Điều gì khiến nữ thủ khoa trường Nhân văn 'bỏ phố về quê'?

Thứ ba - 19/10/2021 15:12
Là thủ khoa đầu ra được Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) giữ lại công tác nhưng Lê Thị Nguyệt đã quyết tâm 'bỏ phố về quê'.

Trước khi trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,  nữ sinh Lê Thị Nguyệt (22 tuổi, Hà Tĩnh) cũng từng được nhiều người biết đến là thủ khoa đầu vào của trường với 28,5 điểm khối C00 trong kỳ thi THPT năm 2017.
 
102021101907
Lê Thị Nguyệt - nữ thủ khoa trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

Ngay từ những ngày đầu vào học ngành Công tác xã hội của ĐH KHXH&NV, thay vì nghỉ ngơi sau một thời gian dài ôn thi đại học vất vả thì Nguyệt đã rất chăm chỉ và chú tâm ngay vào việc học tập.

Nguyệt kể lại rằng, khi ấy môi trường đại học có nhiều lạ lẫm nên em chọn cách học hỏi kinh nghiệm từ các anh, chị khóa trên, nhất là cách học, cách ôn thi và trình bày bài thi làm sao cho khoa học, dễ hiểu và thuyết phục được thầy cô.

Ở trường Nhân văn, đa số các môn học có hình thức thi tự luận, Nguyệt rút ra kinh nghiệm để đạt điểm cao thì cần viết đúng và đủ. Đặc biệt ở những môn có lượng kiến thức lớn như Lịch sử Văn minh thế giới, Triết học Mác - Lênin, ngoài thời gian trên lớp nghe giảng thì Nguyệt cũng tự lên thư viện tìm tài liệu nghiên cứu, đầu tư cho môn học của mình.

Lúc ở nhà, Nguyệt ít khi đi chơi, xem phim mà dành thời gian đọc lại tài liệu rồi đối chiếu xem bài mình ghi trên lớp có thiếu ý gì hay sai chỗ nào không để sửa lại ngay.

Đối với những môn nhiều nội dung, phân khúc, Nguyệt sẽ tổng hợp tài liệu và làm đề cương cho mỗi phần. Sau đó cô tiến hành chia nhỏ các nội dung và học theo hình thức cuốn chiếu.

Áp dụng phương pháp học Pomodoro, mỗi nội dung Nguyệt sẽ tập trung học trong vòng 30 phút, sau đó nghỉ ngơi nghe nhạc hoặc tập yoga trong khoảng 10 phút, rồi lại học tiếp các phần khác.

“Phương pháp học của em là làm sao có thể tiếp cận với nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian nhưng cũng không để bản thân bị mệt mỏi hay căng thẳng. Làm được điều này em tiến hành chia nhỏ nội dung để học sẽ hình thành thêm tư duy logic và tính vận dụng cao hơn”, Nguyệt chia sẻ.

Lúc làm bài điều kiện cũng như bài thi cuối kỳ, phương pháp lấy điểm cao của nữ thủ khoa này là trình bày khoa học, viết rõ từng ý và lập luận có chiều sâu.

Ngoài ra, nữ thủ khoa này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học tiếng Anh trong suốt thời gian học đại học. “Tài liệu chuyên ngành đều là Tiếng Anh nên em luôn phải đọc trước tài liệu, chuẩn bị bài để có thể hiểu thuật ngữ một cách cụ thể nhất. Từ đó, khi giảng viên giảng bài, em có thể tranh thủ ghi nhớ nhanh và lâu hơn.

Ngoài học tiếng Anh cũng như các môn chuyên ngành em còn rất yêu thích việc nghiên cứu khoa học. Với em, nghiên cứu khoa học một trải nghiệm mà sinh viên nào cũng nên thử.

Các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ giúp chúng ta khơi dậy được sự sáng tạo trong việc lựa chọn những vấn đề nghiên cứu, rèn được tư duy logic, học tập được cách viết sao cho khoa học nhất là trong những bài luận”, Nguyệt nói.
 
102021101907a
Nguyệt là nữ sinh rất mê nghiên cứu khoa học.

Nguyệt tốt nghiệp đại học từ tháng 12/2020 (trước kỳ hạn là 6 tháng) với điểm số đáng ngưỡng mộ 3,91/4. Không chỉ thế, Nguyệt còn được nhiều người ngưỡng mộ khi “ẵm” luôn điểm 10 khóa luận tốt nghiệp.

Sau khi nhận được bằng tốt nghiệp tạm thời hồi cuối tháng 2, Nguyệt quyết định “bỏ phố về quê”. Hai tháng sau đó, cô nộp hồ sơ ứng tuyển vào Tỉnh đoàn Hà Tĩnh với mong muốn phát triển kiến thức chuyên ngành trong công tác Đoàn. Kết quả là cô trúng tuyển vị trí cán bộ Ban Tổ chức kiểm tra Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Với thành tích học tập xuất sắc, mới đây cô gái Hà Tĩnh nhận được lời mời ở lại trường ĐH KHXH&NV công tác. Tuy nhiên, vì muốn đóng góp cho quê hương, Nguyệt quyết định sẽ ở lại Hà Tĩnh và từ chối cơ hội làm việc tại ngôi trường đã gắn bó suốt thời sinh viên.

Nguyệt cho biết cô luôn tự hào là người con quê hương Hà Tĩnh nên rất muốn về quê làm việc. Khi biết Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tuyển dụng vị trí có chuyên ngành Công tác xã hội, cô đã đăng ký ngay để tìm cơ hội thực hiện những hoài bão trong tương lai.

Chia sẻ thêm dự định sắp tới, Nguyệt cho hay sẽ học lên cao học về lĩnh vực đang làm để phục vụ tốt hơn cho công việc.

Thành tích của Lê Thị Nguyệt:

- Giải ba nghiên cứu khoa học với đề tài: "Ứng dụng công tác xã hội cá nhân nhằm trang bị kỹ năng tự phục vụ bản thân cho trẻ tự kỷ”của Bộ GD&ĐT.

- Giải thưởng "Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka” năm 2019 cấp Thành phố do Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

- Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương” năm 2020, "Sinh viên 5 tốt tiêu biểu” cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2020, năm 2021.
 
 
Theo suckhoedoisong.vn
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn//ngu-dan-ha-tinh-hung-mua-so-huyet-sau-bao-so-8-169211019114553069.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây