Đồng hành cùng học trò đến trạm cuối.
Tạo không gian thoải mái
Mặc dù đây là lần thứ 2 chị Trần Thị Thảo (Can Lộc, Hà Tĩnh) có con thi tốt nghiệp THPT nhưng chị và gia đình vẫn có cảm giác như lần đầu tiên. Chị Thảo tâm sự: “Hai tháng nay, gần như đêm nào tôi cũng thức cùng con. Nhiều hôm, con học đến 2 giờ sáng, tôi thúc giục đi ngủ để giữ sức con lắc đầu, nói ổn mà lòng tôi sốt ruột vô cùng”.
Theo đó, chị Thảo đã dành nấu cháo hay chè để bồi bồ cho con. Chị Thảo trải lòng: “Kỳ thi này đánh dấu bước ngoặt rất lớn của con để con trưởng thành vì vậy các cháu rất chú tâm. Con ôn thi đúng đợt gặt và cấy lúa nhưng gia đình tôi cũng không bắt con làm, để con tập trung học. Vào các buổi chiều cuối ngày, tôi có động viên con đi bộ hoặc chơi một môn thể thao nào mà bản thân thích để giảm căng thẳng, áp lực”.
Khác với chị Thảo, chị Trần Thị Hạnh (Long Biên, Hà Nội) có con đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT do đó một năm qua cả gia đình đã tập trung mọi nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho con học và ôn thi.
Chị Hạnh chia sẻ: “Hiện nay, học sinh có nhiều sự lựa chọn để vào cánh cửa đại học, tuy nhiên áp lực vẫn đè nặng lên con. Do đó, vợ chồng tôi luôn động viên con cố gắng hết sức để bản thân không bị áp lực; cân bằng thời gian học cũng như nghỉ ngơi”.
Chị Hạnh cho biết thêm: “Gần 1 tuần này, con gái chị đã không còn đến nhà thầy giáo ôn mà tập trung ôn tập tại nhà. Vì vậy thời gian tự ôn vào buổi tối bắt đầu được rút ngắn. Trước đó, từ đầu năm 12 đến cuối tháng 5 con gần như đêm nào cũng học đến 0 giờ hoặc 1 giờ sáng. Nhưng một tuần này con đã giảm thời gian học buổi tối đến 23 giờ.
Như vậy, con có thêm thời gian ngủ nhiều hơn, bên cạnh đó các buổi chiều con cũng dành thời gian cùng tôi nấu cơm, làm bánh. Tôi mong rằng thông qua các hoạt động đó, con sẽ có tâm lý thoải mái và không quá áp lực trong giai đoạn nước rút này”.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên
Theo bác sĩ Ninh Thị Phương Mai, Khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E: “Giai đoạn này, để đảm bảo sức khỏe cho các sĩ tử cha mẹ cần lưu ý nhắc nhở con đảm bảo giờ giấc các bữa ăn, tránh bỏ bữa, ăn dồn bữa; nên ăn vừa đủ cả về lượng và chất, tương đương với bữa ăn ngày thường của trẻ.
Phụ huynh tránh bồi dưỡng quá mức hoặc chỉ tập trung vào một nhóm thức được cho là bổ dưỡng, tốt cho trí não khiến trẻ mất cân đối về dinh dưỡng, chán ăn”.
Bác sĩ Ninh Thị Phương Mai, Khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E. Ảnh NVCC.
Sĩ tử cũng cần hạn chế bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhanh, lý giải về điều đó, bác sĩ Mai nói: “Đồ ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt – những thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng.
Vì vậy, gia đình nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ, ăn trưa cho trẻ phù hợp giúp trẻ có đủ dinh dưỡng và năng lượng để có trạng thái sức khoẻ tốt nhất cho việc học.
Đối với những trẻ béo phì hay mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận hoặc một số bệnh lý khác phải tuân thủ chế độ ăn riêng.
Ngoài chế độ ăn uống, trẻ vẫn nên có thời gian vận động để tăng cường thể lực, giảm stress. Phụ huynh có thể cùng con tập những bài tập rất đơn giản như: chạy bộ, đạp xe đến trường, chơi thể thao.
Việc vận động không những giúp trẻ có thể lực và sức khoẻ tốt mà còn cải thiện tinh thần của trẻ khi thay đổi môi trường không gian xung quanh trẻ, tránh việc liên tục đối mặt với sách vở từ ngày này sang ngày khác làm tăng áp lực tâm lý cho trẻ.
Thêm vào đó, việc cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi cũng là một yếu tố quan trọng giúp trẻ khoẻ mạnh về cả thể chất và tinh thần”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra vào 4 ngày: 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Trước kỳ thi, các thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm, củng cố kiến thức bằng cách luyện đề. Bên cạnh đó, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đủ các dưỡng chất để có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt.