.
Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học hạng II để được bổ nhiệm vào CDNN giáo viên tiểu học hạng I mới khi được xác định là người trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng CDNN giáo viên tiểu học (Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT). Như vậy, khi Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT được ban hành, trong thực tiễn tạm thời chưa có giáo viên tiểu học hạng I. Khi nào cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thăng hạng từ CDNN giáo viên tiểu học hạng II lên hạng I mới có trường hợp được bổ nhiệm CDNN giáo viên tiểu học hạng I.
Đối với cấp THCS, việc bổ nhiệm CDNN giáo viên THCS hạng I sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất: Giáo viên THCS hạng I cũ đạt tiêu chuẩn của hạng I mới (bao gồm cả đạt trình độ ThS theo quy định) thì được bổ nhiệm CDNN giáo viên THCS hạng I mới (Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT). Trường hợp thứ hai: Giáo viên THCS hạng I cũ chưa đạt tiêu chuẩn của hạng I mới (trong đó có trường hợp chưa có bằng ThS theo quy định) thì tạm thời bổ nhiệm CDNN giáo viên THCS hạng II mới và vẫn được bảo đảm về chế độ, chính sách hiện hưởng. Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I mới bổ nhiệm vào CDNN hạng I mới mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).
Ở trường hợp thứ hai, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay: Mặc dù, việc bổ nhiệm tạm thời vào CDNN giáo viên THCS hạng II mới không phải là “rớt hạng” như tâm tư của một số giáo viên, mà là bổ nhiệm hạng tương ứng với mức độ đạt tiêu chuẩn theo quy định của hạng. Đồng thời, mọi chế độ, chính sách mà giáo viên hiện hưởng vẫn được bảo đảm, không có sự điều chỉnh nào. Tuy nhiên, việc này vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận giáo viên THCS.
Nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS. Theo đó, mục tiêu của giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS.
Mục tiêu của giáo dục THCS là củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp. “Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ ThS là không cần thiết” – đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh.
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giai-toa-tam-tu-nha-giao-hvjn0ru7g.html